Ván bài lật ngửa của Trung Quốc trên biển Đông

author 07:29 17/07/2014

Trung Quốc (TQ) đang muốn mở rộng lãnh hải, mặc kệ các nước nhỏ, là nội dung bài viết của ông Pinak Ranjan Chakravarty, một cựu Bộ trưởng Ấn Độ, đăng trên nhật báo Daily Telegraph ở Ấn vào sáng 15.7. Đến tối thì TQ dịch chuyển giàn khoan Haiyang Shiyou 981 về gần đảo Hải Nam thuộc TQ

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Giàn khoan  "đóng mộc" tuyên bố đòi chủ quyền
"Đó là sự khẳng định tham vọng độc chiếm biển Đông, bất chấp cuộc tranh chấp đòi chủ quyền của Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Nhật Bản.

Haiyang Shiyou 981 được đưa vào vùng biển ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, do TQ chiếm, sau cuộc chiến năm 1974 với quân đội Việt Nam Cộng hòa.  

Năm 2000, Việt Nam và TQ đồng ý về một đường biên giới biển chung ở Vịnh Bắc Bộ, nhưng đến nay vẫn chưa thể nhất trí về biên giới biển này, chủ yếu do tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Mưu đồ của Trung Quốc trên biển đông ngày càng rõ

Hành động đơn phương của TQ còn kèm việc TQ đổ trách nhiệm Việt Nam cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của TQ. Nhưng việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vốn tốn 320.000 USD/ngày để “cắm” nó trong lãnh hải Việt Nam vẫn chưa thể đào được dầu ở khu vực trên.

Tập đoàn dầu khí Nhà nước TQ (CNOOC) khi hạ đặt giàn khoan đã nghĩ đến viễn cảnh tìm được dầu khí, nhưng quyết định hạ đặt giàn khoan dứt khoát không chỉ vì viễn cảnh có dầu khí. Mà là một quyết định vì những lý do địa - chính trị:

TQ muốn “đóng dấu mộc” về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và tăng cường tính pháp lý cho tuyên bố ấy bằng một cơ sở vật chất tại chỗ “trong lãnh hải TQ”.

TQ cũng triển khai nhiều tàu bè và máy bay để bảo vệ giàn khoan. Dù chưa có tiếng súng, Việt Nam đã cung cấp được những đoạn phim video chứng minh tàu TQ đâm va tàu Việt Nam, dùng vòi rồng xịt nước để dọa nạt cảnh sát biển Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. May mắn là chưa có ca tử vong nào.  

Trước đó, các kỹ thuật viên TQ đã khoan thăm dò suốt hơn 2 tháng qua, trong khi lực lượng cảnh giác Việt Nam giám sát hiện trường thật kỹ.

Nếu đào được dầu, làm sao chở về TQ?
Mùa bão sẽ bắt đầu trong vài tháng nữa, nên đến tháng 8 hoặc 9 tới, sẽ phải đưa giàn khoan về nước. 
Nhưng TQ chưa giảm tham vọng, vì họ đã đưa giàn khoan mới Namhai Shiyou ra biển, mà theo nhận định của các chuyên gia, giàn khoan này có thể dựng cạnh Haiyang Shiyou, hoặc đưa sâu xuống phía đông nam biển Đông, một vị trí nhiều hứa hẹn về dầu mỏ, gần vùng nước nông giữa Philippines với hàng chục đảo nhỏ và bãi cạn tạo thành quần đảo Trường Sa.
Chính phủ Philippines đã cho phép công ty Philex Petroleum của nước họ khoan thăm dò ở vùng biển cạn này từ năm 2015.

Trong khi đó, vùng biển Việt Nam, nơi hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 và cũng là nơi mà hãng Exxon-Mobil đã có vài phát hiện đáng khuyến khích về dầu khí, nằm phía trên vùng Khánh Hòa, nơi được xem là vị trí nhiều hứa hẹn thứ nhì Đông Nam Á trong việc tìm nguồn dầu khí mới.

Việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là cách để TQ chiếm đoạt các nguồn tài nguyên ngoài khơi này, bất chấp sự phản đối của các nước nhỏ gồm Việt Nam.

Nhưng dù TQ có tìm được một số lượng dầu khí có thể kinh doanh được, vẫn chưa thể rõ làm sao họ chở chúng về TQ nếu Việt Nam tiếp tục phản đối ?

TQ Không thể chia rẽ ASEAN
Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam là một thành viên, từ năm 1992 đã bày tỏ sự lo ngại về những hành động đơn phương của TQ. Sau đó, TQ liên tục tìm cách chia rẽ ASEAN.

Năm 2012, TQ thành công trong việc tạo ra chia rẽ ở khối này, bằng cách chiếm bãi cạn Scarborough thuộc EEZ của Philippines, và CNOOC tuyên bố bán quả thầu khai thác dầu trong EEZ của Việt Nam.

Khi Philippines và Việt Nam đề nghị ASEAN ra tuyên bố chung  về đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau, Campuchia phủ quyết và nghiêng về sức mạnh kinh tế và khả năng hối lộ của TQ.

Tuy nhiên, ASEAN 2014 ra tuyên bố đặc biệt, phê phán các diễn biến ở biển Đông. Từ cuộc tranh chấp này, TQ không thể thành công trong việc ép ASEAN đồng ý Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông vốn tạo nhiều thuận lợi cho TQ.

Việt Nam không thể đối đầu với TQ về quân sự, đã đề nghị nói chuyện về vấn đề này, yêu cầu Bắc Kinh đối thoại. Nhưng TQ ra điều kiện rằng sẽ chỉ thương lượng, nếu Việt Nam công nhận chủ quyền vùng biển mà TQ đã hạ đặt giàn khoan Haiyang Shizou 981 cùng triển khai đoàn tàu bảo vệ.

TQ còn đưa đặc sứ Dương Khiết Trì (cựu Ngoại trưởng TQ) đến Hà Nội nói chuyện ngày 18.6. Ông Dương cũng là người chủ trì các cuộc họp hàng năm của Ủy ban hợp tác Việt-Trung. Cũng tại một cuộc họp ASEAN vài năm trước, ông nổi nóng nhắc nhở rằng “TQ là một nước lớn, quý vị là các nước nhỏ, và đó là thực tế”.

Rõ ràng, các cuộc đối thoại Việt - Trung lâm bế tắc, điều phản ánh qua hệ thống truyền thông hai nước. Ông Dương cảnh cáo Việt Nam chớ cản trở việc TQ triển khai giàn khoan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu TQ rút giàn khoan.

Các chuyên gia Việt - Trung cũng có những bài viết thách nhau giải thích công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một tài liệu mà TQ đơn phương nói là sự công nhận chủ quyền của TQ. Dĩ nhiên, các chuyên gia Việt Nam phản bác tuyên bố này.

Bị bất ngờ trước hành động của TQ, Việt Nam đang xem xét khả năng một mình kiện TQ ra Tòa án quốc tế The Hague, hoặc là phối hợp với Philippines.

Điều này chắc chắn khiến TQ phẫn nộ, do Bắc Kinh đòi chỉ thương lượng song phương để giải quyết bất đồng, theo kiểu “cắt từng lát xúc xích”.
Tuyên bố mạnh mẽ của lãnh đạo Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói Việt Nam cùng Philippines quyết tâm phản đối việc TQ vi phạm lãnh hải Việt Nam, và ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục mạnh mẽ lên án TQ, yêu cầu TQ chấm dứt lập tức các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ VN.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ trích TQ tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (ở Manila). Ông cảnh báo một cuộc xung đột vũ trang ở biển Đông, một tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới, có thể xảy ra, “thậm chí nó có thể làm đảo ngược hướng kinh tế toàn cầu đang phục hồi”.

Ông Nguyễn Tấn Dũng còn nói “hành động của TQ trực tiếp đe dọa nền hòa bình, sự ổn định, an ninh hàng hải và tự do lưu thông hàng hải - hàng không ở biển Đông”.  

Cuộc tranh chấp này khiến Mỹ lên án TQ “có những hành động đơn phương”. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gởi sự phản đối của Mỹ đến tận ông Fang Fenghui, tổng tham mưu trưởng quân đội TQ.

Ấn Độ cũng tỏ bày sự quan ngại về cuộc tranh chấp, nhấn mạnh việc cần duy trì sự tự do lưu thông hàng hải ở vùng biển tranh chấp. Cả Mỹ và Ấn Độ không nghiêng hẳn về một bên nào.

Nhưng TQ phản ứng thô bạo, rằng phần còn lại của thế giới chớ can thiệp vào chuyện chủ quyền của TQ, vì các hành động của TQ là “ở biển nhà”.
Liệu có tránh được một cuộc chiến tranh?  

Việt Nam đã chọn thái độ mềm mỏng với TQ, không làm gì để khiêu khích TQ. Việt Nam giữ im lặng khi Philippines kiện TQ ra Tòa án quốc thế The Hague hồi năm ngoái.

Vậy tại sao TQ quyết định khiêu khích Việt Nam vào lúc này, chấp nhận làm gãy mối quan hệ ổn định lâu nay với Việt Nam?

Xem ra đó là một nước cờ được tính toán kỹ, nhằm độc chiếm biển Đông và thăm dò ý chí của Việt Nam và ASEAN cùng phản ứng của cộng đồng quốc tế.  

Việc muốn độc chiếm biển Đông cũng nhằm đáp ứng cơn khát tài nguyên năng lượng, nhất là dầu khí, khi nền kinh tế TQ đang tăng trưởng nóng.

Thời điểm TQ gây sự đã được chọn cẩn thận, sau chuyến thăm châu Á gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhằm tái khẳng định chủ trương “xoay trục về châu Á”.

Mỹ đã có những thỏa thuận liên minh với Nhật và Philippines, nhưng Việt Nam không có mối quan hệ này, nên TQ chọn thử thách Việt Nam hơn là chọn các đối tác an ninh của Mỹ.

Việc này cũng nhằm củng cố nhận định của TQ rằng Mỹ sẽ tiếp tục giữ thái độ trung lập trong các vụ tranh chấp chủ quyền, việc Mỹ chỉ nhấn mạnh vào vấn đề tự do lưu thông hàng hải và sẽ không can thiệp nếu Việt Nam bị TQ bắt nạt.

Nhận định này của TQ đã xa rời khỏi tuyên bố TQ trỗi dậy một cách hòa bình” trước đây, chỉ càng làm rõ thêm rằng TQ đang ngày càng trở nên hung hăng trong việc tranh chấp với các quốc gia lân cận.

Các hành động này nhằm tạo ra nỗi nghi ngờ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, buộc các nước phải liên kết đề phòng hành vi nguy hiểm hung hăng của TQ, mà nếu tính toán sai thì có thể xảy ra chuyện xung đột, bắn nhau.

Vì thế, cuộc tìm kiếm một cơ cấu an ninh ổn định cho châu Á vẫn còn một con đường dài gian khổ trước mặt”.
Theo Motthegioi
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang