Ưu đãi thuế hàng dệt may từ EVFTA: Đừng vội mừng!

author 06:52 14/07/2019

(VietQ.vn) - Không thể vội mừng với những ưu đãi thuế từ EVFTA, bởi trước mắt ưu đãi từ hiệp định chưa có hiệu lực. Trong khi đó, các quốc gia láng giếng, các thị trường cạnh tranh của dệt may Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế từ lâu…

Tiêu chuẩn – “chìa khóa” hiện thực hóa thuế suất 0%

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) chính là cơ hội giúp cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng giá trị xuất khẩu. Đồng thời là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên. Hai bên vẫn còn phải trải qua một bước nữa để đưa 2 hiệp định vào thực thi. Bên cạnh đó, hiện năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam còn rất thấp. Nên khi tham gia vào thị trường khó tính là EU, chúng ta phải nâng cao tính cạnh tranh.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Ông Lộc nhận định, để đạt được hiện thực hóa là thuế suất 0% khi tham gia Hiệp định EVFTA, chúng ta phải đạt được điều kiện về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm, chuẩn về lao động, phát triển bền vững… Trong quá trình đó, Việt Nam không chỉ tuân thủ các điều kiện của EVFTA, mà chúng ta phải khôn ngoan trong nội lực hóa, cải cách thể chế để thúc đẩy doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan.

Thực tế, các doanh nghiệp Việt đang rất lo về những thách thức này và mong Chính phủ tháo gỡ, cắt giảm những trói buộc về thủ tục hành chính. Hiện thủ tục hành chính của Việt Nam với chi phí cao gấp đôi, gấp ba so với ASEAN. Và bản thân các doanh nghiệp cũng phải bắt kịp trong bối cảnh mới để tham gia vào thị trường EU có hiệu quả cao nhất. Để làm được điều này, doanh nghiệp trong nước phải tìm ngay các đối tác, bạn hàng và tập trung vào thị trường trọng điểm để tránh rủi ro. Và VCCI sẽ hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp cận với đối tác quan trọng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại quản trị và ứng dụng công nghệ để đáp ứng được yêu cầu khi tham gia vào EVFTA. Phải xác lập được hệ thống phòng ngự rủi ro... Vì vậy, ông Lộc nhấn mạnh, đã đến lúc các doanh nghiệp của Việt Nam và doanh nghiệp của EuroCharm phải sát cánh với nhau. Hội nhập sẽ không thành công nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ không liên kết lại với nhau.

Đừng vội mừng…

Để các doanh nghiệp trong nước tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng cơ hội càng nhanh càng tốt, duy trì lợi thế càng lâu càng tốt. Các doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, quan tâm chi tiết hơn, sát hơn với thực hiện. Đồng thời, phải xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý để tận dụng tối đa lợi thế mà nhiều FTA lớn có hiệu lực. Và quan trọng nhất, doanh nghiệp Việt phải luôn luôn chủ động trước mọi thời cơ.

Về những yếu kém hiện các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải, ông Khanh cho biết, thực tế là các doanh nghiệp ít có sự chủ động trong mọi vấn đề. Khi Hiệp định CPTPP và EVFTA được ký kết, các doanh nghiệp phải có ngay những kế hoạch hành động để tận dụng tối đa và triển khai những kế hoạch hành động thành kết quả mong muốn. Tuy nhiên, hầu hết những kế hoạch đó rất chậm trễ được đưa ra...

Các quốc gia láng giếng, các thị trường cạnh tranh của dệt may Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế từ lâu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Dệt may Hồ Gươm cho rằng, không thể vội mừng với những ưu đãi thuế từ EVFTA, bởi trước mắt ưu đãi từ hiệp định chưa có hiệu lực. Trong khi đó, các quốc gia láng giếng, các thị trường cạnh tranh của dệt may Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế từ lâu.

Từ đó, ông Thịnh nhấn mạnh: “Nếu các doanh nghiệp Việt không thể tự phát triển thì Việt Nam sẽ trở thành nơi trung chuyển, các nước khác không được hưởng ưu đãi thuế với châu Âu sẽ đưa hàng sang Việt Nam, xin C/O và xuất hàng từ Việt Nam sang châu Âu. Đây là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam”.

Dệt may hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA(VietQ.vn) - Dệt may sẽ là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam chính thức có hiệu lực. Quy tắc xuất xứ với hàng dệt may trong EVFTA sẽ đơn giản hơn quy tắc xuất xứ từ sợi trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang