Vải thiều ngập chợ giá bèo: Lên phương án giải cứu gấp

author 09:35 17/06/2014

(VietQ.vn) – Vải thiều đẩy mạnh “Nam tiến”, lấp khoảng trống thị trường các tỉnh phía miền Trung và miền Nam, các tỉnh vùng xâu, vùng xa.

Vải thiều giá bèo ngập chợ

Vải thiều giá bèo ngập chợ. Ảnh minh họa

Đây là giải pháp “chữa cháy” của liên bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi mùa vải phía Bắc vào vụ thu hoạch rầm rộ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hành động này là nỗ lực của cơ quan chức năng, giúp đỡ, hỗ trợ người dân bao tiêu, định hướng thị trường nhưng ở thế “mất bò mới lo làm chuồng”. Và lẽ ra, điều này đã phải được bàn từ khi quả vải còn xanh vỏ trên cây.

Hiện nay, theo ghi nhận của PV, đâu đâu trên thị trường Hà Nội cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh quả vải mọng đỏ. Khác với các năm trước, vải thường bị sâu đầu, năm nay, gần như chẳng thấy hiện tượng như vậy vì người nông dân đã chuyên nghiệp hơn khi trồng vải.

Trồng vải giờ cũng áp dụng nhiều phương pháp canh tác theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, HACCP ... Vải cho thu hoạch quả sáng, mầu sắc đẹp, mọng, nước ngọt, không bị sâu bệnh.

Mặc dù chất lượng quả vải được cải thiện, đầu tư của người dân về phân bón, tưới tiêu cũng rất lớn trong khi giá phân bón và điện nước tăng cao, nhưng năm nay, được mùa vải, người trồng lại “méo mặt” vì giá.

Giá một cân vải thiều hiện ở mức chỉ từ 10 – 12 ngàn đồng/kg, loại ngon. Loại kém hơn, giá có thể chỉ 8 – 9 ngàn đồng/kg. Những chùm vải thường kết bó to, khoảng 2 – 3 kg, giá từ 20 – 35 ngàn đồng/bó.

Ghi nhận trên thị trường các tỉnh phía Bắc, hiện vải của các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên đang vào mùa thu hoạch rộ. Hàng ngày có hàng trăm tấn vải từ các địa phương này chở đi các địa phương lân cận thuộc các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ.

Chị Thanh Mai ở Yên Dũng – Bắc Giang cho biết, hàng ngày, gia đình chỏ xe 5 tạ đi bán, từ sáng tới trưa là hết một xe. “Với tiền xăng và tiện công xá và giá vải như hiện tại, một xe vải 5 tạ chắc chỉ lãi được khoảng 1 triệu đồng. Không bán cũng không được vì để lâu vải sẽ hỏng. Năm nay thương lái Trung Quốc gần như mua rất ít”, chị Mai cho biết.

Theo thông tin từ cuộc họp “Hội nghị vùng Đông – Tây Nam bộ về tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2014” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức chiều qua (16/6) nhằm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tại thị trường trong nước, vải thiều chủ yếu trồng ở Hải Dương và Bắc Giang. Năm 2014, tổng diện tích trồng vải thiều tại hai địa phương này khoảng 43.000 ha, tăng 2,3% so với năm 2013, sản lượng ước đạt 190.000 tấn quả tươi, tăng 13,6%. Trong đó, 60% sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước, 40% xuất sang thị trường Trung Quốc, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Singapore…

Theo ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, thị trường phía Nam tiêu thụ 1/2 tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ nội địa của tỉnh này. Cao điểm có ngày có khoảng 200 xe container chở vải thiều từ Bắc Giang vào chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM). Tuy nhiên, do vải khó bảo quản, chi phí vận chuyển, bến bãi cao khiến giá vải thiều đến tay người tiêu dùng phía nam cao.

Vải thiều áp dụng quy trình tiên tiến, theo tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh minh họa

Còn theo ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương hiện nay mới đầu vụ nhưng việc tiêu thụ vải thiều có dấu hiệu khó khăn hơn năm 2013. Giá bán chỉ bằng 50% cùng kỳ năm trước, dao động từ 5.000 - 12.000 đồng/kg.

Giải pháp đưa ra là, địa phương sẽ thực hiện kết nối các doanh nghiệp trong Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, phân phối, chế biến nông sản, Hợp tác xã chợ, Ban Quản lý chợ, công ty kinh doanh chợ đầu mối tiêu thụ nông sản.

Về dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình: Nghiên cứu đổi mới phương thức kinh doanh nông sản; đàm phán song phương và đa phương để tiếp tục mở rộng thị trường thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Khu vực Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), Hiệp định Thương mại tự do – Liên minh Hải quan gồm 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan... Rồi xúc tiến thành lập các văn phòng đại diện, văn phòng xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản…

Tại Hội nghị, ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nếu thị trường trong nước không làm "chỗ dựa" cho nhà nông thì kênh phân phối trên sân nhà của chúng ta đang có vấn đề nghiêm trọng.

Một bài toán đặt ra lúc này là khâu bảo quản sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm vải nói riêng còn rất yếu kém, trong khi quả vải lại rất dễ hư hỏng và sụt giảm phẩm chất nếu không bảo quản tốt. Đây được xem là nút thắt khiến cho việc xuất khẩu, tiêu thụ vải hết sức khó khăn.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, thị trường nội địa có tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành nông sản nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác triệt để. Với việc xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh phía Nam là một bước đi nhằm chủ động đầu ra đối với mặt hàng nông sản này.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các siêu thị, DN bán lẻ Việt Nam và FDI, các DN sản xuất, thu mua, phân phối, chế biến nông sản…, hợp tác xã chợ, Ban quản lý chợ, công ty kinh doanh chợ đầu mối tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh vùng Đông - Tây Nam Bộ nghiên cứu giải pháp, tăng cường kết nối nhằm đưa vải thiều vào hệ thống thương mại của TP.HCM.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang