Úc cảnh báo tình trạng mạo danh Chính phủ để lừa đảo người tiêu dùng

author 15:19 08/08/2020

(VietQ.vn) - Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc đã ra thông cáo báo chí để khuyến cáo người tiêu dùng phải cảnh giác trước các hành vi lừa đảo dưới hình thức mạo danh Chính phủ, gây thiệt hại hơn 1,387 triệu đô la Úc (tính từ đầu năm 2020) trên cơ sở tổng hợp các báo cáo trên website Scamwatch.

Scamwatch là trang thông tin điện tử (website) do Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) quản lý và vận hành. Website này cung cấp thông tin về cách nhận biết, phòng tránh và cảnh báo cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp về các hiện tượng, hành vi lừa đảo tại Úc.

Theo thống kê, từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 05 tháng 7 năm 2020, Scamwatch đã nhận được tổng cộng 7.623 báo cáo liên quan đến hành vi mạo danh Chính phủ để lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng hơn 1.387.700 đô la Úc, cụ thể như sau:

 

Số lượng báo cáo trên Scamwatch

Cơ quan Chính phủ
bị mạo danh

Mức thiệt hại đối với người tiêu dùng
(đô la Úc)

 

67

Bộ Y tế, Cơ quan Y tế và chăm sóc sức khỏe tại các bang thuộc Úc

8.700

 

443

Cảnh sát Liên bang Úc

176.000

 

1.070

Bộ Dịch vụ Công dân

(Services Australia)

94.000

 

1.638

myGov

105.000

 

2.016

Bộ Nội vụ

99.000

 

2.389

Cơ quan Thuế

905.000

Tổng cộng

7.623

 

1.387.700

Theo thông cáo báo chí của ACCC, trong thời gian gần đây, tại Úc, lợi dụng thời điểm khai báo thuế của người dân và doanh nghiệp, các đối tượng đã sử dụng hình thức gọi điện, gửi thư điện tử, tin nhắn văn bản đến người tiêu dùng, mạo danh được gửi từ “myGov” (hệ thống an sinh xã hội trực tuyến của Chính phủ) hoặc mạo danh là các cơ quan thuộc Chính phủ để giúp người dân sớm nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp.

Bà Delia Rickard, Phó Chủ tịch ACCC cho biết, hiện nay, đại dịch Covid 19 đã gây ra những khó khăn về tài chính đối với người dân và doanh nghiệp. Lợi dụng tình trạng này và sự thiếu cảnh giác của người dân, ở Úc đã xuất hiện hai hình thức lừa đảo: (1) mạo danh cơ quan của Chính phủ để đe dọa; (2) giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân. Biểu hiện điển hình của các hình thức lừa đảo nêu trên và khuyến cáo của ACCC được mô tả cụ thể dưới đây:

(1) Mạo danh cơ quan của Chính phủ để đe dọa người tiêu dùng. Biểu hiện điển hình: Người tiêu dùng thường nhận được một cuộc gọi tự động (robocall) mạo danh từ một cơ quan của Chính phủ (chẳng hạn như Cơ quan Thuế của Úc (Australian Taxation Office) hoặc Bộ Nội vụ), theo đó, đối tượng lừa đảo đề cập đến một hành vi bất hợp pháp nào đó như trốn thuế hoặc rửa tiền có liên quan đến tên của nạn nhân và yêu cầu nạn nhân quay số 1 để được nói chuyện với tổng đài viên. Sau đó, tổng đài viên cố tình đe dọa, yêu cầu nạn nhân nộp một khoản tiền và nếu từ chối họ có thể sẽ bị bắt.

Khuyến cáo của ACCC: Người dân không nên lo sợ, áp lực bởi các cuộc gọi đe dọa và hãy dành thời gian để cân nhắc xem nên liên hệ với cơ quan nào để giải quyết vấn đề. Các cơ quan Chính phủ không bao giờ đe dọa bắt giữ ai hoặc yêu cầu thanh toán bằng các phương thức bất thường như thẻ quà tặng, phiếu giảm giá iTunes hoặc chuyển khoản ngân hàng với các thông tin không rõ ràng. Trường hợp không chắc chắn liệu một cuộc gọi nào đó có hợp pháp hay không, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho cơ quan, tổ chức có liên quan theo các thông tin liên hệ chi tiết được đăng tải thông qua các công cụ tìm kiếm độc lập và đáng tin cậy.

(2) Mạo danh để đánh cắp thông tin cá nhân. Biểu hiện điển hình: Người tiêu dùng thường nhận được thư điện tử hoặc tin nhắn văn bản mạo danh từ một cơ quan Chính phủ (chẳng hạn như Bộ Dịch vụ Công dân) yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận đủ điều kiện nhận trợ cấp của Chính phủ hoặc có thể do đã từng tiếp xúc với Covid-19. Các thư điện tử và tin nhắn văn bản này sẽ chứa một đường dẫn và yêu cầu điền các thông tin cá nhân như mã số thuế cá nhân, thông tin chi tiết liên quan đến trợ cấp thất nghiệp của cá nhân hoặc bản sao của các giấy tờ tùy thân.

Khuyến cáo của ACCC: Người dùng tuyệt đối không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn liên kết nào trong các thư điện tử hoặc tin nhắn văn bản được gửi tự động để truy cập vào các website của cơ quan chính phủ, mà hãy tự nhập địa chỉ website vào trình duyệt để tìm kiếm. Không trả lời các thư điện tử hoặc tin nhắn văn bản được gửi tự động, bởi đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng các thông tin cá nhân do người dùng cung cấp để đánh cắp tiền trong tài khoản của họ.

ACCC sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ vấn đề này và khuyến khích người tiêu dùng gửi khiếu nại tới ACCC và các bộ phận liên quan nếu xác định được việc mạo danh Chính phủ để lừa đảo hoặc thực hiện các hành vi đe dọa người tiêu dùng.

 PV

Những thực phẩm nấu không chín kỹ tác hại ngang 'thuốc độc' (VietQ.vn) - Thực tế, bên cạnh những thực phẩm ăn tái, sống sẽ tốt cho sức khỏe cũng có nhiều loại thực phẩm chưa được nấu chín dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang