Chỉ nên tăng giá khi CPI bớt căng thẳng

author 16:47 16/09/2013

Từ ngày 1/10/2013, Hà Nội sẽ tăng giá nước sạch sinh hoạt. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, việc này sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.

Theo ông, việc Nhà nước điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng định giá tác động thế nào tới CPI?

Nhà nước tăng giá hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng định giá, chắc chắn tác động không nhỏ tới CPI. Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều địa phương tăng giá một số thuốc chữa bệnh cho người và giá dịch vụ y tế đã khiến chỉ số giá mặt hàng thuốc chữa bệnh cho người tăng 13,88% và chỉ số giá dịch vụ y tế tăng 17,39%.


Giá thuốc chữa bệnh cho người và giá dịch vụ y tế tăng đã góp phần làm tăng 0,77% trong tổng số CPI tăng chung là 2,4% trong 6 tháng đầu năm.

Có nghĩa là, việc điều chỉnh 2 mặt hàng hóa, dịch vụ này đóng góp 32% vào chỉ số tăng CPI nói chung.

Tháng 8 vừa qua, CPI tăng 0,83% so với tháng trước (8 tháng đầu năm tăng 3,53% so với đầu năm) chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng 7 và giá dịch vụ y tế tại Hà Nội.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cộng thêm giá xăng dầu tăng đã khiến CPI của Hà Nội tăng tới 3,16% trong tháng 8, nếu loại trừ 2 yếu tố này thì CPI của Hà Nội trong tháng 8/2013 chỉ tăng 0,5% sẽ kéo CPI chung của cả nước xuống thấp hơn mức 3,53% khá nhiều. Lý do là, Hà Nội và TP.HCM là 2 thị trường lớn nhất nước.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam


Dự báo, CPI năm nay chỉ vào khoảng 7 - 8%. Đây có phải là cơ hội để Nhà nước điều chỉnh những loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng định giá?

Trong cơ chế thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ phải vận động đúng theo quy luật của thị trường, phải phản ánh đúng giá thành sản xuất, dù đó là mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.

Hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá hiện đều bán dưới giá thành, vì vậy, cần phải chủ động thực hiện lộ trình tăng giá đối với điện, nước sạch sinh hoạt, học phí, viện phí, vé xe bus…

Như các địa phương khác, Hà Nội điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt, giá vé xe bus, học phí, viện phí… cũng là thực hiện yêu cầu này.

Việc điều chỉnh giá để tiến sát giá thị trường là phù hợp, vấn đề là mức độ điều chỉnh bao nhiêu, thời gian điều chỉnh thế nào cho phù hợp với mức độ chịu đựng của nền kinh tế, sức chi trả của người tiêu dùng và kiểm soát được lạm phát ở mức 6 - 7% trong năm nay.

Nhưng việc tăng giá chắc chắn sẽ tác động tới CPI, thưa ông?

Tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá chắc chắn tác động ngay tới CPI. Nó không chỉ tác động ngay tới những loại hàng hóa, dịch vụ tăng giá, mà tác động gián tiếp tới các loại hàng hóa, dịch vụ khác.

Vì vậy, việc tăng giá phải phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô từng giai đoạn. Đi đôi với việc tăng giá, cần phải sử dụng đồng bộ các chính sách hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách…

Tốc độ tăng CPI năm nay thấp do nhiều nguyên nhân, là cơ hội để điều chỉnh giá một số loại hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình. Theo tôi, điều hành giá nên dựa vào nguyên tắc, khi nào lạm phát bớt căng thẳng, thì thực hiện tăng giá than, giá điện, giá nước sạch, viện phí, học phí… theo lộ trình.

Ngược lại, khi nào lạm phát căng thẳng hoặc có nguy cơ tăng, thì kiên quyết phải bình ổn giá than, giá điện, giá nước sạch, viện phí, học phí…

Việc điều chỉnh giá cần được thực hiện theo lộ trình và công khai. Theo ông, thời điểm nào thích hợp để điều chỉnh tăng giá hàng hóa, dịch vụ mà không ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân?

Điều hành giá mặt hàng Nhà nước định giá phải có lộ trình rõ ràng, công khai, minh bạch (như việc Hà Nội công bố cụ thể mức tăng giá và thời điểm tăng nước sinh hoạt vào ngày 1/10 năm 2013, 2014 và 2015). Ngoài ra, việc điều chỉnh phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát lần lượt của từng năm.

Hiện còn nhiều địa phương chưa điều chỉnh giá thuốc chữa bệnh cho người, giá viện phí, học phí; những tỉnh đã tăng thì giá những loại hàng hóa, dịch vụ này vẫn chưa tính đúng, tính đủ chi phí, chưa tính hết giá thành. Nhưng nếu lấy lý do là CPI thấp, mà các địa phương đồng loạt tăng giá thì sẽ khó kiểm soát được CPIù.

Theo tôi, những tháng cuối năm, thời gian có Tết Nguyên đán, không nên điều chỉnh tăng giá bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào. Bởi theo quy luật, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán, giá cả hàng hoá, dịch vụ đều tăng mạnh hơn so với những tháng khác trong năm.

Vào thời điểm này, việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ gây áp lực lớn trong việc kiềm chế lạm phát.

Theo Baodautu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang