Ung thư: Căn bệnh không chừa một ai

authorTrần Thanh 17:00 14/12/2016

(VietQ.vn) - Hiện nay, ung thư đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Trong thời gian 4 năm tới, 7 căn bệnh ung thư sẽ tiếp tục tấn công con người.

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Hầu hết các bệnh nhân đi khám ung thư đều nói: Thế giới đang sụp đổ trước mắt tôi khi bác sĩ nói rằng: Rất tiếc, bạn bị ung thư!

Bước ra khỏi phòng khám, ai ai cũng sẽ chuẩn bị tinh thần phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, rồi sống không ra sống, chết không ra chết và sẽ sớm tử vong.

Theo số liệu công bố tại hội thảo về vai trò giám sát và đánh giá trong chiến lược phòng chống bệnh ung thư diễn ra ở Hà Nội ngày 12/12, năm 2010 Việt Nam phát hiện hơn 126.000 ca ung thư mới ở cả hai giới. Dự báo đến năm 2020, con số này là gần 200.000 ca. Các bệnh ung thư nam giới mắc nhiều nhất vẫn là phổi, dạ dày, đại trực tràng, thực quản... và ở nữ là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, buồng trứng…

Ung thư: Căn bệnh không chừa một ai và sẽ tấn công người Việt trong 4 năm tới

 Ung thư đang có xu hướng gia tăng trong 4 năm tới nhưng có khả năng chữa khỏi (Ảnh minh họa)

 Trong giai đoạn 2010-2020, dự báo số người bị ung thư thực quản tăng 2,8 lần (từ 3.872 lên 10.920 ca). Tương tự, số người mắc ung thư đại trực tràng tăng 1,75 lần; bị ung thư phổi tăng 1,56 lần (lên gần 23.000 ca), ung thư dạ dày tăng hơn 1 lần.

Ở nữ giới, ung thư vú vẫn phổ biến nhất với số bệnh nhân dự báo sẽ tăng từ hơn 12.500 năm 2010 lên 22.612 ca vào năm 2020 (1,8 lần). Tương tự số người bị ung thư đại trực tràng cũng tăng 1,8 lần, ung thư phổi tăng 2 lần, tuyến giáp tăng 2,1 lần. Đáng chú ý số ca ung thư buồng trứng dự báo tăng 2,5 lần trong 4 năm tới, từ 2.185 ca lên 5.558.

Chế độ ăn uống không lành mạnh, mất an toàn thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Ảnh minh họa.

Chế độ ăn uống không lành mạnh, mất an toàn thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Ảnh minh họa.

Theo Vnexpress, phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám Đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Nghiên cứu phòng chống ung thư cho biết, ung thư đang trở thành thảm họa sức khỏe thầm lặng. 80% bệnh nhân ung thư có liên quan đến môi trường sống hàng ngày, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen sinh hoạt, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn. Nhiều bệnh ung thư có thể ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố nguy cơ cao, chẳng hạn như khói thuốc lá, một số hóa chất độc hại.

Tuy nhiên, một tín hiệu vui đối với bệnh nhân ung thư đó là một số bác sĩ đã bắt đầu tự tin sử dụng cụm từ: Chữa khỏi khi điều trị một số căn bệnh ung thư. 

Mặc dù không có gì bảo đảm về sự phục hồi sau khi bị ung thư, song giới khoa học đã tìm ra những phương pháp điều trị thành công cho một số loại bệnh.

Theo Trí thức trẻ, để xác định khả năng sống sót của từng bệnh ung thư, các bác sĩ thường đưa ra tỷ lệ sống thêm 5 năm. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, con số sống trên 5 năm đã đủ đánh giá mức độ thành công của một phác đồ điều trị gần như 100%.

Đối với bệnh ung thư cổ tử cung, theo bác sĩ Nguyễn Chí Cường, Bv Đa khoa trung ương Thái Nguyên, ung thư cổ tử cung được đánh giá là một trong những bệnh ung thư dễ điều trị nhất, ung thư cổ tử cung được chữa trị kịp thời nhờ những phương pháp phát hiện bệnh hiệu quả.

Xét nghiệm Pap nhanh sẽ phát hiện sự hiện diện của các tế bào bất thường ở cổ tử cung thậm chí trước khi chúng trở thành ung thư.

Một lí do nữa là các tế bào ung thư xuất hiện ở cổ tử cung thường phát triển với tốc độ rất chậm. Do đó, bệnh nhân thường được chẩn đoán ở giai đoạn tiền ung thư. Vì vậy, các bác sĩ kịp xử lý trước khi tế báo ác tính phát triển và lan rộng.

Một số căn bệnh ung thư khác như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư hạch, ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tinh hoàn....hầu hết vẫn có khả năng chữa khỏi nếu phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang