Phát triển quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Nhật Bản

author 12:02 22/09/2015

Hơn 20 năm qua, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển. Những năm gần đây, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được nâng lên tầm đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Trong đó, quan hệ hợp tác về khoa học - công nghệ đạt những bước phát triển quan trọng.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Cuối tháng 3 vừa qua, tại Hà Nội, diễn ra khóa họp lần thứ tư Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ (KH và CN) Việt Nam - Nhật Bản. Tại kỳ họp lần này, các nhà quản lý cũng như các nhà khoa học của hai bên đã đánh giá về thực trạng, cơ hội và thách thức, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương về KH và CN giữa hai nước. Trong đó, Bộ KH và CN Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc xây dựng năng lực cho các trung tâm KH và CN lớn của Việt Nam. Nhất là các hoạt động hợp tác trong “Chương trình đối tác nghiên cứu KH và CN phục vụ phát triển bền vững” hay “Chương trình nghiên cứu khoa học chung khu vực và đổi mới công nghệ Đông Á”.

Nhờ có các chương trình này, những năm qua hai bên đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các dự án nghiên cứu giữa Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam với Viện nghiên cứu hóa - lý Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Chương trình này còn mở ra hướng hợp tác đầy triển vọng giữa Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) với cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JACA). Trong đó, có sự hỗ trợ thiết thực từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản đối với việc xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc… Tại khóa họp kể trên, các nhà khoa học hai nước đã tập trung bàn thảo việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ môi trường và xử lý chất thải, công tác ứng phó biến đổi khí hậu, vấn đề sử dụng hợp lý tài nguyên nước từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Phát triển quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Nhật Bản

Phát triển quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Nhật Bản

Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại Nhật Bản đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản S.Ta-cai-chi đã bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), đồng thời cam kết rằng, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ tiếp tục dành sự hỗ trợ về đào tạo cán bộ và các dự án về an toàn thông tin cho Việt Nam. Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã chủ trì Diễn đàn xúc tiến đầu tư CNTT và truyền thông Việt Nam - Nhật Bản. Theo đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Đại học Aizu của Nhật Bản, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và Cơ quan An toàn thông tin Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong thời gian tới.

Hợp tác về KH và CN giữa nước ta với Nhật Bản những năm qua được triển khai trên nhiều bình diện. Trong đó, có các lĩnh vực hợp tác phát triển điện hạt nhân và an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, khai thác và chế biến đất hiếm, về KH và CN vũ trụ. Dự án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc là một trong những dự án trọng điểm quy mô lớn được Chính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam. Theo đó, cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.

Trong quan hệ hợp tác KH và CN giữa Việt Nam và Nhật Bản, còn có một điểm sáng là mối quan hệ giữa VAST với các tổ chức KH và CN của Nhật Bản. Hơn 15 năm qua, các đơn vị nghiên cứu thuộc VAST đã có quan hệ hợp tác với JICA, Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản, cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản, Đại học Osaka… về đào tạo cán bộ, tổ chức các hội thảo khoa học và thực hiện một số đề tài nghiên cứu chung. Trong triển khai chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ (CNVT) của Việt Nam đến năm 2020, Nhật Bản đã hỗ trợ nguồn vốn ODA lên tới 54,4 tỷ yên (hơn 12 nghìn 363 tỷ đồng). Theo đó, ngày 19-9-2012, tại Hòa Lạc (Hà Nội), dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam đã được khởi công xây dựng trên diện tích hơn 9 ha. Dự kiến đến năm 2020, Trung tâm vũ trụ Việt Nam sẽ đi vào hoạt động. Dự án này sẽ giúp Việt Nam tự nghiên cứu và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất bằng công nghệ ra-đa cảm biến. Với nguồn ảnh viễn thám chụp từ vệ tinh ra-đa cảm biến (có thể chụp trong mọi điều kiện thời tiết) và từ các vệ tinh quan sát Trái đất khác, chúng ta sẽ có những cơ sở cụ thể góp phần quan trọng vào hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng đất nước…

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang