Vải thiều 'tiêu chuẩn quốc tế' không đủ phục vụ xuất khẩu

author 10:50 06/06/2020

(VietQ.vn) - Sản lượng vải thiều thuộc vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế của Hải Dương hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, từ đầu mùa vải đến nay, việc tiêu thụ vải quả diễn ra rất thuận lợi, tiếp tục có thêm nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề thu mua vải thiều với khối lượng lớn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Đơn cử như Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Tp. Hồ Chí Minh) đang có nhu cầu mua khoảng 100 tấn vải thiều, Công ty chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà (Hải Dương) đăng ký mua 300 tấn… Các doanh nghiệp cho biết sẵn sàng thu mua với giá 30.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, sản lượng vải thiều thuộc vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế của Hải Dương hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.

Vải thiều "tiêu chuẩn quốc tế" không đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu.  

Theo kế hoạch 1010/KH-UBND ngày 31/3/2020 của tỉnh Hải Dương về mở rộng vùng sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản năm 2020, niên vụ vải năm nay, Hải Dương có 170ha sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn Global GAP phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, Mỹ, Australia và các thị trường cao cấp với sản lượng trên 1.000 tấn. 

Tuy vậy, đến đầu tháng 6, sản lượng vải thiều trong vùng tiêu chuẩn này chỉ còn khoảng 200 tấn, thấp hơn nhiều so với nhu cầu mua để xuất khẩu của các doanh nghiệp. Diện tích vải này tập trung tại hai xã Thanh Thủy và Thanh Xá (huyện Thanh Hà).

Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã đến với Hải Dương để đặt vấn đề thu mua vải xuất khẩu.

Mới đây, chuyến vải đầu tiên đi bằng đường biển của Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đã cập cảng Singapore và vượt qua các khâu kiểm tra chất lượng, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe về kiểm dịch thực vật của nước này.

Vùng vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế của Hải Dương cũng đã sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Để lo “đầu ra” cho quả vải năm 2020, ngày từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã tích cực kết nối, làm việc với nhiều Công ty xuất khẩu nông sản trong và ngoài tỉnh.

Qua đó, ngành vừa thông tin những chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, vừa tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và tư vấn lựa chọn vùng trồng, bàn phương án hợp tác trong giám sát vùng nguyên liệu.

So với những mùa vải trước, năm nay, tiêu thụ vải của Hải Dương có một số thuận lợi. Tỉnh đã thu hút được một doanh nghiệp đầu tư nhà máy sơ chế, đóng gói tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà - trung tâm của vùng nguyên liệu. Nhà máy này đã đi vào hoạt động ngay từ đầu vụ và mỗi ngày sơ chế, bảo quản lạnh, đóng gói khoảng 6 tấn vải.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận cho một cơ sở tại Hải Dương đạt chuẩn để xử lý, xông methybromide cho quả vải xuất khẩu đi Nhật Bản.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát vùng vải xuất khẩu và đăng ký thu mua. Điển hình như Công ty cổ phần Ameii Việt Nam ký hợp đồng bao tiêu sản lượng khoảng 250 tấn vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore, Canada...; Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ đăng ký mua 150 tấn xuất khẩu sang Mỹ, Australia, EU, khu vực Trung Đông…

Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị trong nước đã thông qua các hợp tác xã để thu mua vải bán tại các siêu thị; các doanh nghiệp và thương lái thu mua vải xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, từ đầu vụ vải đến nay, sản lượng và giá bán vải tươi của Hải Dương cao và ổn định. Giá vải đầu vụ đạt từ 50.000 - 60.000 đồng/kg và sau đó giữa vụ dao động khoảng 30.000 đồng/kg, cao hơn giá bán cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Nhiều gia đình trong vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế năm nay có doanh thu cao gấp đôi so với những năm trước.

Tỉnh Hải Dương có gần 10.000ha vải, tập trung ở huyện Thanh Hà với khoảng 3.600ha và thành phố Chí Linh với 3.900ha. Ước tính tổng sản lượng vải quả năm 2020 của tỉnh đạt khoảng 45.000 tấn phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Tại những vùng sản xuất tập trung, nông dân đều được đào tạo, tập huấn, thực hành sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và Global GAP, tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU…

Chuyên gia Nhật giám sát chặt chẽ chất lượng vải thiều xuất khẩu của Việt Nam(VietQ.vn) - Một đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản.

Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang