Vấn nạn hàng giả, hàng nhái làm giảm uy tín của doanh nghiệp, gây mất niềm tin người tiêu dùng

author 19:30 02/01/2019

(VietQ.vn) - Theo Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội, năm 2019 dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn biến phức tạp.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong năm 2018, Cục đã kiểm tra 9.245 vụ, xử lý 8.699 vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại... với số tiền là 125,279 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính 55,427 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu là 25,311 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy, chuyển đổi mục đích hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm là 44,541 tỷ đồng. Có 14 vụ đã chuyển hồ sơ sang công an khởi tố.

Cụ thể, có thể kể ra: Trong công tác chống buôn bán hàng cấm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 144 vụ, phạt hành chính 1,251 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 3,507 tỷ đồng.

Công tác chống buôn bán hàng nhập lậu đã kiểm tra, xử lý 1.733 vụ, phạt hành chính 13,743 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 33,849 tỷ đồng.

Đối với công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, trong năm qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 1.535 vụ, phạt hành chính 14,481 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm là 14,001 tỷ đồng.

Nói về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong báo cáo Kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 do ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội ký chỉ rõ, những mặt hàng đó đang làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính trên địa bàn thành phố Hà Nội - những đối tượng chịu thiệt thòi nhất về kinh tế do nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. 

Hơn nữa, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn làm giảm uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, gây mất lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, mất động lực sáng tạo về trí tuệ của doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, hàng  giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố (thất thu ngân sách), ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.

Nầm lợn mốc xanh mốc đỏ nhập lậu được tuồn vào thành phố Hà Nội để tiêu thụ bị cơ quan chức năng bắt giữ.

"Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được một số cơ sở trong nước mua các loại nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc và bao bì, nhãn mác giả các thương hiệu. Sau đó, các cơ sở này tổ chức sản xuất, đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, pha trộn, dán nhãn và cung cấp đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu. 

Đặc biệt là các loại hàng hóa đã được thị trường chấp nhận, hàng hóa có nhãn hiệu nổi tiếng như: quần áo, giầy dép nhãn hiệu Nike, Adidas, Lacoste...; hàng thời trang như Louis Vuitton (LV); Gucci...; nước hoa, hóa mỹ phẩm Lancom; điện thoại di động Samsung, Apple... được đặt làm giả từ nước ngoài rồi nhập lậu đưa vào Việt Nam tiêu thụ", ông Kiên cho biết.

Bất động sản phía Tây nóng từng ngày nhờ sóng hạ tầng(VietQ.vn) - Với sự xuất hiện của nhiều công trình lớn và những dự án giao thông quan trọng, khu vực phía Tây Hà Nội tăng trưởng mạnh nhiều năm qua và bước đà vẫn chưa dừng lại.

Cũng theo Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội, năm 2019 dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn biến phức tạp. Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần phải quyết liệt hơn.

Nguyễn Huệ

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang