Vạch trần quy trình làm vàng kém chất của gian thương

author 18:06 11/05/2013

(VietQ.vn) - Vàng ít tuổi nhưng được kê khống thành nhiều tuổi, trọng lượng bị bớt xén, độn tạp tất để kiếm lời bất chính, đó là những "chiêu quen" của dân sản xuất, buôn bán vàng.

Vàng độn tạp chất

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam về hiện tượng vàng độn diễn biến phức tạp trên thị trường, ông Vũ Minh Châu - TGĐ Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu khẳng định, kim loại được độn vào vàng chủ yếu là vonfram và một số kim loại nặng khác. Kẻ gian độn Vonfram vào vàng rồi bán ra thị trường với mục đích trục lợi, kiếm lời bất chính vì vonfram là kim loại rẻ nhất trong số các kim loại có thể độn được vào vàng.

Vàng độn tạp chất vẫn thường trực trong nỗi lo của người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Vàng độn tạp chất vẫn thường trực trong nỗi lo của người tiêu dùng.

Theo Viện Hóa học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, volfram còn có tên là Tungsten, ký hiệu là W - là một kim loại có màu trắng xám, nó khá rẻ tiền và khá phổ biến, thường được sử dụng làm dây tóc trong bóng đèn tròn. Sở dĩ khi trộn nó vào vàng thì hợp kim đó có thể “qua mặt” các phương pháp xác định tuổi vàng thông dụng hiện nay.

Theo ông Vũ Minh Châu, hiện một lọ chứa 100g vonfram tinh khiết có giá khoảng 2,4 triệu đồng (tương đương với 100 ngàn đồng một chỉ vonfram). Do đó, khi trộn vonfram với vàng, kẻ gian có thể lấy cắp được 1 tới 3 chỉ trong 1 cây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và người tiêu dùng nếu không may mua phải loại vàng độn này cũng sẽ mất oan số tiền tương tự.

"Hiếm có ngành nào vốn lớn mà tỷ suất lợi nhuận là thấp như ngành vàng, chưa đạt tới 0,03%. Trong khi đó lãi vay ngân hàng lên tới hơn 20%. Thêm vào đó, mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra thấp càng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp teo tóp đi. Trước đây, mức giá chênh lệch dao động từ khoảng từ 1 – 3%/cây. Tỷ suất lợi nhuận thấp lại thêm sự cố vàng độn vonfram đã khiến thị trường vàng lao đao", ông Châu cho biết.

Ông Vũ Minh Châu cho rằng, tình trạng vàng bị độn vonfram đã được kiểm soát và người tiêu dùng hãy yên tâm về các sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh vàng chân chính. Ảnh: N. M
Ông Vũ Minh Châu cho rằng, tình trạng vàng bị độn vonfram đã được kiểm soát và người tiêu dùng hãy yên tâm về các sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh vàng chân chính. Ảnh: N. M

Thực tế, sự cố vàng độn vonfram đã được kiểm soát, không còn doanh nghiệp mua phải vàng độn nữa và họ cũng quản lý chặt chẽ đầu ra nên rủi ro cho khách hàng là rất thấp. Tuy nhiên, không ít người vẫn có tâm lý e dè nên khi có nhu cầu mua vàng, hầu hết các khác hàng đổ xô tới các đại lý, cửa hàng chính hãng của các doanh nghiệp lớn, gây nên tình trạng không đảm bảo an ninh, lộn xộn, quá tải, các đại lý chính hãng quá tải.

Đặc biệt, có những ngày, đại lý phục vụ không kịp phải viết giấy nợ, giấy hẹn khách hàng tới hôm khác. Ngoài ra, có những cửa hàng, đại lý cũng trực thuộc của doanh nghiệp nhưng do tâm lý lo ngại mua phải vàng thiếu tuổi, thiếu cân, vàng giả, động tạp chất nên khách hàng cũng không giao dịch.

Đến thực tế vàng trang sức bị thả nổi

Trong câu chuyện về chất lượng sản phẩm vàng nói chung, thời gian qua người tiêu dùng đã chứng kiến rất nhiều lần doanh nghiệp và cơ sở sản xuất vàng "lừa đảo", cân thiếu trọng lượng, hạ tuổi, độn thêm tạp chất... để kiếm lời bất chính.

Thực tế đó thường diễn ra trên các sản phẩm vàng trang sức, nữa trang vì những sản phẩm như vậy mỗi nơi sản xuất một kiểu, không ai giống ai và cùng rất khó kiểm soát các cơ sở chế tác hoạt động. Với vàng miếng, hiện tượng thiếu trọng lượng, hạ tuổi, độn thêm tạp chất gần như rất hiếm thấy. Điều đó là do các doanh nghiệp lớn về vàng miếng đã hoạt động theo nguyên tắc và tiêu chuẩn được kiểm soát chặt chẽ của nhà nước.

<p style="text-align: justify;">Ông Đinh Nho Bảng cho rằng, có 2 phương pháp thử vàng để biết chất lượng mà doanh nghiệp nên áp dụng là thử tỷ trọng và thử bằng lửa. <br></p><p style="text-align: justify;">Ảnh: N. M</p>

Ông Đinh Nho Bảng cho rằng, có 2 phương pháp thử vàng để biết chất lượng mà doanh nghiệp nên áp dụng là thử tỷ trọng và thử bằng lửa.

Ảnh: N. M

Câu hỏi đặt ra là, tại sao vàng trang sức vẫn chưa được kiểm soát và gần đây hiện tượng gian, giả vàng trang sức diễn biến phức tạp? Theo các chuyên gia Hiệp hội Vàng Việt Nam, khi kinh doanh vàng miếng được quản lý chặt chẽ thì thị trường vàng trang sức là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Thực tế hiện nay, ngoại trừ vàng nguyên liệu 9999 có thể mua bán trên diện rộng, còn các loại vàng 98%, 97%, 96%, 95% hầu như chỉ chấp nhận mua bán ở từng địa phương, thậm chí vàng trang sức 75%, 60%... còn giới hạn trong phạm vi nhỏ là mua ở cửa hàng nào thì bán ở cửa hàng đó vì các cửa hàng thường không công nhận chất lượng sản phẩm của nhau.

Theo ông Nguyễn Đình Linh - Phòng chế tác - Công ty vàng bạc Phú Quý, nếu kinh doanh vàng trang sức chỉ dựa vào chênh lệch giá thì lợi nhuận rất thấp, còn bớt xén trọng lượng thì khó qua mặt được khách hàng nên nhiều cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý đều chọn cách nâng khống tuổi vàng để kiếm lời.

"Chỉ cần nâng khống độ tuổi lên 0,5% thôi thì người tiêu dùng đã bị móc túi vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn người mua vàng trang sức để sử dụng hoặc tặng nhau, thường phải rất lâu sau mới đem bán nên khó phát hiện việc gian lận tuổi vàng của các doanh nghiệp. Với 1 đơn vị chế tác vàng cho dù là bé nhưng không khó để mang chế tác sản phẩm vàng mang độ tinh xảo tương đối và ẩn sau đó là tuổi vàng mà người dân không nhận ra được. Việc làm đó mang lại lợi nhuận rất cao lãi 3 mà thành lãi 7, chỉ cần thao tác đơn giản là thêm tạp chất nhỏ trong thành phẩm vàng đó", ông Nguyễn Đình Linh nói.

Hiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đang phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, không theo chuẩn bắt buộc là các sản phẩm phải đạt hàm lượng vàng bắt buộc là 14k, 18k, 22k, 24k, trong khi, vàng trang sức, mỹ nghệ rất đa dạng mẫu mã, kiểu dáng. Do vậy, bằng cách áp dụng phương pháp đo lường khác nhau, các doanh nghiệp rất dễ lợi dụng để trục lợi.

Theo ông Đinh Nho Bảng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam cho biết, hiện chỉ có 2 phương pháp thử mà doanh nghiệp áp dụng là thử tỷ trọng và thử bằng lửa. Phương pháp thử tỷ trọng chủ yếu phụ thuộc độ chính xác của cân, còn phương pháp nhiệt phân thì phá hủy mẫu, có thể hao hụt tuổi vàng. Vì vậy có thể giải thích nguyên nhân tại sao xuất hiện vàng nhái khi chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC.

"Trước đây chúng ta có 8 thương hiệu vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép có đăng ký, có mẫu mã, có đăng ký với cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Nhưng khi SJC độc quyền thì khi kiểm định phi SJC có những vàng không đủ chất lượng vì nghi ngờ chất lượng kiểm định trước đây của từng doanh nghiệp, có thể là do chất lượng, có thể là do máy móc vì máy móc của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Đáng lẽ ra trong khoảng 3 - 6 tháng máy móc phải được kiểm tra chuẩn 1 lần", ông Bảng cho biết thêm.

Áp chuẩn  quốc tế cho vàng

Đến thời điểm này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành được 8 tiêu chuẩn về chất lượng, trong đó 1 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật xác định tuổi vàng và 7 tiêu chuẩn về phương pháp đánh giá chất lượng vàng. Tuy nhiên, Nghị định 174 năm 1999 của Chính phủ về hoạt động kinh doanh vàng trang sức lại trao quyền cho doanh nghiệp tự nguyện áp dụng. Chính vì thế, việc quản lý các đơn vị kinh doanh vàng bạc nhỏ lẻ vần như bị thả nổi.

Ông Trần Văn Vinh cho biết, sắp tới đây khi thông tư mới được ban hành, vàng sẽ đạt chuẩn không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Ảnh: N. M<br>
Ông Trần Văn Vinh cho biết, sắp tới đây khi thông tư mới được ban hành, vàng sẽ đạt chuẩn không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Ảnh: N. M

Hiện cũng chưa có thống kê nào về các cơ sở nhập khẩu, phân phối và chế tác vàng trong cả nước là bao nhiêu. Con số ước lượng của Hiệp hội Vàng Việt Nam về các cơ sở vào khoảng vài chục ngàn và tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh...

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Nghị định 24 của Chính phủ thay thế Nghị định 174 về quản lý thị trường vàng, trong đó có vàng trang sức sẽ lập lại trật tự trong kinh doanh vàng. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm ban hành quy chế thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

"Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Thông tư quy định quản lý, đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng, quy định xác định được cách thức phương pháp, đánh giá tuổi vàng. Các máy móc, thiết bị xác định tuổi vàng phải được kết nối với chuẩn quốc gia và chuẩn quốc gia đó phải kết nối với chuẩn quốc tế. Trên cơ sở thống nhất như vậy, các kết quả sẽ được đơn vị tổ chức chấp nhận khi nhà nước chỉ định đơn vị đó đánh giá chất lượng vàng", ông Trần Văn Vinh nói.

Hiện dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến rộng rãi để tiếp thu, chỉnh sửa phù hợp với tình hình thực tế và sẽ ban hành trong thời gian tới. Đối với người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng và Hiệp hội Vàng Việt Nam cho rằng, khi có nhu cầu mua và sử dụng vàng, người dân nên tới các điểm bán, kinh doanh vàng lớn, có uy tín, chất lượng phục vụ tốt. Không nên tới các điểm bày bán, kinh doanh vàng nhỏ lẻ để mua vì rất dễ mua phải vàng kém chất lượng.

Để phân biệt vàng độn, có 6 cách, bao gồm: cán mỏng vàng, xét cơ tính, xì chảy điểm, nấu chảy bằng nối gốm hoặc Graphit, phân kim để tính hàm lượng và cài đặt phần mềm để nhận biết vonfram cũng như một số kim loại nặng khác cho máy phổ kế huỳnh quang tia X.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang