Vải thiều đang được giá

author 08:56 17/06/2015

Nông dân vùng vải thiều đang phấn khởi do giá vải cao hơn năm trước khoảng 10-15%. Tuy nhiên, những diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn cao (GlobalGAP), bà con đang thấp thỏm, chờ các doanh nghiệp đến lấy hàng xuất đi Mỹ, Úc và các thị trường khó tính.

Giá vải thiều năm nay tăng khoảng 10-15% so cùng thời điểm năm ngoái. 

Đến lúc nông dân “ép giá”

Thời điểm này thủ phủ vải thiều - huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang ngập một màu đỏ của vải thiều đang vào độ chín. Dọc hai bên đường san sát những chiếc xe container chờ “ăn” hàng. Hai đoạn đường tại khu vực thị trấn Chũ và xã Hồng Giang, tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên. Tại các điểm thu mua ở thị trấn Chũ, giá vải thiều ở mức 18.000-20.000 đồng/kg, loại vải đẹp tới 26.000-28.000 đồng/kg. Theo các thương nhân, giá vải thiều năm nay cao hơn khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hoàng Đình Năm (Nghĩa Hồ, Lục Ngạn) cho biết, năm nay vải tiêu thụ thuận lợi. Người dân không còn bị ép giá như trước đây. Ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang (Lục Ngạn) lạc quan: “Cứ tiêu thụ như năm nay thì nông dân đang có cơ hội ép giá trở lại với thương nhân”.

Tại huyện Lục Ngạn, có hơn 1.000 điểm thu mua vải thiều, trong đó điểm thu mua lớn (từ 8 tấn/ngày trở lên) có hơn 400 điểm. Theo lãnh đạo huyện Lục Ngạn, năm nay, thương nhân Trung Quốc sang đặt tại các điểm thu mua nhiều hơn năm ngoái, khoảng 200 người.

Từ đầu vụ đến nay, lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 30.000 tấn, qua hai cửa khẩu chính là Lào Cai và Tân Thanh (Lạng Sơn). Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Kiểm dịch thực vật vùng VII (thuộc Cục BVTV) cho biết, vải xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh rải rác khoảng nửa tháng nay.

Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, lượng vải lên Tân Thanh tăng đột biến, khoảng 2.000-2.500 tấn/ngày. Theo bà Hà, khác với dưa hấu lên một lúc quá nhiều xe khiến ùn ứ, vải thường được đóng gọn trong thùng xốp có đá lạnh,việc thông quan cũng dễ dàng hơn. Lượng vải đưa lên đến đâu thông quan hết đến đó.

Tại thị trường nội địa, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng tích cực tiêu thụ vải thiều như siêu thị Big C (khoảng 10 tấn/ngày), hệ thống siêu thị Co.opMart (khoảng 20 tấn/ngày).... với giá khoảng 18.000-24.000 đồng/kg. Hãng hàng không Việt Nam Airlines cũng đã ký hợp đồng với huyện Lục Ngạn, mua khoảng 1 tấn vải thiều/ngày dùng trên các chuyến bay.

Vải “xịn” chờ tín hiệu từ Úc, Mỹ

Thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) là thôn có 5/6 nhóm hộ gia đình đang sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap với sản lượng ước tính khoảng 600 tấn. Tuy nhiên, lượng vải thiều xuất khẩu theo đường “chính ngạch” mới được khoảng hơn chục tấn, chưa thấm gì so với sản lượng vải thiều của thôn.

Ông Giáp Văn Vang, trưởng thôn Kép 1 cho biết, người dân hiện vẫn chờ  vải thiều đi Mỹ. Đến nay chưa có đơn vị nào “đặt hàng” với số lượng lớn. Trong khi đó, vải thiều bắt đầu chính vụ, thời vụ chỉ kéo dài khoảng 20-30 ngày. Do sốt ruột, nên nhiều người dân sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP phải hái bán cho các thương nhân theo giá thị trường.

Ông Giáp Văn Thành, một hộ dân trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGap cho biết: “Để sản xuất theo tiêu chuẩn này, nông dân phải từ bỏ thói quen chăm sóc cũ, dọn dẹp vườn tược, ghi chép cẩn thận... Tuy nhiên, đến nay, việc tiêu thụ phải chờ cơ may từ phía các công ty thu mua, xuất khẩu vải thiều. “Nếu 2 tuần nữa không có đơn vị nào mua vải để xuất đi Mỹ, chúng tôi phải bán theo phương thức cũ. Tuy nhiên, với giá bán như hiện nay, chúng tôi có thể hài lòng”.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng BVTV cho biết, đến nay 3 container vải thiều đi Mỹ và 3 container đi Úc bằng đường máy bay đã sang tới nơi. Các lô hàng trên đều đáp ứng các điều kiện khắt khe về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. “Những lô hàng đầu tiên, doanh nghiệp đang hoạch toán, nên mức giá chưa được công bố cụ thể”- ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, Mỹ và Úc là hai nước có yêu về mặt tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới. Việc những lô vải Việt Nam vào được hai thị trường lớn này chứng tỏ nông dân trồng vải của Việt Nam đã thực hiện tốt các yêu cầu về mặt kỹ thuật sản xuất.

Theo ông Trung, vải đi Mỹ, Úc phải qua chiếu xạ. Trong khi cả nước chỉ có hai đơn vị chiếu xạ (Cty CP cổ phần Chiếu xạ An Phú và Cty CP Chế biến thủy sản Sơn Sơn) đều nằm ở phía Nam, nên việc vận chuyển sẽ gặp khó khăn.

Ông Trung cho biết, hai Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và KH&CN đã phối hợp, chỉ đạo đầu tư nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia tại Hà Nội. Hiện Trung tâm chiếu xạ này đang trong quá trình nâng cấp trang thiết bị, xây dựng kho lạnh theo tiêu chuẩn của Mỹ, Úc. Dự kiến cuối năm nay, Trung tâm sẽ hoàn tất, phục vụ cho mua vải năm tới.

“Năm đầu tiên xuất vải sang thị trường khắt khe Mỹ, Úc chúng ta không đặt vấn đề xuất được nhiều hay ít. Quan trọng hơn, đây là cơ sở để chúng ta tiếp tục xúc tiến, mở rộng thêm những thị trường khác”. Phó cục trưởng BVTV Hoàng Trung

Theo Tiền phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang