Cảm động bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối phải mổ ngồi sinh con

author 09:38 14/07/2016

Bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi mang thai ở tuần 19, chị Trâm đã cố gắng giữ lại con với hi vọng bé chào đời được khoẻ mạnh.

Chị Trâm đang nằm điều trị tại BV K 1. Ảnh Hạ Hiền/SKĐS 

Bệnh nhân bị ung thư phổi lúc mang thai

Bệnh nhân Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi, Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh) không may mắn phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối khi mang thai tuần thứ 19, chị đã cố gắng giữ lại con và đến 28 tuần 3 ngày các bác sĩ đã mổ lấy thai.

Nagy 13/7/2016, sau 3 ngày phẫu thuật, sức khoẻ của mẹ con chị Trâm không còn nguy kịch nữa mà đã khoẻ hơn. Con chị được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản trung ương còn chị Trâm vẫn nằm điều trị tại Bệnh viện K cơ sở 1.

Mang thai ở tuần 11 chị Trâm bắt đầu thấy có hạch quanh cổ nhưng chỉ đi khám ở phòng khám tư và không ra bệnh. Càng ngày chị càng ho nhiều nên khi đi khám tại bệnh viện K, các bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Yến, khoa Nội, Bệnh viện K cho biết, tại thời điểm thăm khám, bệnh nhân đã mắc ung thư phổi giai đoạn 4, di căn lên hạch cổ, sưng to, lan cả vào trung thất (to 3-4cm), di căn vào gan.

Lúc đó, các bác sĩ khuyên chị Trâm nên đình chỉ thai nghén để điều trị song chị Trâm kiên quyết không xạ, hóa trị, chấp nhận hy sinh với hy vọng con lớn được ngày nào hay ngày đó.

Khi thai được 27 tuần, khối u xâm lấn quá lớn chèn đặc 2 bên cổ, tràn dịch màng phổi khiến bệnh nhân khó thở, được chuyển vào khoa Nội, bệnh viện K nằm điều trị vào ngày 24/6, sau đó chuyển tiếp lên khoa Hồi sức, phải nhờ đến máy thở.

PGS Trần Văn Thuấn – Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết: "Đây là trường hợp đầu tiên mang thai bị ung thư phổi phát hiện tại bệnh viện. Trước thực trạng sức khoẻ của mẹ quá yếu, nếu mổ bắt con ngay khi 27 tuần, con sinh ra rất dễ dị dạng, giác mạc chưa hoàn thiện, phổi không hô hấp được nên chúng tôi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương bằng mọi cách níu thêm từng ngày bởi thêm ngày nào thì tốt cho cháu bé ngày đó".

PGS Thuấn cho biết về phía bệnh nhân lúc nào chị cũng khao khát giữ lại con và làm những điều tốt nhất cho con. 

Ca mổ đặc biệt

Các bác sĩ bệnh viện Phụ sản trung ương và Bệnh viện K Hà Nội đã quyết định phác đồ vừa cung cấp oxy, vừa truyền dung dịch dinh dưỡng, vừa dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng và một số thuốc chống ung thư để hạn chế tế bào ác tính nhân lên, giúp bệnh nhân có thể kéo dài thêm thời gian thai kỳ. Lúc đó, thể trạng bệnh nhân quá yếu, chị không thể nằm mà phải ngồi suốt 24/24, mỗi ngày hầu như chỉ ngủ chập chờn được gần 2 tiếng.

Mọi cố gắng của y bác sĩ cùng với nghị lực của bệnh nhân chỉ kéo dài đến 28 tuần, 3 ngày cuối thai kỳ, khi khối u ung thư phổi đã di căn xa hơn, chị Trâm có biểu hiện suy hô hấp. Tình hình lúc ấy rất cấp bách, có thể nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Các bác sĩ từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã sang để phẫu thuật lấy thai ngay trong đêm 10/7. Ê kíp mổ cần đến 20 bác sĩ từ hai bệnh viện đầu ngành sản khoa và ung thư.

Thể trạng của bệnh nhân yếu nên bác sĩ chỉ gây tê, không dám gây mê vì sợ bệnh nhân không thể tỉnh lại được. Với các bác sĩ, ca mổ này vô cùng đặc biệt vì bệnh nhân không thể nằm mổ mà phải ngồi mổ. Hai y tá đỡ hai bên.

ThS.BS Trần Đức Thọ, Phó trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Bệnh viện K cho biết: "Trong suốt ca mổ, bệnh nhân gần như tỉnh, còn cả ekip đều rất căng thẳng vì sợ mất cả mẹ lẫn con. Sau 30 phút, bé trai nặng 1,2kg chào đời, cất tiếng khóc to khiến tất cả chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Sau đó cháu bé được đưa ngay vào lồng kính đưa sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cháu bé cũng bị suy hô hấp nên phải thở máy".

Tại Bệnh viện K trung ương đã ghi nhận nhiều ca ung thư khi đang mang thai như ung thư hạch, ung thư vú, ung thư tuyến giáp nhưng bệnh nhân ung thư phổi thì đây là lần đầu tiên. Bệnh nhân có tình trạng bệnh tật diễn biến quá nhanh. Tình trạng bệnh nhân đã quá yếu nên các bác sĩ đã mổ lấy thai. Cháu bé được đặt tên Trần Gấu với hi vọng cháu sẽ mạnh mẽ để sống trên cõi đời này như sự hi sinh mẹ cháu đã dành cho cháu.

Phi hành gia NASA đã mang lên vũ trụ 1 miếng bánh mỳ như thế nào2 tiếng trước giờ phóng Gemini 3, phi hành gia John Young cho tay vào trong áo vũ trụ của mình và lôi ra một thứ rất bình thường nhưng đáng ra không nên có ở đó.

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang