Thách thức của truyền thông trong phát triển điện hạt nhân

author 14:07 10/12/2014

(VietQ.vn) - Mới đây, Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) phối hợp với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo “Cơ hội và thách thức trong thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân”, qua đó chỉ rõ xu hướng chấp nhận của công chúng đối với lĩnh vực này.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Lĩnh vực điện hạt nhân đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tính đến nay, Trên toàn thế giới có 436 nhà máy hoạt động, 71 nhà máy đang xây dựng và chuẩn bị hoạt động. Ở Việt Nam, lĩnh vực điện hạt nhân đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm đầu tư cả về chính sách và ngân sách.

Một trong các vấn đề phát triển cơ sở năng lượng hạt nhân là sự tham gia của các bên liên quan (tới việc quyết định dự án, những chương trình hạt nhân của mỗi quốc gia) và xu hướng chấp nhận của công chúng đối với các dự án nhà máy điện hạt nhân.

Tại Hội thảo, bà Brenda Pagannone, Chuyên gia Năng lượng phòng điện hạt nhân, IAEA cho biết: “Sự tham gia của các bên liên quan vào dự án hạt nhân cần phải có sự minh bạch, cởi mở. Bên cạnh đó, để nhận được sự đồng thuận và thái độ tích cực của công chúng, công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò rất lớn.”

Thách thức của truyền thông trong phát triển điện hạt nhân

Phát triển điện hạt nhân không thể thiếu trụ cột về thông tin và tuyên truyền. Ảnh H.G

Thái độ của công chúng là một thách thức lớn với các nước bắt đầu quan tâm đến dự án điện hạt nhân trên thế giới. Ở Việt Nam, lĩnh vực này còn rất mới mẻ, gặp nhiều khó khăn, vì vậy, công tác truyền thông cũng sẽ phải đối mặt với thách thức này.

Bà Pagannoe cho biết thêm: Trên thế giới hiện nay, công chúng ngày càng có nhiều kiến thức, quan tâm hơn tới lĩnh vực năng lượng điện hạt nhân. Vì vậy, ở Việt Nam cần xây dựng các chiến lược truyền thông, thông tin tới công chúng để tạo niềm tin cho công chúng về sự cần thiết và mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Nếu công chúng không có thái độ tích cực, các dự án sẽ không thể phát triển được”.

Theo kết quả khảo sát mới đây của IAEA, ở Mỹ, 90% công chúng có xu hướng ủng hộ đa dạng hóa năng lượng. 63% ủng hô sử dụng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, chỉ có 25% người dân tin vào mức độ an toàn của năng lượng hạt nhân tới môi trường, có nghĩa là các nhà máy điện hạt nhân khi vận hành sẽ không tạo ra hiệu ứng nhà kính.

Trung Quốc cũng là quốc gia đang phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này với rất nhiều nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng. Mặc dù Trung Quốc luôn cố gắng minh bạch về mức độ an toàn khi vận hành các nhà máy, có báo cáo hàng năm về mức độ ảnh hưởng của năng lượng hạt nhân tới môi trường. Tuy nhiên, nước này vẫn gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân.

Từ những ví dụ trên, bà Pagannoe khẳng định: “Truyền thông, thông tin có vai trò vô cùng quan trọng, tác động mạnh mẽ tới thái độ của công chúng với các dự án năng lượng hạt nhân”.

Theo đó, những chiến lược truyền thông tới công chúng phải thay đổi liên tục hàng năm để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người dân. Các kênh thông tin đại chúng phải đưa thông tin chính xác về tiến độ, cách thức vận hành, kết quả cần đạt được của một dự án năng lượng hạt nhân. Truyền thông phải giúp các cơ quan Chính phủ hiểu đầy đủ, sâu sắc, đồng thời cung cấp thông tin tới công chúng, để công chúng có thái độ tích cực đối với các dự án này.

Trong quá trình tuyên truyền tới công chúng, các cơ quan truyền thông cần lưu ý tới việc thông tin 2 chiều, có nghĩa là vừa cung cấp thông tin cho công chúng, vừa phải thu thập các ý kiến đóng góp, phản hồi của công chúng. Có như vậy, việc tuyên truyền mới hiệu quả cao.

Hương Giang

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang