Uỷ ban KHCN&MT Quốc hội thẩm tra dự án luật chuyển giao công nghệ

author 07:19 22/10/2016

(VietQ.vn) - Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội vừa họp phiên lần thứ ba để thẩm tra dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

 Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ ba tại Hà Nội

Chủ trì phiên họp có ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KHCN&MT); Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Chu Ngọc Anh.

Tham dự phiên họp còn có Phó Chủ nhiệm UB KHCN&MT Phùng Đức Tiến; đại diện thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIV.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chu Ngọc Anh trình bày Tờ trình về dự án Luật chuyển giao công nghệ (CGCN) (sửa đổi), “sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật CGCN 2006 đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực”.

Tuy nhiên, đến nay bối cảnh phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, buộc phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới phát sinh từ thực tiễn. Thực tế Luật CGCN đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như quy định không bắt buộc đăng ký hợp đồng CGCN tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao, đã tạo môi trường thực sự tự do cho các doanh nghiệp trong giao kết hợp đồng CGCN. Tuy nhiên, mặt trái của quy định này là Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động CGCN.

Quản lý công nghệ và CGCN trong các dự án đầu tư chưa được quy định đầy đủ tại Luật CGCN. Do đó, cần bổ sung quy định về thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư nhằm ngăn ngừa công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường du nhập vào Việt Nam. Quy định về các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy CGCN còn dừng ở mức các tuyên bố chung của Nhà nước, một số đã lạc hậu với thực tiễn hoặc bị vô hiệu hóa bởi các đạo luật mới ban hành quy định các vấn đề liên quan; vì vậy, chưa mang lại tác động chính sách cụ thể đối với đời sống kinh tế- xã hội.

Những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của Luật CGCN, chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và CGCN phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới. Do vậy, việc xây dựng Luật CGCN (sửa đổi) là rất cần thiết.

Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều, tập trung vào một số vấn đề gồm: Thứ nhất,  phát triển thị trường KH&CN; Thứ hai, thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Thứ ba, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; Thứ tư, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN; và Thứ năm, cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật CGCN (sửa đổi) của thường trực Ủy ban, Phó Chủ nhiệm UB KHCN&MT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng với vị thế của quốc gia. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực như các nhà máy nhiệt điện, luyện cán thép, khai khoáng... vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. CGCN chủ yếu thông qua mua máy móc, thiết bị nhưng đã lạc hậu 2-3 thế hệ; chuyển giao công nghệ không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế và khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam.

 Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp

Do đó, rất cần thiết phải sửa đổi Luật CGCN để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và CGCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN trong nước; kiểm soát CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thể giới; đồng thời kiểm soát và từng bước CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài.

Thảo luận tại phiên họp đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và các nội dung chính của dự thảo Luật CGCN (sửa đổi); đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo và cho rằng dự án Luật đủ điều kiện để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

Các đại biểu cho rằng việc bổ sung các quy định như Điều 12 về việc phải thẩm định công nghệ đối với Dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường khi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, thường trực UB KHCN&MT cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định phải thẩm định công nghệ, kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong quá trình triển khai, thực hiện đối với tất cả các dự án, đặc biệt là các dự án FDI.

Thực tế thời gian qua, công tác quản lý công nghệ nhập khẩu vào nước ta chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp dẫn đến tình trạng công nghệ lạc hậu, gây tác động xấu đến môi trường được nhập khẩu vào nước ta. Trong khi đó, Luật CGCN 2006 chưa quy định đầy đủ về quản lý công nghệ và CGCN trong các dự án đầu tư, còn Luật đầu tư mới chỉ giới hạn đối tượng kiểm soát đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao.

Bên cạnh các ý kiến nhất trí với việc cần đánh giá, định giá và giám định công nghệ để kiểm soát chất lượng công nghệ trong quá trình CGCN, ngăn ngừa chuyển giá, trốn thuế trong CGCN, cũng có ý kiến đề nghị phải đẩy mạnh việc xã hội hóa, thu hút các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học trong các ngành, lĩnh vực tham gia vào hoạt động đánh giá, định giá và giám định công nghệ.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm UB KHCN&MT Phan Xuân Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Ban soạn thảo trong thời gian ngắn đã rà soát toàn diện và hoàn thiện dự thảo Luật nâng từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN thành Luật CGCN (sửa đổi); cho rằng dự án Luật CGCN (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2. Ghi nhận các ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm UB KHCN&MT đề nghị Ban soạn thảo xây dựng văn bản dự kiến tiếp thu để trình Quốc hội đồng thời với hồ sơ dự án Luật.

Theo Quochoi.vn

Vĩnh Long: Triển khai khóa đào tạo ISO 9001: 2015(VietQ.vn) - Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang