Tỷ phú vịt trời đất Kinh Bắc

author 08:53 18/12/2015

Khởi nghiệp từ vùng đất trũng, không điện sáng, không nguồn nước sạch nhưng anh Nguyễn Đăng Cường (Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn trở thành tỷ phú sau nhiều năm thử nghiệm với giống vịt trời.

Anh Nguyễn Đăng Cường thành công với trang trại nuôi vịt trời đầu tiên tại Bắc Ninh

Thất bại nhưng không nản

Nguyễn Đăng Cường là con cả trong gia đình thuần nông có bốn anh em. Trước khi bén duyên với vịt trời, anh đã từng bươn chải đủ nghề Bắc Nam để kiếm sống. “Cuộc sống bấp bênh, lương chỉ vỏn vẹn vài triệu một tháng, tôi không thể nuôi đủ thân mình nói gì đến việc giúp đỡ bố mẹ và các em”, anh Cường tâm sự. 

Năm 2004, trở về quê hương, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, anh bắt đầu làm trang trại với 1.700 con vịt từ chương trình khuyến nông của huyện, rồi mạnh dạn chuyển sang nuôi ngan Pháp, chim, lợn… nhưng dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt đã khiến anh lâm cảnh nợ nần.

Tình cờ, Tết năm 2006, được bạn mời đi ăn vịt trời ở nhà hàng, anh lân la hỏi và biết việc nuôi nhốt không ảnh hưởng, thậm chí vịt trời còn đẻ trứng. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng nuôi vịt trời. Ban đầu, khi nói với gia đình và bạn bè về kế hoạch của mình, anh nhận được rất nhiều sự phản đối. Bởi lẽ, thời gian đó, trong tỉnh và các vùng lân cận chưa ai xây dựng mô hình kinh tế với giống vịt trời. 

“Bố và các cô chú kịch liệt phản đối vì mình chưa có kinh nghiệm. Thêm nữa, điều kiện gia đình khó khăn, nguồn vốn chủ yếu vay mượn nên nếu thất bại thêm lần nữa sẽ trở thành gánh nặng của gia đình. Tuy nhiên, tôi đã bỏ qua những lời ngăn cản ấy để thực hiện ước mơ của mình, tôi tin, có quyết tâm sẽ có thành quả”, anh Cường  nhớ lại.

Nghĩ là làm, Cường nhờ bạn cũ trong Nam tìm mua hộ vịt trời. Tháng 3/2007, bạn bè chuyển ra cho 64 con vịt trời tự nhiên của vùng Đồng Tháp Mười và Campuchia với giá 650 nghìn đồng/con. Trong quá trình nuôi, 30 con chết không rõ nguyên nhân. Anh nghĩ có thể do bệnh ký sinh trùng đường máu vì vịt trời là chim di cư nên ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Anh cẩn trọng chăm sóc số vịt còn lại, đến tháng 8/2007, bầy vịt trời đẻ những quả trứng đầu tiên. Chờ thêm một thời gian, anh Cường mang 13 quả trứng vịt trời đi ấp thuê nhưng tất cả đều hỏng do không có phôi. Tuy thất bại nhưng anh không hề nản chí. Không buông xuôi, anh ghi tên vào lớp học kỹ sư chăn nuôi thú y Đại học Nông nghiệp. Vừa học, vừa rút kinh nghiệm, dần dần anh có được những kiến thức tốt về chăn nuôi giống vịt này.

Thành ông vua vịt trời

Tính cho đến thời điểm hiện tại, trang trại rộng 2,5 ha của anh đã có đến 4 vạn con. Theo anh Cường, hiện trung bình mỗi ngày trang trại của anh xuất bán từ 200 - 500 vịt trời thịt cho các nhà hàng với giá 180.000 đồng/kg đối với vịt thương phẩm và 70.000-100.000 đồng đối với vịt con chủ yếu ở thị trường Bắc Ninh và Hà Nội. Ngoài ra, anh còn là nhà phân phối chính về vịt giống cho nhiều tỉnh thành phía Nam.

Chia sẻ bí quyết để phát triển nguồn giống ban đầu, anh nói: “Điều quan trọng nhất là phải nhớ rõ từng con vịt bố, mẹ ở dòng nào, đàn nào để khi phối giống với nhau tránh được cận huyết, gây suy thoái nòi giống”. 

Theo anh Cường, do đặc thù của loài vịt trời là sống trong môi trường tự nhiên nên khi xây dựng mô hình với loại thương phẩm này cần chú ý đến những bệnh về ký sinh trùng. Đồng thời, để tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng của sản phẩm, anh còn tự điều chế các sản phẩm kháng sinh cho vịt từ lá ổi, gừng và tỏi.

Xây dựng mô hình kinh tế với giống vịt trời cho lãi suất cao, nhận thấy diện tích trang trại có nhiều thuận lợi để thực hiện mô hình tổ hợp hữu cơ, anh Cường tiếp tục đầu tư vào trồng cây, nuôi cá. Với mô hình trên, anh sử dụng lượng phân do vịt trời thải ra để cho cá ăn và nuôi bèo tây, sau đó, dùng bèo tây làm thức ăn cho vịt. Nhờ vậy, vừa tiết kiệm được chi phí nuôi trồng vừa giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.

Anh Cường cho biết, trừ chi phí mỗi năm anh thu nhập được hàng tỷ đồng từ mô hình nuôi vịt trời. Đặc biệt, năm 2014, anh thu về gần 17 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. 

Trong tương lai gần, anh Cường muốn mở rộng thị trường hơn nữa đồng thời sẽ hoàn thiện mô hình trang trại hữu cơ Lucavi với các sản phẩm vịt trời sạch, cá trê sạch, gạo và rau hữu cơ sạch cung cấp cho thị trường.

“Điều cốt lõi nhất để đạt được thành công trong cuộc sống,  đó chính là việc hoạch định kế hoạch cho bản thân và có đủ bản lĩnh để thực hiện kế hoạch đó”. 

Anh Nguyễn Đăng Cường chia sẻ

Theo Tiền Phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang