Ưu ái cho ngân hàng “ruột”: Hải Phòng có rút lại văn bản?

author 10:42 24/08/2015

(VietQ.vn) - Như báo Thương hiệu & Công luận đã đưa tin về sự việc,ngày 17/7/2015 UBND TP Hải Phòng có văn bản số 3470/UBND-DN gửi các Sở, ban, ngành trong Thành phố, trong đó có nội dung đề nghị các cơ quan, đơn vị trong Thành phố Hải Phòng xem xét ưu tiên thực hiện việc mở tài khoản thanh toán tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức của đơn vị tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) thể hiện sự ưu ái đặc biệt cho ngân hàng này. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng bức xúc. Các doanh nghiệp tham gia thị trường phải tuân theo Luật cạnh tranh và tuân thủ luật chơi một cách công khai, minh bạch .

Có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh

Ngân hàng Techcom bank

Trao đổi về văn bản số3470/UBND-DN do TP Hải Phòng mới ban hành, Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty luật Nay & Mai cho hay: “văn bản chỉ đạo nêu trên của UBND TP. Hải Phòng rõ ràng đã có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh”.

Cụ thể, tại Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2004, quy định các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước như sau:

“Cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:

1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;

3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;

4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp”.

Luật sư Hiển phân tích: “Mặc dù nội dung văn bản của UBND TP. Hải Phòng không trực tiếp chỉ đạo “buộc” các cơ quan đơn vị trong TP. Hải Phòng phải thực hiện việc mở tài khoản thanh toán tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức của đơn vị tại Techcombank, nhưng việc Cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên là UBND Thành phố yêucầu các đơn vị trực thuộc và đơn vị cấp dưới của mình “xem xét ưu tiên” sử dụng dịch vụ của một doanh nghiệp (dịch vụ mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Techcombank) cho thấy có một sự ưu ái và đặc biệt là có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 6 Luật Cạnh tranh, như tôi đã phân tích ở trên”.

Lãnh đạo Hải Phòng vẫn… lặng thinh?

Được biết, hiện tại, nhiều cơ quan, tổ chức trên địa bàn của quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã phải đồng loạt thực hiện thủ tục kê khai để đổi thẻ ATM “hợp pháp” của mình sang bên chủ thẻ là Techcombank.

Mặc dù, chỉ thị số 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/2007/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thì các đơn vị hành chính sự nghiệp như: các trường học công lập, các giáo viên… thì việc thực hiện việc mở thẻ ATM tại một số tổ chức tín dụng bất kỳ là hoàn toàn bình thường. Còn việc lựa chọn ngân hàng nào để mở thẻ là hoàn toàn do cá nhân, tổ chức đó quyết định dựa theo chất lượng dịch vụ của ngân hàng đó, cũng như nhu cầu cá nhân. Và hai văn bản trên cũng không chỉ thị phải thực hiện việc mở thẻ tại bất cứ ngân hàng cụ thể nào. Vì vậy, việc văn bản số3470/UBND-DN do TP Hải Phòng mới ban hànhđặt cho dư luận rất nhiều thắc mắc trong giới ngân hàng và khách hàng sử dụng dịch vụ.

Đi tìm câu trả lời cho văn bản “lạ” này của TP Hải Phòng, PV Báo Thương hiệu & Công luận đã liên hệ với ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, người ký quyết định ban hành văn bản số3470/UBND-DN thì được vị này cho hay “tôi đã có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/8/2015, mọi vấn đề có liên quan đề nghị PV liên hệ với bộ phận văn phòng, cũng là nơi tham mưu cho lãnh đạo ký duyệt văn bản”.

Tiếp tục liên hệ với ông Phạm Hữu Thư, Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng thì vị này “đá” quả bóng trách nhiệm sang Phó GĐ Sở Tài Chính.

Để thông tin được đa chiều đến bạn đọc, PV Báo Thương hiệu & Công luận tiếp tục sang liên hệ với bà Lê Thị Thu Hương PGĐ Sở Tài chính TP Hải Phòng. Tuy nhiên theo bà Hương trao đổi thì với lý do không đủ thẩm quyền để phát ngôn bà Hương cho hay:“sáng ngày19 /8/2015, văn phòng UBND TP Hải Phòng đã tổ chức họp về nội dung các báo đã đưa, để báo cáo chủ tịch UBND thành phố. Nội dung phát ngôn sẽ do thành phố phát ngôn, không giao cho sở tài chính”.

Ngay sau đó,PV đã liên hệ trực tiếp với Văn phòng Ủy ban tuy nhiên, lại nhận được câu trả lời của Văn phòng do nhiều lý do khách quan nên chưa thể bố trí được lịch làm việc với cơ quan báo chí?

Trong 1 diễn biến tương tự, trước đó, hồi đầu tháng 10/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản chỉ đạo “ưu ái” sử dụng các dịch vụ của chính Techcombank sau khi ngân hàng này ký kết các thỏa thuận hợp tác, tài trợ nhiều tỷ đồng cho địa phương.

Ngay sau đó, ngày 16/10/2014, Tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi tất cả các văn bản “chỉ định các cơ quan, đơn vị trên địa bàn giao dịch với Techcombank”, đồng thời thừa nhận sự không khách quan trong chỉ đạo, điều hành của mình.

Tổ chức cạnh tranh không lành mạnh có thể bị phạt đến 200 triệu đồng.

Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác có thể bị phát tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Theo đó, Nghị định này Nghị định này quy định việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, bao gồm: Hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh; Hành vi vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác.

Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; Phạt tiền.

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tồ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, DN vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả.

 

Theo Thương hiệu và Công luận

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang