Ứng dụng công nghệ tiên tiến tăng cường kết cấu, chất lượng công trình cầu

author 15:41 20/09/2015

(VietQ.vn) - Các giải pháp công nghệ sửa chữa tăng cường kết cấu công trình cầu như: Bê tông phun, tấm vải sợi các bon (TFC), dự ứng lực ngoài, kích truyền lực, điều chỉnh kết cấu.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường & Hợp tác quốc tế tổ chức Hội thảo với chủ đề "Các giải pháp công nghệ sửa chữa tăng cường kết cấu công trình cầu" nhằm đưa ra một số giải pháp tăng cường khả năng chịu lực, tiết kiệm chi phí đầu tư cho các công trình cầu. 

Hội thảo giới thiệu các giải pháp công nghệ sửa chữa tăng cường kết cấu công trình cầu như: Bê tông phun, tấm vải sợi các bon (TFC), dự ứng lực ngoài, kích truyền lực, điều chỉnh kết cấu.

Bê tông phun

Bê tông phun là công nghệ đổ bê tông bằng cách phun khô hoặc ướt hỗn hợp cốt liệu bê tông qua vòi phun bằng cách sử dụng máy nén khí

Trong đó, bê tông phun là công nghệ đổ bê tông bằng cách phun khô hoặc ướt hỗn hợp cốt liệu bê tông qua vòi phun bằng cách sử dụng máy nén khí. Công nghệ này có nhiều ưu điểm như: linh hoạt và thi công nhanh, đảm bảo độ dính bám, tối ưu hóa độ chặt do đó đảm bảo tuổi thọ, dễ tạo hình và kiểm soát độ dày bê tông, độ co ngót của bê tông phun có thể được điều chỉnh tối ưu hóa lượng nước cho thủy hóa bê tông. Công nghệ bê tông phun cho độ tin cậy cao áp dụng khi kết cấu tăng cường sửa chữa thiếu tiết diện, cốt thép của kết cấu cần sửa chữa đã đến giới hạn chảy hoặc lớp bê tông cũ đã bị phong hóa hư hỏng, bong tróc cần bóc bỏ lớp bê tông hỏng và bù lại tiết diện bằng bê tông phun.

Công nghệ tăng cường dán vật liệu composite hiệu quả khi kết cấu tăng cường không bị phá hoại ứng với trạng thái tới hạn ngay cả khi mất hoàn toàn khả năng dính bám của lớp composite. Công nghệ dán vật liệu composite đặc biệt hiệu quả cho tăng cường khả năng chịu động đất cho kết cấu trụ. Tuy nhiên, công nghệ này lại không áp dụng được trong trường hợp kết cấu tăng cường bị thiếu tiết diện, bê tông cần tăng cường bị phong hóa chất lượng kém, không sử dụng tăng cường cho kết cấu khi thép thường trong kết cấu đến trạng thái dẻo, khi kết cấu tăng cường có nguy cơ cháy.

Công nghệ dự ứng lực ngoài áp dụng hiệu quả cho việc sửa chữa tăng cường mở rộng cầu các loại, tuy nhiên việc áp dụng dự ứng lực bị giới hạn bởi cường độ bê tông, do đó chỉ áp dụng hiệu quả với điều kiện chất lượng bê tông của kết cấu cầu cũ còn tốt. Trong trường hợp kết cấu cầu cũ lớp ngoài bị phong hóa, gỉ thép gây nứt vỡ bê tông ngoài và kết hợp sử dụng với công nghệ bê tông phun để nâng cao hiệu quả sửa chữa tăng cường kết cấu. Khi kết cấu móng trụ bên dưới cần tăng cường, thì vấn đề quan trọng đặt ra cần thiết phải khống chế sự làm việc của hệ móng mới và cũ đảm bảo sự làm việc an toàn của kết cấu. Với giải pháp sử dụng kích dẹt bỏ lại trong bê tông có thể thực hiện chính xác việc phân phối tải trọng đứng giữa kết cấu móng mới và cũ.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, có rất nhiều các giải pháp công nghệ sửa chữa tăng cường kết cấu công trình cầu, mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng, tương ứng với các điều kiện sẽ có những cách khắc phục, sửa chữa cầu khác nhau. Yêu cầu đặt ra là cần phải có lựa chọn trong ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, giải pháp kỹ thuật phù hợp, có hiệu quả nhất nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ, giảm chi phí đầu tư đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn, hạn chế ùn tắc giao thông, tăng độ bền vững và tuổi thọ công trình cầu, tăng hiệu quả đầu tư.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang