Vaccine Sputnik ngừa Covid-19 của Nga tạo khả năng miễn dịch lâu dài

author 10:37 15/12/2020

(VietQ.vn) - Theo các nhà nghiên cứu của Nga, kết quả thử nghiệm trên quy mô hơn 22.714 người, vaccine Sputnik V hiệu quả 91,4%.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Gamaleya, cơ sở nghiên cứu và phát triển Sputnik V (Nga) cho biết, trong số tình nguyện viên tham gia thử nghiệm ghi nhận 78 trường hợp nhiễm Covid-19, bao gồm 62 người ở nhóm tiêm giả dược và 16 người thuộc nhóm tiêm vaccine.

Thông tin thêm về vụ thử nghiệm lần này, Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Gamaleya cho biết, kết quả mới nhất đã củng cố niềm tin của các chuyên gia về hiệu quả và độ an toàn của vaccine Sputnik V. Đây là lần thứ tư Sputnik được tuyên bố hiệu quả, lần đầu 90%, lần thứ 2 chỉ vài ngày sau đó "sửa lại" là 92%, lần 3 vào cuối tháng 11 hiệu quả 95%.

Vaccine Sputnik V của Nga cho hiệu quả hơn 90% sau thử nghiệm lần 3

"Kết quả Sputnik V đạt được trong thử nghiệm giai đoạn 3 ủng hộ niềm tin của chúng tôi về hiệu quả và tính an toàn của vaccine. Điều này đặc biệt quan trọng, khi chính quyền bắt đầu tiêm chủng quy mô lớn cho cư dân. Tôi tin rằng có thể tiêm chủng cho hầu hết dân số ở Nga vào năm 2021, làm giảm đáng kể quy mô đại dịch và tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài, mạnh mẽ ở một phần dân số Nga", Alexander Gintsburg nói.

Với kết quả mới, Trung tâm Gamaleya sẽ công bố kết quả trên tuần san y khoa được bình duyệt quốc tế. Một báo cáo cũng sẽ được thực hiện để đăng ký khẩn cấp Sputnik V ở các quốc gia khác, theo Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp Nga.

Vaccine Sputnik V được phê duyệt hôm 11/8, trở thành vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới được chấp thuận mặc dù chưa trải qua các giai đoạn thử nghiệm trên người. Ngày 24/11, Nga công bố dữ liệu sơ bộ quá trình thử nghiệm, cho biết Sputnik V có hiệu quả 95%, tương đương với các loại vaccine của phương tây như sản phẩm của Pfizer-BioNTech và Moderna.

Hai liều Sputnik V dự kiến giá dưới 10 USD trên thị trường quốc tế, tiêm miễn phí cho công dân Nga. Nhiệt độ bảo quản vaccine là 2-8 độ C, cao hơn so với một số loại vaccine khác.

Hiệu quả vắc xin Covid-19 của Việt Nam thử nghiệm trên người ra sao?(VietQ.vn) - Theo các nhà nghiên cứu, vắc xin Covid-19 của Việt Nam có thể cho hiệu quả bảo vệ trên 90% và có hiệu lực ít nhất 6 tháng.

Liên quan tới tình hình dịch Covid-19 trên toàn thế giới, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 15/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 73.132.004 ca, trong đó có 1.626.828 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 51.221.101 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 20.282.977 ca và 106.289 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 14/12, thế giới có tới 119 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất thế giới. Đến nay Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 16.902.920 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 307.800 ca tử vong.

Nhằm giảm số ca nhiễm mới gia tăng mạnh trong những ngày qua, ngày 14/12 (giờ Mỹ), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Robert Redfield, đã ký vào bản khuyến nghị của ban tư vấn về việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 do công ty Pfizer và BioNTech hợp tác phát triển.

Theo đó, việc tiêm chủng vaccine sẽ bắt đầu tiến hành với những người từ 16 tuổi trở lên. Khuyến nghị chính thức này của CDC được đưa ra theo quyết định của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về việc cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech.

Việc tiêm phòng vaccine trên được tiến hành sớm nhất trong ngày 14/12 và đây là nỗ lực nhằm bảo vệ người dân Mỹ, giảm tác động của đại dịch COVID-19 và giúp khôi phục lại một số hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày của người dân cũng như nước Mỹ.

Thị trưởng New York Bill de Blasio ngày 14/12 cho biết thành phố này nên được chuẩn bị cho khả năng phong tỏa hoàn toàn và bắt đầu lên kế hoạch cho làm việc từ xa trong bối cảnh tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đứng thứ 2 thế giới, Ấn Độ đến nay đã ghi nhận 9.906.096 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 143.746 ca tử vong. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế nước này, tính đến ngày 14/12, số ca mắc Covid-19 đang điều trị là 352.586 ca - mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua.

Trong khi đó, tại châu Âu, dịch bệnh tại một số nước có chiều hướng gia tăng mạnh trở lại. Đức thông báo chưa thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào đầu năm sau khi số ca mắc mới theo ngày vẫn tiếp tục tăng và chương trình tiêm vaccine vẫn chưa chính thức triển khai.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.407 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên sát 30.550 người.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang