Uỷ ban KHCN&MT Quốc hội làm việc tại Bộ GTVT về Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

author 15:17 22/04/2017

(VietQ.vn) - Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa có buổi làm việc tại Bộ Giao thông vận tải về góp ý Dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Sáng 21/4, Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KH, CN&MT) của Quốc hội do đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ (CGCN) và góp ý Dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Tham gia Đoàn Khảo sát có các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có đồng chí Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo và cán bộ Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Văn phòng Bộ.

Về phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Giai đoạn vừa qua, ngành GTVT đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị có tầm chiến lược rất quan trọng này cần phải có quyết tâm cao, huy động đồng bộ mọi tiềm lực toàn ngành GTVT, trong đó có phần đóng góp quan trọng của hoạt động KHCN.

Thời gian qua, đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ công nghệ xây dựng cầu bê tông cốt thép (BTCT), BTCT dự ứng lực (DƯL) như: Đúc hẫng cân bằng cho nhịp dài đến 150m, đúc đẩy, công nghệ đẩy đà giáo cho chiều dài vượt nhịp từ 40 - 70m; phát triển các công nghệ bán lắp ghép, công nghệ SBS, xây dựng thí điểm công nghệ cầu liền khối...

Đến nay, hầu hết các công nghệ xây dựng cầu BTCT hiện đại đã được chuyển giao vào Việt Nam để đảm bảo tính linh hoạt, thích ứng với nhiều loại địa hình trong xây dựng. Việc hoàn thành các công trình cầu BTCT, BTCT DƯL với thời gian ngắn bằng khoảng 2/3 giai đoạn trước đây đã chứng tỏ mức độ thuần thục công nghệ của tư vấn và nhà thầu trong nước; làm chủ và áp dụng thành công công nghệ xây dựng cầu treo, dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công như cầu Rạch Miễu;…

Bên cạnh đó, chúng ta đã làm chủ công nghệ xây dựng nền móng công trình áp dụng cọc khoan nhồi đường kính 2,5m, sâu 117m (cầu Cao Lãnh); cọc thép và cọc thép dạng giếng (cầu Nhật Tân); cọc vít thép (cầu Hoàng Minh Giám - Hà Nội); cọc PCC (tại Depot tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông)...

Toàn cảnh buổi làm việc tại Bộ GTVT

Đồng thời, đội ngũ kỹ sư Việt Nam đã triển khai công nghệ NATM xây dựng các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Phú Gia - Phước Tượng; làm chủ công nghệ để xây dựng Dự án mở rộng hầm Hải Vân...; xây dựng hầm thành phố với công trình nghiên cứu áp dụng công nghệ dìm cho hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn và một số hầm giao thông trong các thành phố lớn.

Các lĩnh vực đường sắt, hàng hải, hàng không, đăng kiểm... đã nghiên cứu áp dụng thành công nhiều đề tài KHCN mang lại giá trị cao như: Sử dụng thiết bị HWD để đánh giá cường độ mặt đường sân bay; xây dựng Nhà ga Quốc tế sân bay Nội Bài, sân bay Huế, sân bay Vinh...; làm chủ đầu tư dây chuyền công nghệ sửa chữa đầu máy diesel, tiến hành lắp ráp trong nước đầu máy diesel 1.900 mã lực, đóng mới toa xe điều hòa không khí thế hệ 2; chế tạo vỏ xe toàn phần chịu lực cho đầu máy D19E, cải tiến các bộ phận hãm đĩa, cách âm, cách nhiệt của các toa xe; thử nghiệm công nghệ tách khí HHO từ nước trên đầu máy diesel (sử dụng thiết bị HHO-ECOFIRE) với mục đích giảm tiêu hao nhiên liệu và giảm khí thải...

Đặc biệt, trong việc chuyển giao, tiếp nhận công nghệ thông qua các dự án ODA có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Các dự án ODA từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài về xây dựng cầu, đường, sân bay, bến cảng,…đều có hạng mục đào tạo và chuyển giao công nghệ ở tất cả các khâu: khảo sát, thiết kế, chế tạo, thi công, vận hành, khai thác,…đã được tiếp nhận và chuyển giao theo các bước cụ thể từ việc chuẩn bị dự án, lên kế hoạch, phân công các đơn vị trực thuộc chuẩn bị nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ đến việc chủ động nghiên cứu trước các công nghệ chuẩn bị dự kiến triển khai từ các nhà thầu nước ngoài; chuẩn bị đội ngũ chuyên gia kĩ thuật có trình độ và kinh nghiệm để học hỏi, nắm bắt, tiếp nhận công nghệ…

Bên cạnh đó, nhiều công nghệ mới, vật liệu mới được triển khai áp dụng ở Việt Nam như lớp phủ siêu mỏng Novachip, cào bóc tái chế nguội mặt đường, cào bóc tái chế nóng mặt đường…của các hãng nước ngoài hay liên doanh trong nước và nước ngoài triển khai thành công ở Việt Nam đều được tiến hành theo các bước quản lý chặt chẽ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Đối với các dự án nghiên cứu KH&CN thì cần phải đầu tư và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để thực hiện các dự án. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp với tỉnh Kom Tum để thực hiện đề tài về phát triển sâm Ngọc Linh kéo dài trong 10 năm. Trong đó có nhiều nội dung nghiên cứu về tạo giống, công nghệ bảo quản, thu hoạch, ... Do đó, công việc này đòi hỏi phải có nhiều nội dung và có thời gian nghiên cứu, cần phải được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển những dự án như trên.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT có nhiều trao đổi liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Các cơ quan quản lý cần xem xét, đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật để các đơn vị thấy rằng cần áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật này góp phần đảm bảo chất lượng, đảm bảo các yêu cầu theo thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: cần đẩy mạnh việc đưa các kết quả nghiên cứu của các viện, trường ứng dụng vào sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

Các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ là những nội dung rất quan trọng, cần phải được lắng nghe, tiếp thu và sửa đổi văn bản cho phù hợp. Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng để chuyển giao và tiếp nhận công nghệ hiệu quả cần tăng tính chủ động, nghiên cứu tìm hiểu bản chất công nghệ và kinh nghiệm nước ngoài, dự kiến kết quả trước khi triển khai chuyển giao, tiếp nhận công nghệ là rất quan trọng, có tính quyết định đến thành công của quá trình triển khai công nghệ; Cần có địa chỉ rõ ràng của doanh nghiệp trong nước tiếp nhận công nghệ, đặc biệt là tiếp nhận trang thiết bị máy móc ngay sau khi dự án do nước ngoài thực hiện, nhanh chóng triển khai áp dụng cho các dự án khác để bảo tồn tính động bộ của trang thiết bị, đào tạo, củng cố chất lượng đội ngũ cán bộ kĩ thuật. Đối với các công nghệ đã làm chủ cần có chủ trương triển khai, nhân rộng bằng các dự án kế tiếp tương tự để phát huy hiệu quả của trang, thiết bị, nguồn nhân lực đã có.

Đa số các ý kiến cũng khẳng định cần có chính sách đầy đủ hơn để khuyến khích phát triển công nghệ mới, tập trung vào việc ưu tiên chọn thầu, thêm điểm đấu thầu…cho các doanh nghiệp đi đầu triển khai áp dụng công nghệ mới.

Đoàn Khảo sát đã đánh giá cao sự quan tâm của Bộ GTVT đối với hoạt động KH&CN và những kết quả mà Bộ GTVT đã đạt được trong chuyển giao công nghệ thời gian qua và cũng chỉ ra một số khó khăn liên quan đến công tác quản lý, thực hiện CGCN. Trên cơ sở nghe các ý kiến đóng góp, những khó khăn của đơn vị vào Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi), Đoàn sẽ tiếp thu, đóng góp ý kiến để khi Luật được thông qua sẽ thực sự tháo gỡ được những khó khăn trong vấn đề quản lý, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

Đăng Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang