Ung thư vòm họng bởi thói quen nhiều người mắc phải khi đi lễ chùa

authorTrần Thanh 19:02 18/02/2017

(VietQ.vn) - Việc hít quá nhiều khói hương là nguyên nhân gây ra các căn bệnh nguy hiểm trong đó có bệnh ung thư vòm họng.

Sự kiện: Bí quyết sống khỏe

Tháng Giêng, có rất nhiều lễ hội và người dân thường đi lễ chùa, lễ hội để thắp hương cầu mong sức khỏe, bình yên. Tuy nhiên, việc hít phải khói hương sẽ có rất nhiều tác hại mà không phải ai cũng biết. 

Các chuyên gia cho biết, giống như khói thuốc lá, khói than, khói hương (nhang) có chứa các hoạt chất độc hại như benzen, toluene, xylenes….

Trong hương nhang bình thường, thành phần tạo mùi thơm là những hợp chất benzen.

Khi đốt cháy, chất độc sẽ kích thích tác động liên kết bề mặt của đường hô hấp dẫn đến viêm hô hấp mãn tính, phá hủy các tổ chức cơ thể dẫn đến biến đổi tế bào, biến đổi gen gây ra các hiện tượng dị sản, loạn sản. Khi là tế bào ác tính chúng sẽ biến thành tế bào ung thư.

Theo cô Nguyên, một gia đình có truyền thống làm hương (nhang) ở Hưng Yên cho biết, trước đây khói hương không độc hoặc ít độc vì hương được làm từ gỗ hương liệu như trầm hương, bột quế và hoa ngâu, mùn cưa chọn lọc và có các hương vị của thuốc bắc… Khi đốt, hương sẽ tỏa hương thơm không gây hại.

Thế nhưng ngày nay các nguyên liệu khan hiếm và đắt đỏ, nhiều người sản xuất vì muốn kiếm lời cao nên đã sử dụng nhiều tạp chất tẩm ướp tạo mùi thơm hơn nhưng chất lượng lại kém đi và độc hại.

Tại các ngôi chùa, trong các dịp lễ, Tết, hàng nghìn que hương thường được đồng loạt đốt lên, hoặc nhiều gia đình khi thắp hương nhang hay đóng kín cửa khiến cho khói hương bị tụ lại một chỗ.

Hít phải khói hương, nhẹ có thể ho, chảy nước mắt… Nếu hít nhiều, những nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn. Đặc biệt là bệnh hô hấp và ung thư vòm họng. 

Khói hương gây ung thư vòm họng như thế nào?

Khói hương gây ung thư vòm họng như thế nào?

Lý giải điều này các chuyên gia cho biết trong cấu tạo hương nhang thông thường để tạo ra mùi thơm đặc trưng đó là nhờ hỗn hợp benzene. Khi hương được đốt cháy lượng benzene này được giải phóng ra bên ngoài không khí và bám vào lớp bề mặt da, niêm mạc miệng, niêm mạc họng và tích tụ lâu ngày có khả năng phá hủy tổ chức cơ, gây biến đổi cấu trúc tế bào cũng như biến đổi cấu trúc gen (nguyên nhân phát triển các tế bào ung thư).

BS Nguyễn Công Hoàng, Khoa tai mũi họng, BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, người Việt Nam thường muốn mua những loại hương sau khi thắp xong, tàn sẽ uốn cong và cho rằng như vậy là có lộc.

Tuy nhiên để có được tàn uốn cong người sản xuất phải tẩm hóa chất phosphoric acid (H3PO4) để ngâm tăm hương.

Nén hương cong, đẹp tùy theo nồng độ hóa chất và thời gian ngâm tẩm. Vì thế, những que hương càng cong đẹp thì mức độ nguy hiểm sức khỏe con người ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, cũng không nên cắm chân hương vào đồ ăn để cúng vì chân hương được tẩm hóa chất sẽ dẫn truyền vào thức ăn, dễ gây ngộ độc.

Theo các chuyên gia y tế, khi thắp hương cần mở cửa thoáng để khói không bị tụ lại một chỗ. Không nên đốt hương gần chỗ có người ngủ nghỉ.

Người già, trẻ nhỏ, người có các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn nên tránh những chỗ đốt hương và tụ tập đông người.

Cũng giống như các bệnh lý khác việc chữa trị triệu chứng ung thư vòm họng đã đạt được những thành công tích cực. Tuy nhiên để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân và toàn xã hội, các bác sĩ bệnh viện Ung bướu Hưng Việt khuyến cáo nên hạn chế hít trực tiếp các loại hương trầm, khi thắp hương cần chọn không gian thoáng đãng, tránh thắp hương gần phòng ngủ, nơi có trẻ nhỏ.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang