Đồng Nai: Ứng dụng kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

author 16:56 11/07/2015

(VietQ.vn) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong cuộc sống, những năm qua, huyện Cẩm Mỹ đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động KH&CN phù hợp với điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội, chọn lựa ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sáng kiến, cải tiến kỹ thuật khả thi đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao áp dụng vào quản lý, sản xuất và đời sống, thể hiện rõ trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Làm giàu nhờ tiêu “sạch”

Nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) thời gian gần đây đang háo hức chia sẻ cách trồng tiêu hiệu quả theo hướng hữu cơ, bền vững, an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Quyền Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Mỹ cho biết, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai” đang bắt đầu cho hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù ảnh hưởng của thời tiết bất thường nên năng suất tiêu bình quân toàn huyện chỉ đạt 22,7 tạ/ha, tuy nhiên tại tổ hợp tác tiêu ấp 3 (xã Lâm San) nói chung và 7 hộ nông dân thực hiện chăm sóc tiêu theo quy trình Glogal GAP, năng suất tiêu trung bình đạt 50 – 55 tạ/ha nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật: sử dụng phân hữu cơ, tưới nước tự động... giúp cây tiêu ra hoa đúng thời điểm, hạn chế dịch bệnh.

Hiện nay, phòng Nông nghiệp huyện đang tiếp tục hướng dẫn các thành viên tổ hợp tác cây tiêu ấp 3, xã Lâm San thực hiện chăm sóc vườn cây sau thu hoạch. Thực hiện theo các yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Đồng thời hướng dẫn nhà vườn xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của GAP như sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật; Biện pháp đảm bảo an toàn lao động và sơ cấp cứu; Ghi chép nhật k‎ý sản xuất; Quy trình nhân giống, chăm sóc cây giống và quản lý vườn ươm hồ tiêu; Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu; Quy trình kỹ thuật bón phân cân đối cho cây hồ tiêu; Quản lý dinh dưỡng trên cây hồ tiêu; Quy trình ủ phân hữu cơ có bổ sung vi sinh vật; Quy trình tưới nước cho vườn hồ tiêu; Quy trình phòng trừ dịch hại IPM cho cây hồ tiêu; Quy trình thu hoạch, phơi, sơ chế và bảo quản tiêu đen. Song song với việc triển khai 10 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Phòng Nông nghiệp huyện cùng với UBND xã vận động triển khai thực hiện trên toàn bộ diện tích tiêu của tổ hợp tác để tạo số lượng sản phẩm hàng hóa lớn nhằm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm tiêu đen Cẩm Mỹ trong thời gian tới.

Ứng dụng kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Nông dân Đồng Nai ứng dụng kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Còn theo ông Trần Văn Tánh, tổ trưởng Tổ hợp tác tiêu Lâm San, hiện nay canh tác cây tiêu “sạch” đang là xu hướng mới của người trồng tiêu trên địa bàn xã với các biện pháp canh tác như: đào mương thoát nước, sử dụng phân hữu cơ hoai mục, bón phân cân đối và đặc biệt là sử dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm cho cây tiêu đã làm giảm đáng kể bệnh hại cây trồng nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm. Toàn bộ thành viên Tổ hợp tác đã lắp đặt hệ thống tưới này và hiện nay đang được nông dân ngoài tổ hợp tác áp dụng, mở rộng diện tích. Năng suất cây tiêu Lâm San năm nay vẫn tương đương năm 2014. Nhiều hộ dân trồng tiêu có thu hoạch tiền tỷ, ông Tánh cho hay.

Giảm nghèo từ mãng cầu xiêm

Không chỉ cây tiêu “sạch” bén gốc với nông dân Cẩm Mỹ, mãng cầu xiêm cũng đang dần trở thành cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân xã Xuân Bảo vươn lên thoát nghèo. Theo đại diện Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện, đề tài : “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ một số sâu hại chính trên cây mãng cầu xiêm và xây dựng quy trình canh tác theo hướng GAP tại huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai”, được thực hiện từ năm 2011-2014 đã từng bước đem lại sự ổn định thu nhập cho nông dân trồng mãng cầu xiêm tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Áp dụng quy trình sản xuất theo hướng GAP đã trang bị cho nông dân những kiến thức quan trọng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, về xu hướng và yêu cầu chất lượng trái cây theo tiêu chuẩn GAP, có hồ sơ lưu trữ… Từ đó kéo giảm tình trạng sâu bệnh hại cây và nâng cao năng suất cây mãng cầu xiêm.

Ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Bảo cho biết, do  trước đây trái cà phê rớt giá thảm hại, nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh điêu đứng, phải chặt cà phê, trồng lại các loại cây ngắn ngày khác. Trong đó có một vài hộ mạnh dạn trồng cây mãng cầu xiêm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên xã đã vận động bà con chuyển sang trồng loại cây này. Đến nay, diện tích cây mãng cầu xiêm của xã đã lên đến 299ha, chiếm 1/3 diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã. Cũng nhờ cây mãng cầu xiêm, nhiều hộ dân ở đây đã thoát nghèo và vươn lên khá giả, góp phần giảm hộ nghèo của xã xuống còn khoảng 2%.

Theo đánh giá của phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Cẩm Mỹ, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật đang từng bước làm thay đổi diện mạo đời sống của người dân huyện Cẩm Mỹ. Trên địa bàn huyện, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó phải kể đến như: mô hình nuôi cá rô đồng tại xã Sông Ray, mô hình trồng xã Lâm San, mô hình nuôi nhím tại Xuân tây, mô hình trồng chuối già lùn tại Xuân Đường, mô hình nuôi bồ câu tại xã Thừa Đức, mô hình trồng Lan tại Xuân Bảo, mô hình trồng sầu riêng mang tại các xã Nhân Nghĩa, Bảo Bình, Xuân Bảo… Các mô hình này sẽ là cơ sở để huyện nhân rộng ra các vùng còn lại với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sạch và bền vững.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang