Ùn tắc giao thông ở Hà Nội: 'Taxi phải chịu bao nhiêu tội!'

author 15:06 17/09/2015

Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, do nội thành chật chội, xe taxi lại chạy qua lại trên phố nên mọi người hiểu lầm taxi gây ùn tắc giao thông!

Như đã đưa tin, chiều 16/9, Kênh VOV Giao thông quốc gia đã ra mắt chương trình “Tôi người lái xe”. Tại buổi ra mắt chương trình này, bên lề hội nghị, trong cuộc trao đổi giữa phóng viên Infonet với đại diện Ủy ban An toàn giao thông (UBATGT) quốc gia và Hiệp hội taxi Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBATGT quốc gia nói: “Ở Hà Nội hiện nay ra đường 10 xe ôtô có tới 6 xe taxi, đây là nguyên nhân gây ra tắc đường”.

Trước lời bông đùa của ông Khuất Việt Hùng, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội không trả lời ngay mà chờ đến khi đăng đàn phát biểu tại buổi lễ ra mắt chương trình phát thanh mới phản bác vui rằng không phải ra đường "cứ 10 xe ôtô có 6 taxi mà 100 xe mới có 6 xe taxi".

Theo ông Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 20.000 xe taxi, nếu so với Thái Lan có tới 120.000 xe thì số lượng taxi ở Hà Nội là rất nhỏ. Hơn nữa, toàn thành phố đang có hơn 500.000 xe ô tô các loại cho nên số taxi hiện có chưa bằng 1/2 số xe ô tô hiện có của toàn thành phố.

Taxi chen lấn trong đám tắc đường ở Hà Nội. (Ảnh: Zing)

“Do nội thành Hà Nội chật chội, xe taxi thường có mũ, có biển hiệu ở trên đầu cho nên chạy qua chạy lại hay dừng ở đâu trên phố mọi người đều biết dẫn đến hiểu lầm tắc đường là do taxi, vì thế mà phải chịu bao nhiêu tội”, ông Bình than thở.

Theo ông Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, thành phố muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải bớt xe cá nhân, tăng xe công cộng.

“Cùng làm nhiệm vụ vận chuyển khách công cộng như xe buýt hiện nay nhưng taxi chưa được coi là phương tiện công cộng, trong khi đó mỗi ngày vận chuyển hàng nghìn lượt khách. Nhân có đại diện lãnh đạo UBATGT quốc gia ở đây, chúng tôi cũng mong muốn có tiếng nói để taxi được xếp vào loại hình phương tiện công cộng”, ông Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nói.

Tắc đường ở Hà Nội do đâu?

Theo TS. Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Đại học Giao thông vận tải, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc ùn tắc hiện nay ở các tuyến đường của Hà Nội, trong đó có công tác quản lý thực hiện quy hoạch còn bất cập.

Theo bà Thanh Bình, Hà Nội và TP. HCM có độ nhạy cảm về giao thông khá cao. Tại khu vực lõi đô thị, nếu lưu lượng giao thông chỉ tăng thêm 5% có khi đã gây tắc nghẽn, trong khi các khu vực xa hơn có thể tăng 20-30% vẫn chưa ùn tắc. Do đó, để giảm ùn tắc giao thông các chính sách quản lý giao thông luôn hướng đến việc cân bằng “cung-cầu”. Đặc biệt, cần lưu ý quản lý sử dụng xe ôtô.

Theo khảo sát số người trên lượng phương tiện cá nhân, một xe máy trung bình chở được 1,23 người, ôtô cá nhân chở 1,9 người trong khi đó một ôtô chiếm dụng đường gấp 5-6 lần xe máy, chưa kể ôtô kích thước lớn kém linh hoạt càng cản trở giao thông. Do vậy, một số trục đường thường xuyên ùn tắc như Hồ Tùng Mầu - Xuân Thủy - Cầu Giấy nên xem xét hạn chế ôtô lưu thông vào giờ cao điểm. Nếu hạn chế ôtô cá nhân vào giờ cao điểm trên trục này thì có khoảng 700-800 người bị ảnh hưởng nhưng chỉ chiếm 6%, tỷ lệ là nhỏ so với số lượng người đi xe máy là 66% và 22% người đi xe buýt. 

“Một giải pháp mà Hà Nội từng thực hiện mà tôi cho rằng nên tiếp tục khuyến khích là “đổi giờ học giờ làm”. Việc đổi giờ học giờ làm nhằm giãn bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm, từ đó có thể giảm được ùn tắc”, bà Bình cho biết.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố có hơn 183.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó ô tô gần 40.000, mô tô gần 11.600 chiếc. Tổng số phương tiện hiện quản lý trên địa bàn hơn 5,5 triệu xe, trong đó ô tô gần 535.000 xe, xe máy gần 5 triệu chiếc. Việc gia tăng các phương tiện cá nhân, nhất là ô tô cũng là một trong những nguyên nhân khiến giao thông Hà Nội ngày càng ùn tắc.

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang