Ưu tiên cấp chứng nhận xuất xứ cho nông sản Hải Dương, Bắc Giang

author 10:10 29/05/2021

(VietQ.vn) - Cục Xuất nhập khẩu đề nghị ưu tiên cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) trong thời gian sớm nhất đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương

Cấp C/O trong thời gian sớm nhất cho nông sản xuất khẩu

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đang thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các địa phương, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu vừa ban hành công văn số 334/XNK-XXHH đề nghị các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị ưu tiên cấp C/O trong thời gian sớm nhất đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải.

Các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hồ sơ cấp C/O.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng yêu cầu các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, báo cáo Cục ngay khi có dấu hiệu nông sản xuất khẩu ùn tắc ở cửa khẩu.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu trên cả nước đã cấp 420.000 bộ C/O, trị giá 21 tỷ USD cho hàng hóa đi các thị trường được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.

Nông sản của Bắc Giang, Hải Dương sẽ được ưu tiên cấp chứng nhận xuất xứ. Ảnh minh họa 

Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) là gì?

Giấy chứng nhận xuất xứ (tiếng Anh: Certificate of Origin, thường viết tắt là C/O) là một tài liệu sử dụng trong thương mại quốc tế nhằm xác định quốc gia xuất xứ của hàng hóa. C/O (Certificate of Origin) là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại nước đó. C/O phải tuân thủ theo quy định của nước xuất khẩu và cả nước nhập khẩu theo quy tắc xuất xứ.

Mục đích của C/O là chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về Xuất nhập khẩu của cả hai nước: Nhập khẩu và xuất khẩu (hiểu nôm na rằng là đó không phải hàng lậu hay hàng trôi nổi không có nhà sản xuất rõ ràng).

Nếu là chủ hàng nhập khẩu, thì yếu tố quan trọng nhất là C/O hợp lệ sẽ giúp chủ hàng được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Phần này có thể chênh lệch vài % đến vài chục %, khiến số tiền thuế giảm được có thể là khá lớn.

Chứng từ C/O có thể không được coi là một chứng từ chính thức, khi nó được chính người xuất khẩu cấp. Thông thường, nước nhập khẩu sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu trình chứng nhận xuất xứ do một cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng chứng từ chính thức là bắt buộc, ví dụ như đối với vận tải hàng theo Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ hoặc để nhận được ưu đãi thuế quan từ các nước nhập khẩu về việc nhập hàng sản xuất/chế biến từ các nước kém phát triển tới các nước phát triển (thường được gọi là C/O mẫu A hay GSP form A, viết tắt từ Generalized System of Preferences Form A C/O: C/O form A của Hệ thống ưu đãi phổ cập).

Chứng nhận xuất xứ đặc biệt quan trọng trong phân loại hàng hóa theo quy định hải quan của nước nhập khẩu và vì vậy sẽ quyết định thuế suất thuế nhập khẩu hàng hóa. C/O cũng quan trọng cho áp dụng hạn ngạch nhập khẩu và thống kê, đặc biệt là với hàng thực phẩm. C/O cũng có thể quan trọng trong các quy định về an toàn thực phẩm...

Gần đây, các cơ quan chức năng Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát thương mại biên mậu và bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc với các loại hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam theo lộ trình là mít và dưa hấu, sau đó là sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài, chôm chôm, chuối, vải và thủy sản.

Trước thực trạng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện chuỗi sự kiện triển khai đánh giá mã vùng, vùng trồng, mã xưởng, kê khai thông tin sản phẩm, cung cấp tem truy xuất nguồn gốc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong việc xuất khẩu chính ngạch nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Trước những quy định khắt khe từ phía Trung Quốc về bắt buộc đối với nông sản xuất khẩu sang nước này như yêu cầu về: kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa, chứng nhận chất lượng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.., từ 2019, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã chủ động làm việc với Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa (CCIC) và thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, hai bên sẽ thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau. Đặc biệt, hệ thống hai bên phải đảm bảo kết quả được Hải quan Trung Quốc chấp nhận để phục vụ thủ tục xuất nhập khẩu, tạo đà bứt phá cho nông sản Việt.

Bảo Lâm (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang