Khám phá câu lạc bộ tỉ phú ở Trung Quốc

author 06:52 07/11/2014

(VietQ.vn) - Câu lạc bộ tỉ phú ở Trung Quốc ra đời từ năm 2006 và cho đến nay đã gặt hái được những thành tựu đáng kể. Với sự góp mặt của những doanh nhân hàng đầu như Jack Ma hay "Warren Buffet Trung Quốc" Guo Guangchang,... câu lạc bộ tỉ phú Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận trong nước.

Câu lạc bộ của những tỉ phú

Nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Bắc kinh, giữa khu vực tập trung các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc là một tòa nhà khá đặc biệt. Điều làm nên sự đặc biệt của tòa nhà này chính là một câu lạc bộcực kỳ ấn tượng - câu lạc bộ của những tỉ phú Trung Quốc (CEC).

Steve Tappin - chuyên gia quản lý đồng thời là đại diện của kênh truyền hình BBC TV tại đây cho biết, "Hiếm khi xuất hiện một câu lạc bộ như vậy trên thế giới. Thật khó mà hình dung nổi 50 CEO hàng đầu châu Âu cùng tham dự vào một câu lạc bộ hay cùng đi du lịch nước ngoài như ở nơi đây." Thành viên của câu lạc bộ tỉ phú Trung Quốc gồm 46 doanh nhân hàng đầu trong cả nước. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của những chính trị gia, học giả và chuyên gia tư vấn có tiếng.

 Tỉ phú Trung Quốc Jack Ma cũng là một thành viên của câu lạc bộ tỉ phú

 Jack Ma, nhà sáng lập gã khổng lồ Alibaba là một thành viên trong câu lạc bộ tỉ phú Trung Quốc. Ảnh BBC

Những thành viên là tỉ phú trong câu lạc bộ gồm có Guo Guangchang, người được mệnh danh là Warren Buffett của Trung Quốc, nhà tài phiệt Wang Jianlin và Jack Ma, nhà sáng lập đế chế khổng lồ Alibaba, người gần đây đã vượt mặt Wang trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Câu lạc bộ còn lập ra một diễn đàn để những nhà sáng lập có thể gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng, đưa ra lời khuyên để giúp đỡ lẫn nhau.

Kể từ khi được thành lập năm 2006, câu lạc bộ tỉ phú Trung Quốc vẫn tổ chức các hoạt động và sự kiện khá đều đặn, trong đó một số sự kiện diễn ra với quy mô lớn. Ngoài ra, những thành viên trong câu lạc bộ còn cùng nhau đi du lịch nước ngoài và gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia. Tham gia câu lạc bộ là một việc không hề đơn giản, những thành viên mới ít khi nào được chấp nhận. Trong số những người đăng ký tham gia, các ứng viên được chọn sẽ phải cung cấp một bản liệt kê chính xác những thành tựu kinh doanh của bản thân đồng thời phải cam kết đem đến cho câu lạc bộ những giá trị nhất định.

Trên thực tế, doanh nhân thường là những người có tính cạnh tranh rất cao, vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào câu lạc bộ này lại tồn tại được lâu đến vậy? Theo Charles Chao, giám đốc điều hành tập đoàn Sina, câu trả lời nằm ở chỗ các thành viên trong câu lạc bộ đến từ nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, do đó họ không cạnh tranh với các thành viên khác cùng câu lạc bộ. Các thành viên cũng luôn giúp đỡ lẫn nhau khi một người nào đó gặp khó khăn. Chao cho biết sự trợ giúp này thậm chí còn “vượt xa cả kỳ vọng” của mọi người. Ông cho rằng đây chính là lợi ích quan trọng nhất khi trở thành thành viên trong nhóm.

Nỗ lực khẳng định giá trị của doanh nhân

“Xã hội Trung Quốc trước kia có nhiều định kiến và hiểu lầm không tốt về các doanh nhân”, Liu Donghua nhà  sáng lập câu lạc bộ đồng thời là người đã từng xuất bản tạp chí dành cho những doanh nhân trẻ cho biết.  Liu cũng nói thêm một trong số những lý do ông thành lập nên câu lạc bộ này chính là mong muốn giúp mọi người hiểu hơn và có góc nhìn toàn diện về doanh nhân Trung Quốc.

Ở Trung Quốc trước kia thường có những  định kiến sai lầm về thương gia hay doanh nhân, người ta cho rằng thương nhân là những người khôn khéo, gian xảo và không phải người tốt. Giám đốc điều hành của Bond Education Joe Zhou cho biết, “Tôi vẫn nhớ những năm 70 và 80, nhiều người thậm chí còn cảm thấy xấu hổ khi muốn trở thành một doanh nhân”.

Để đương đầu với thái độ không mấy thiện cảm của xã hội, tầng lớp những doanh nhân đi tiên phong thời đó đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Liu Chuanzhi, nhà sáng lập của tập đoàn máy tính Lenovo đồng thời là chủ tịch của câu lạc bộ tỉ phú cho biết các doanh nghiệp nhà nước thường nhận được những ưu ái nhất định khiến cho những công ty tư nhân muốn phát triển càng gặp nhiều khó khăn.

Tỉ phú Trung Quốc tham gia câu lạc bộ hút sự quan tâm của dư luận

Câu lạc bộ tỉ phú Trung Quốc gồm 46 doanh nhân hàng đầu trong nước. Ảnh BBC

Ngay cả khi câu lạc bộ tỉ phú đã đạt được những thành công nhất định, nhiều người vẫn lo ngại liệu mô hình này sẽ tồn tại trong bao lâu. “Những doanh nhân Trung Quốc đang gặp vấn đề về mặt xây dựng hình ảnh”, một học giả nghiên cứu lịch sử kinh tế học tại Luân Đôn cho biết. Anh cho rằng các doanh nhân cần tham gia nhiều hơn vào các hoạt động từ thiện để thay đổi cái nhìn của xã hội về họ. Theo đó, hiện nay số lượng chủ tịch các tập đoàn Trung Quốc trở thành nhà từ thiện cũng ngày càng đông đảo.

Chủ tịch Liu Chuanzhi cho biết vai trò của câu lạc bộ là giúp đỡ các thành phần kinh tế tư nhân cùng nhau phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Đa số những doanh nhân Trung Quốc – thành viên của câu lạc bộ tỉ phú đều tránh không đề cập đến và hạn chế tham gia vào các vấn đề chính trị, tuy nhiên một số thành viên cho biết những doanh nhân hàng đầu trong câu lạc bộ có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Deng Feng, nhà sáng lập tập đoàn Northern Light Venture Capital cho biết ông và một số thành viên khác đã tài trợ cho một tổ chức tư nhân chuyên nghiên cứu về các vấn đề môi trường và xã hội, chẳng hạn như làm thế nào để kiểm soát tình trạng tăng dân số.

Các thành viên sẽ nhận được nhiều lợi ích khi tham gia vào câu lạc bộ tuy nhiên những hạn chế cũng vẫn còn tồn tại bởi việc các doanh nhân bắt tay hợp tác chung hoàn toàn không phải là chuyện dễ.

Phương Trâm


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang