Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 46 bàn nhiều vấn đề hệ trọng

author 00:31 08/03/2016

(VietQ.vn) - Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 46. Phiên họp dự kiến diễn ra từ ngày 7-9/3.

Tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 46, thảo luận về các báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch tài chính, đầu tư công và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tích cực chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11- Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIII.

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng, đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao...;

Khai mạc phiên họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Khai mạc phiên họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh ST

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; thảo luận các dự án luật còn lại để tích cực thi hành Hiến pháp, đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là điểm mới trong hoạt động của Quốc hội. Trước đây, việc này sẽ được xem xét vào kỳ họp cuối của năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội. Lần này, Quốc hội quyết định cho ý kiến, xem xét, quyết định các vấn đề trên một cách kịp thời từ đầu năm để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ngay từ đầu năm. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ điều chỉnh một số chức danh nhân sự để bảo đảm hoạt động của Nhà nước được kịp thời, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương có quyết định về nhân sự sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Do tính chất quan trọng của kỳ họp 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan sẽ làm tốt công tác chuẩn bị để Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội thành công tốt đẹp.

Một nội dung đặc biệt quan trọng là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề hệ trọng của đất nước trong 5 năm tới, về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kế hoạch đầu tư trung hạn, tài chính trung hạn.

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại phiên họp cho thấy, 5 năm qua, trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường đã được Quốc hội thông qua, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% vào năm 2015; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, trong 10 chỉ tiêu không đạt kế hoạch có các chỉ tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước bình quân 5 năm là 5,91% (mục tiêu là 6,5%-7%); bội chi ngân sách nhà nước vào năm 2015 là 6,1% GDP (mục tiêu là dưới 4,5% GDP).

Báo cáo cũng đưa ra các quan điểm phát triển, mục tiêu, chỉ tiêu và khâu đột phá, các cân đối lớn, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại nền kinh tế trong 5 năm tới. Trong đó, xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP.

Về xã hội, đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%, lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với các nhận định trong báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới. Riêng báo cáo về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 và báo cáo về đầu tư trung hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị để lại để trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề hệ trọng của đất nước trong 5 năm tới,Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề hệ trọng của đất nước trong 5 năm tới. Ảnh ST

Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho thấy, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là 256.000 tỷ đồng, nếu so với GDP thực tế thực hiện, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước là 6,11% GDP.

Dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 Quốc hội quyết định đầu năm là 226.000 tỷ đồng, bằng 5,0% GDP. Sau khi được bổ sung 30.000 tỷ đồng giải ngân vốn ODA vượt thêm theo Nghị quyết Quốc hội, bội chi ngân sách Nhà nước điều chỉnh là 256.000 tỷ đồng, bằng 5,71% GDP. Như vậy, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 vẫn nằm trong phạm vi dự toán điều chỉnh.

Điểm sáng trong thu-chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là kết quả vượt thu ngân sách. Dự toán thu ngân sách Nhà nước Quốc hội quyết định là 911.100 tỷ đồng, nhưng kết quả thực hiện đạt tới 996.870 tỷ đồng, tăng 85.770 tỷ đồng, tương đương 9,4% so với dự toán.

Sự phục hồi của thị trường bất động sản là điều kiện quan trọng để các địa phương làm tốt hơn công tác đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất và đẩy mạnh thu hồi tiền nợ đọng từ các dự án bất động sản. Cùng với đó, các cơ quan thuế cũng quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản phát sinh từ hoạt động của nền kinh tế; đồng thời tập trung đôn đốc xử lý nợ đọng thuế và các khoản kiến nghị truy thu qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Nhờ vậy, thu từ nội địa được bảo đảm, bù đắp được khoản hụt thu do giá dầu thế giới giảm mạnh và liên tục duy trì ở mức giá rất thấp.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, năm 2015 có ý nghĩa to lớn và quan trọng vì là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015, cũng là năm tạo nền tảng cơ bản cho giai đoạn tiếp theo (2016-2020). Vì vậy những kết quả đạt được trong thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 cũng có ý nghĩa khép lại kế hoạch ngân sách Nhà nước 5 năm, biểu hiện rõ nét những thành tựu đạt được cũng như những mặt còn hạn chế của chính sách tài khóa trong giai đoạn này, đồng thời cũng thể hiện những xu hướng ở giai đoạn tiếp theo....

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020. Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến các báo cáo quan trọng này.

Hồng Anh (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang