Uống bia Sài Gòn trả tiền Heniken

author 21:02 25/06/2013

Qua một số vụ sản xuất, buôn bán bia giả được cảnh sát phát hiện cho thấy trên thực tế đã có những người tiêu dùng uống bia Sài Gòn nhưng phải trả giá tiền bia Heineken đắt gấp nhiều lần.

 Công nghệ “hô biến” bia Sài Gòn thành Keineken, Tiger

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới thi hành lệnh bắt khẩn cấp bốn đối tượng: Võ Thành Công (SN 1969, trú Hồng Lạc, P11Q.Tân Bình) - Giám đốc Cty TNHH Một thành viên dịch vụ xuất nhập khẩu Võ Thành Công (Cty Võ Thành Công), Lê Văn Tuấn (SN 1978, quê Bình Phước), Đỗ Quất Chí (SN 1968, trú Nguyễn Duy P14Q8) và Thạch Mươne (SN 1990, quê Trà Vinh) để điều tra làm rõ về hành vi tổ chức sản xuất, buôn bán bia giả.

Trước đó, lúc 10h15 ngày 18/6, Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện Thạch Mươne sử dụng xe gắn máy chở 7 két bia chai Tiger đến giao cho một quán ăn trên đường Lý Thường Kiệt, P9 Q.Tân Bình. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, Mươne không xuất trình được giấy tờ hóa đơn liên quan đến số bia trên.

Về nguồn gốc số bia, Mươne khai được Võ Thành Công, giám đốc Công ty Võ Thành Công, trụ sở 144/12 Hồng Lạc, P11Q.Tân Bình, sai chở cho quán ăn.

Khám xét tại 144/12 Hồng Lạc, cơ quan chức năng phát hiện 17 két bia Heineken, 20 két bia Tiger, 18 két bia Tiger Crystal, 2 két bia Sài Gòn Lager, 1 máy dập nắp chai bia, vỏ chai, nắp chai bia các loại và nhiều tài liệu liên quan đến việc sản xuất bia giả.

Người tiêu dùng thận trọng với bia không rõ nguồn gốc

Võ Thành Công khai, bia giả được sản xuất bằng cách mua bia Sài Gòn nhãn xanh Lager 450, cho nhân viên xúc rửa vỏ chai bia Heineken, Tiger đã qua sử dụng sau đó chiết bia thật vào 1/2 chai và rót bia Sài Gòn Lager 450 vào đầy chai rồi đưa qua máy dập nắp.

Mỗi ngày công ty của Công sản xuất từ 40 - 60 két bia giả các nhãn hiệu Heineken, Tiger. Bia giả được Công cử nhân viên đưa đi giao cho nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố với giá: bia Tiger 235.000 đồng/két, bia Tiger bạc 255.000 đồng/két, bia Heineken 310.000 đồng/két.

Vào tháng 5/2012 Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP HCM cũng triệt phá một cơ sở sản xuất bia Heineken giả quy mô khá lớn tại 2 địa chỉ: D6/161B QL50, xã Phong Phú và nhà không số đường Nguyễn Văn Thời, ấp 3, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh.

Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố, đồng thời bắt tạm giam 4 bị can: Võ Ngọc Ẩn (46 tuổi), Võ Hoàng Giang (34 tuổi), Võ Đông Sơ (41 tuổi) và Nguyễn Văn Tân (35 tuổi, cả 4 người đều quê Long An), về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Các bị can khai nhận, đầu năm 2012, Giang thuê 2 căn nhà ở huyện Bình Chánh và thuê một số lao động để làm bia giả. “Lò” bia giả này sản xuất theo quy trình pha trộn bia Sài Gòn Lager với bia Heineken thật để cho ra sản phẩm bia Heineken giả.

Cơ quan điều tra đã thu giữ 1.320 chai bia Heineken giả thành phẩm dung tích 330 ml, 480 chai bia Sài Gòn Lager dung tích 450 ml; 2 máy dập nắp chai bằng tay cùng nhiều tang vật liên quan

Qua một số vụ án được phá, có thể thấy, cứ 1 két bia Sài Gòn Lager 450 sẽ được những “lò” bia giả này chế thành 1,3 thùng Heineken. Như vậy 1 két Sài Gòn Lager 450 ở phân khúc thấp cấp giá SABECO bán ra cho nhà phân phối chỉ 93.060 đồng/két nhưng sau khi đổ nước bia này vào các chai Heineken sẽ được bán hơn 422.000 đồng.

Phản ứng của “thượng đế”

Sau khi cảnh sát triệt phá “lò” sản xuất bia giả nói trên, anh Nguyễn Văn Long, khách nhậu tại nhà hàng Hương Xưa trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, cho biết, sau một lần uống bia Heineken ở Karaoke N. với bạn bè về thì anh bị "đau đầu kinh khủng, còn hơn cả xỉn rượu". Anh Long biết chắc chắn đã uống phải bia Heineken giả, từ đó không dám uống bia "Ken" nữa.

“Một số nhà hàng karaoke, quán nhậu bia ôm nắm được tâm lý khách vào chỗ của họ "vui vẻ với em út" là chủ yếu nên vì lợi nhuận cao, đa số họ dùng bia Heineken giả để bán. Nên thực tế là dù biết bia Heineken giả họ vẫn bất chấp pháp luật. Được Bia Sài Gòn làm giả qua bia Ken là còn tốt, sợ "quân bất lương" kia dùng bia cỏ hoặc hóa chất chợ Kim Biên nữa về thì tiêu”, anh Long nói.

Cũng tại nhà hàng Hương Xưa, ông Ngô Xuân Việt, Giám đốc Công ty TNHH Việt Anh đang tiếp 3 người khách. Thấy PV có ý thắc mắc sao không uống bia Heineken mà uống bia chai Sài Gòn đỏ loại 355ml, anh Ngô Xuân Việt cho biết: “Lâu nay mỗi lần đi nhậu nghe bạn bè nói bia Heineken bị làm giả nhiều lắm nhưng tôi không tin. Nhưng từ khi công an khui mấy cái vụ họ hô biến bia Sài Gòn thành bia Ken thì tôi sợ lắm. Ngoài các lò làm bia giả Heineken được cảnh sát phát hiện, liệu có còn cơ sở khác nữa không mình làm sao biết được. Thật vô lý khi uống Bia Sài Gòn mà phải thanh toán tiền giá bia Heineken với giá cắt cổ. Giờ tôi và bạn bè chuyển qua uống Bia Sài Gòn cho chắc ăn”.

Ông Michael Bùi, một Việt kiều Mỹ về đầu tư tại Việt Nam cho rằng uống bia còn thể hiện nét văn hóa, đó là văn hóa đóng góp cho đất nước. Bia Sài Gòn là bia của người Việt Nam, chất lượng và cũng có loại phân khúc cấp cao như loại chai nhỏ 355ml và bia lon Saigon Special, Bia lon 333…, nên lẽ ra người Việt phải ưu tiên dùng hàng Việt nhưng nhiều người với tâm lý sính ngoại muốn thể hiện đẳng cấp qua việc chọn uống bia "Ken".

“Điều tệ hại cho người tiêu dùng là họ uống bia giả mà không biết. Tôi là doanh nhân nhưng cũng chỉ thích uống bia Saigon đỏ thôi”, ông Michael Bùi cho biết.

Theo ông Nguyễn Tường Minh, Tổng thư ký Hội chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TP HCM (AFCA) thì tâm lý sính ngoại của người Việt Nam đã phần nào tạo cơ hội cho những kẻ làm hàng gian hàng nhái. Thời gian qua hàng bị làm nhái, làm giả chủ yếu là các thương hiệu của nước ngoài.

“Tôi đi nhiều nước thấy nước họ giàu song người dân vẫn ưu tiên dùng hàng nội địa, nhưng Việt Nam mình thì khác. Bia Sài Gòn ngon nhưng giá rẻ, vì vậy mới có việc đổ bia Sài Gòn vào chai Heineken để tính tiền bia Heineken. Theo tôi, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách dùng hàng nội địa, vừa thể hiện tinh thần yêu nước vừa tránh dùng phải hàng giả ngoại”, ông Nguyễn Tường Minh nói.

Ngày 25-6, Công an TP.Thanh Hóa (Thanh Hóa) cho biết vừa phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 1 phát hiện, lập biên bản vụ sản xuất cà phê lậu do Cao Minh Hải (25 tuổi), ở phố Lương Đắc Bằng, phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa làm chủ.
 
Cơ sở này không có giấy phép kinh doanh, sản xuất cà phê; không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Chủ cơ sở Cao Minh Hải đã mua hạt cà phê, trộn lẫn với các loại phụ gia rồi nghiền và đóng túi, sau đó bán từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng/kg.

Đăng Bình/PLVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang