Tỷ phú Trần Đình Long đem tài sản đi 'cầm cố' tại Vietcombank

author 06:19 14/05/2019

(VietQ.vn) - Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long vừa công bố thông tin nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua giao dịch giữa thành viên HĐQT công ty và công ty thành viên.

Sự kiện: Kinh doanh

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long quyết định đưa 100 triệu cổ phiếu HPG thuộc sở hữu cá nhân (tương đương khoảng 3.200 tỷ đồng theo giá hiện hành) làm tài sản đảm bảo để vay vốn tại Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Thành Công. Động thái nằm bổ dung vốn lưu động 1.700 tỷ đồng phục vụ hoạt động, sản xuất của công ty. HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã thông qua nội dung này.

Được biết, ông Trần Đình Long là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát khi sở hữu hơn 534 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,15% HPG. Dự án Khu Liên Hợp Hòa Phát Dung Quất có tổng mức đầu tư khoảng 54.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng. Tính đến cuối 2018, Hoà Phát đã chi khoảng gần 20.000 tỷ đồng vào dự án này.

Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long quyết định đưa 100 triệu cổ phiếu HPG thuộc sở hữu cá nhân làm tài sản đảm bảo vay vốn tại Vietcombank

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 của Hoà Phát cho thấy, thời điểm ngày 31/3/2019, giá trị xây dựng cơ bản dở dang của Hoà Phát tại dự án Khu liên hiệp Gang thép Dung Quất là 36.801,4 tỷ đồng. Ngoài nghị quyết về việc ông Trần Đình Long thế chấp 100 triệu cổ phiếu HPG để vay vốn ngân hàng, HĐQT Tập đoàn Hòa Phát còn thông qua việc phát hành hơn 631 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng hơn 6.310 tỉ đồng, để trả cổ tức 30% cho cổ đông.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) 

Trước đó, ngày 29/3, Tập đoàn Hòa Phát đã tiến hành Đại hội cổ đông thường niên năm 2019, trong đó đặt kế hoạch mục tiêu doanh thu tăng 24%, lên 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại “dè dặt” ở mức 6.700 tỷ đồng, tương đương giảm 22%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 20%, thấp hơn mức 30% trong năm 2018.

Phía Hòa Phát cho biết, sở dĩ đặt lợi nhuận sau thuế thấp hơn 2018 bởi bối cảnh lợi nhuận quý IV/2018 của tập đoàn kém tích cực, đạt 1.760 tỷ đồng, giảm khoảng 27% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên kể từ quý III/2017, lợi nhuận Hòa Phát về dưới ngưỡng 2.000 tỷ đồng.

Theo dự kiến, năm 2019, doanh thu Hòa Phát tăng nhờ giai đoạn I của Khu liên hợp Gang thép Dung Quất và dây chuyền tôn mạ màu được đưa vào hoạt động, tăng dần quy mô từ các sản phẩm nhóm nông nghiệp. Lý giải thêm về việc đặt kết hoạch kinh doanh “dè dặt”, đại diện Hòa Phát cho hay sản lượng thép bán tăng, doanh thu tăng 20%. Giá quặng sắt tăng cao từ 64 - 65 USD/tấn lên 85 - 90 USD/tấn do vỡ đập quặng tại Brazil. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng ảnh hưởng một phần tới hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn đảm bảo cơ cấu.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang