Tuyến xe khách nào bị tố 'chặt chém' giá nhiều nhất?

author 17:13 02/05/2015

(VietQ.vn) - Tuyến xe khách Hà Nội - Thanh Hóa (và chiều ngược lại) đang bị người dân phản ánh rất nhiều qua đường dây nóng của Ủy ban ATGTQG về tình trạng nhồi nhét và chặt chém với mức tăng lên tới 50%.

Xung quanh lo ngại vào mỗi dịp nghỉ lễ, xe nhồi nhét, “hét” giá hành khách vẫn thường diễn ra, Ủy ban ATGT Quốc gia trước đó đã công bố 10 số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng và yêu cầu Ban ATGT địa phương phải công bố số điện thoại đường để người dân phản ánh thông tin.

Theo lãnh đạo của Ủy ban này, khi có phản ảnh của người dân về việc chở quá số người quy định, đơn vi sẽ có biện pháp xử lý ngay, chỉ đạo ngay về các địa phương để lực lượng tuần tra kiểm soát có mặt kịp thời xử lý.

Trà lời PV báo Chất lượng Việt Nam chiều 2/5, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban ATGTQG cho biết, các phản ánh chủ yếu dồn dập đầu và cuối kỳ nghỉ 2 ngày bởi đó là những ngày người dân di chuyển. Phản ánh chủ yếu về tình trạng chở tăng quá số người và hiện tượng tăng giá cao bất hợp lý của các nhà xe. Đặc biệt, đối với tuyến đường Hà Nội - Thanh Hóa đang có số phản ánh khá nhiều.

"Giá vé ngày thường từ Hà Nội về Thanh Hóa chỉ 100.000 đồng nhưng những ngày này, hành khách đang phải trả từ 120.000- 150.000 đồng/người".

Tuyến xe khách nào bị phản ánh tình trạng 'chặt chém' giá nhiều nhất?

Tuyến xe khách Hà Nội - Thanh Hóa nhận được nhiều phản ánh về việc tăng giá bất hợp lý. Ảnh: Lao Động

Theo ông Thái, tình trạng tăng giá vé xe bất hợp lý chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền Bắc do các doanh nghiệp không đăng ký niêm yết giá vé trong ngày Lễ. 

Đối với tình trạng nhồi nhét khách, Chánh văn phòng Ủy ban ATGTQG cho biết, do các doanh nghiệp vận tải lý giải "bắt khách bù lỗ những ngày vắng" nên hiện tượng này rất phổ biến do nhu cầu đi lại nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của người dân. Đối với các nhà xe chở quá người quy định, lực lượng xử lý chủ yếu là CSGT tại các điểm chốt. Theo đó, ngay sau khi người dân gọi điện đến đường dây nóng, cung cấp đầy đủ thông tin về tên doanh nghiệp, biển số xe, địa điểm đang lưu thông, cơ quan này sẽ liên lạc với các chốt giao thông và đề nghị CSGT xử lý.

"Việc xử phạt với những trường hợp này đã được quy định cụ thể tùy theo mức độ vi phạm. Thông thường, với những vi phạm chở người vượt quá số lượng cho phép, việc xử lý rất nặng và hoàn toàn xứng đáng", ông Thái nói.

Trả lời về việc,  việc xử lý vi phạm thông qua thông báo của người dân như vậy rất vòng vo, không hiệu quả, ông Thái cũng thừa nhận còn nhiều bất cập nhưng "có còn hơn không", các doanh nghiệp cũng tự ý thức hơn về trách nhiệm của mình. Việc xử lý chủ yếu sẽ được giao cho CSGT, Sở Giao thông địa phương và các bến xe...

Đưa ra lời khuyên cho người dân khi tham gia giao thông những ngày lễ, ông Nguyễn Trọng Thái nói: 

"Người dân nên sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển, tránh đi xe máy đường xa dễ xảy ra tai nạn; nên vào các bến xe mua vé sẽ giảm nhẹ tình trạng chặt chém; không theo sự lôi kéo của các phụ xe, người dân có quyền từ chối xe dịch vụ kém...".

Sau kỳ nghỉ Lễ kết thúc, cơ quan này sẽ tổng kết lại và công bố xử lý đối với các nhà xe vi phạm để răn đe và thông báo đến người dân có sự lựa chọn tốt nhất cho những kỳ nghỉ Lễ tiếp theo.

Trà Phương


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang