Tỷ phú mới châu Á: Tốt và xấu

author 15:03 08/04/2013

(VietQ.vn) - Danh sách tỷ phú được công bố hàng năm của Forbes luôn khiến nhiều người tò mò, đặc biệt là danh sách tỷ phú ở châu Á, vốn có nhiều biến động qua mỗi năm.

Sự kiện: Chân dung người giàu nhất Việt Nam

Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Tống Khánh Hậu
Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Tống Khánh Hậu

Ở góc nhìn một nhà đầu tư, nếu phân tích danh sách này có thể thấy nhiều điều thú vị về các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Nếu tầng lớp tỷ phú kiếm soát khối tài sản quá lớn so với quy mô nền kinh tế và mức độ phát triển của nền kinh tế, thì đó là dấu hiệu một nền kinh tế mất cân bằng.

Và nếu vẫn chỉ có từng ấy cái tên xuất hiện trong danh sách hàng năm, thì đó là dấu hiệu của sự trì trệ, không có sự “thay máu” nền kinh tế.

Sự xuất hiện của các tỷ phú mới là một dấu hiệu tốt, nếu họ nổi lên nhờ các ngành nghề như công nghệ và sản xuất. Tuy nhiên, trong những năm 2000, thế giới đã chứng kiến sự nổi lên của nhiều tỷ phú giàu lên nhờ mối quan hệ với chính phủ để giành sự độc quyền trong các lĩnh vực như dầu mỏ, bất động sản và khai khoáng. Đây là những lĩnh vực thường đóng góp ít cho sự phát triển bền vững bởi chúng dễ biến động và dễ xảy ra tham nhũng, lạm dụng. Sự xuất hiện của tầng lớp tỷ phú này lại là một dấu hiệu xấu cho nền kinh tế.

Áp các nguyên tắc phân tích này vào danh sách năm 2013, chúng ta sẽ thấy một số kết quả đáng ngạc nhiên.

Mặc dù thường bị đánh giá là môi trường kinh doanh bất bình đẳng và tham nhũng, tổng số tài sản mà các tỷ phú Trung Quốc nắm giữ chỉ chiếm 3,2% GDP, một tỷ lệ thấp nhất trong số các thị trường mới nổi lớn. Tài sản bình quân của 10 tỷ phú hàng đầu của Trung Quốc là 6,8 tỷ USD, khá khiêm tốn so với quy mô nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP trong hơn 10 năm qua.

Trung Quốc cũng bộc lộ sự chuyển đối mạnh mẽ trong số những người giàu, với 9 cái tên mới được thêm vào danh sách năm 2013 so với năm 2007. Người giàu nhất Trung Quốc Tống Khánh Hậu (Zong Qinghou), chủ tịch tập đoàn nước giải khát Wahaha, đạt vị trí này nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành kinh doanh giải khát. Tuy nhiên, tài sản ròng của ông là 11,6 tỷ USD, vẫn thấp hơn nhiều so với tài sản của các tỷ phú hàng đầu của các nền kinh tế nhỏ hơn như Malaysia và Philippines.

Những kết quả này cũng chưa hẳn là chính xác, một số người trong danh sách tỷ phú trước đây đã vào tù. Điều này cho thấy chính phủ đang nhằm vào những đối tượng sở hữu khối tài sản lớn đáng ngờ, một chính sách kiểu như “giết gà dọa khỉ”. Tuy nhiên, những chính sách này cũng có hiệu quả ghi nhận được trong việc hạn chế tham nhũng, bất bình đẳng.

Có một quy luật chung là nếu tổng số tài sản ròng của tầng lớp tỷ phú vượt quá 10% GDP, tỷ lệ bình quân ở các thị trường mới nổi, thì đó là dấu hiệu của sự mất cân bằng. Philippines, Malaysia, Đài Loan và Thái Lan hiện đều ở trên mức này, và Ấn Độ cũng đạt xấp xỉ đạt ngưỡng.

Ấn Độ là nơi có câu chuyện tỷ phú đáng ngạc nhiên nhất ở châu Á bởi người ta vẫn nghĩ đến nơi đây với hình ảnh các tỷ phú công nghệ ở Mumbai và tầng lớp trung lưu tăng mạnh nhờ đội ngũ nhân lực ngành IT. Tuy nhiên, trong gần một thập kỷ qua đã xuất hiện ngày một nhiều các doanh nhân có tài sản khổng lồ nhờ các giao dịch có liên quan đến chính trị ở các thị trường ngách.

Lộ trình cải cách không đầy đủ của Ấn Độ đã khiến Ngân hàng thế giới xếp nước này ở vị trí 166/183 nước về mức độ dễ dàng kinh doanh. Một sự kiện được cho là tiêu biểu cho những bất ổn và rủi ro của tầng lớp tỷ phú mới là việc ông trùm ngành giải khát Ponty Chadha, một người được báo chí miêu tả là “giàu lên nhanh chóng nhờ những ưu đãi của chính phủ”, đã bị bắn chết trong một vụ tranh chấp quyền sở hữu trang trại bên ngoài New Delhi.

Đánh giá về ngành nghề phát sinh tỷ phú năm 2013 ở các thị trường mới nổi, Nga đứng cuối bảng với 75% tài sản của các tỷ phú xuất phát từ những ngành phi sản xuất như bất động sản và tài nguyên thiên nhiên. Ấn Độ xếp thứ hai từ dưới lên với tỷ lệ 41%. Trung Quốc cũng xếp hạng thấp khi 32% tài sản của tỷ phú xuất phát từ ngành phi sản xuất, chủ yếu nhờ vào cơn sốt bất động sản ở nước này.

Danh sách năm nay bộc lộ triển vọng sáng hơn ở một số nền kinh tế mới nổi châu Á. Ở Hàn Quốc và Indonesia, tài sản của tỷ phú chiếm tỷ lệ thấp trên tổng GDP. Những quốc gia này đang có sự chuyển động lành mạnh trong tầng lớp giàu có, các tỷ phú mới nổi lên chủ yếu nhờ những ngành công nghiệp sản xuất. Ở Philippines, mặc dù tài sản tỷ phú đã tăng gấp đôi lên 17% GDP từ năm 2012 đến 2013, nhưng có khoảng 86% tài sản của họ đến từ các ngành công nghiệp sản xuất.

Sự nổi lên của các tỷ phú “xấu” trên toàn cầu kể từ năm 2000 được thể hiện bằng sự đảo ngôi của các tỷ phú công nghệ và tỷ phú năng lượng. Trong hơn một thập kỷ qua, khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng đẩy giá mọi thứ tăng, đặc biệt là dầu mỏ, các ông trùm dầu mỏ đã lên ngôi. Năm 2001, thế giới có 29 tỷ phú trong ngành năng lượng (chủ yếu là dầu mỏ) và 75 tỷ phú ngành công nghệ. Đến năm 2011, tỷ lệ này đảo ngược, 91 tỷ phú năng lượng và 36 tỷ phú công nghệ.

Phân tích chi tiết về tỷ phú càng ngày càng cho thấy nhiều điều thú vị hơn. Chỉ một thập kỷ trước đây, Trung Quốc chưa có tỷ phú nào, hiện giờ nước này có 122 tỷ phú. Vì vậy, dữ liệu về tỷ phú ngày càng đáng chú ý hơn theo thới gian. Việc theo dõi và phân tích những dữ liệu này, đặc biệt về những gương mặt mới và về những tỷ phú “tốt” là sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích để đánh giá cận cảnh hơn nền kinh tế.

Theo VnMedia

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang