Vấn nạn lớn nhất của nước ta là văn hóa

author 07:01 29/04/2013

Vấn nạn lớn nhất của nước ta hiện nay vẫn không phải là kinh tế; vấn đề mang tính lâu bền và gốc rễ hơn nhiều lại là văn hóa. Văn hóa mới là cốt lõi của mọi vấn đề.

 “Không ít học giả băn khoăn về văn hóa đọc. Có người tỏ ra bi quan. Có người hoàn toàn tuyệt vọng. Hình như người Việt đã mất thói quen đọc sách? Nếu đúng vậy, đó là dấu hiệu kém phát triển của cả một cộng đồng”, Nhà thơ Trần Đăng Khoa mở đầu cuộc trò chuyện về văn hoá đọc.

Văn hóa đọc đang có sự lép vế rõ rệt so với văn hóa nghe-nhìn. Sự mai một của thói quen đọc trở nên trong tình trạng báo động. Vì thế, phát động phong trào đọc sách một cách bài bản ở cấp “chiến lược” trở nên cấp bách hơn lúc nào.

Sách nhiều…

“Tuy nhiên, nếu bảo người Việt không đọc sách, hoặc rất ít người đọc sách thì tôi lại nghi ngờ. Hình như cũng không phải thế. Nếu chẳng còn ai đọc sách nữa thì người ta in sách ra để làm gì? Hãy vào bất kỳ một nhà sách nào cũng thấy rõ. Phải nói là “trên trời, dưới sách”. Không thiếu bất kỳ một chủng loại nào”, Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định.

Theo Nhà thơ, một tác phẩm đặc sắc gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng thế giới thì ngay lập tức đã được dịch ở Việt Nam. Có cuốn còn có nhiều bản dịch khác nhau ở nhiều nhà xuất bản. Vì thế, ở Việt Nam hiện nay, ngay cả một người không biết ngoại ngữ, cũng không hề lạc hậu.

Theo thống kê từ Cục Xuất bản, Bộ VHTTDL, hiện nay mỗi năm các nhà xuất bản ở nước ta đã công bố hơn 20.000 đầu sách với khoảng 250 triệu bản in. Như vậy, công chúng không hề thiếu sách, thậm chí có rất nhiều sách để lựa chọn. Tuy nhiên, phần nhiều công chúng hiện nay lại không hứng thú với việc đọc sách, nghiền ngẫm những cuốn sách. Sự phong phú, tràn ngập của vô số kênh thông tin trên mạng Internet, trên truyền hình đầy hấp dẫn… đã khiến độc giả không còn đủ sự kiên nhẫn để “gối đầu giường” những cuốn sách hay.

Nhưng văn hóa đọc chưa cao

“Ở nước ngoài, nhìn đâu cũng thấy người đọc sách. Người ta đọc sách ở phòng chờ sân bay, trên các bến xe hay trong tầu điện ngầm. Người Việt không có thói quen như thế”, Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét.

 

Vấn nạn lớn nhất của nước ta hiện nay vẫn không phải là kinh tế; vấn đề mang tính lâu bền và gốc rễ hơn nhiều lại là văn hóa. Văn hóa mới là cốt lõi của mọi vấn đề. Kinh tế dù rất phức tạp, khó khăn, nhưng cũng dễ giải quyết hơn. Cái khó hơn nhiều là xây dựng một nền văn hóa dân tộc có căn cơ, có chiều sâu.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa dẫn lời GS. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ

Theo ông, trong xã hội, có hai đối tượng cần phải được đọc nhiều thì họ lại đang mất dần thói quen đọc. Đó là các quan chức và học sinh, sinh viên.

“Tôi quan tâm đến các quan chức, bởi họ là những người điều hành cơ quan, điều hành xã hội. Sự tác động của họ vào xã hội rất lớn, bởi thế cần phải có một tầm nhìn cao rộng. Với những nhà lãnh đạo, đọc sách là vi hành để hiểu được lòng dân”.

Còn học sinh, sinh viên là đối tượng lẽ ra cần đọc nhiều nhất thì lại rất thờ ơ với sách. Nhà thơ cho rằng muốn tạo được “văn hóa đọc” phải bắt đầu từ nền giáo dục. “Thường đến 20 tuổi rồi mà không hề biết đến ham thích và không có cái thú đọc sách thì cả đời sẽ khó lòng trở thành người ham đọc và biết đọc sách”, Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Thói quen “máu thịt”

Theo Nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngành giáo dục phải có những chiến lược thiết thực để dạy cho trẻ biết yêu sách từ nhỏ, ham đọc sách từ nhỏ. Nhà trường cần có quy định lớp nào thì phải đọc hết những cuốn sách nào, hướng dẫn cách đọc.

“Nên dành thì giờ cho các em đọc sách. Hãy làm cho nhà trường trở thành nơi đầu tiên, cùng với gia đình, tạo cho con người ý niệm về sự cao quý của chữ nghĩa, sách vở, tập thói quen, nhu cầu và niềm say mê đọc”.

Ảnh minh hoạ

 Lãnh tụ của giai cấp vô sản V.I. Lênin nói rằng “Đọc cũng là một nghệ thuật”. Nghệ thuật đọc ở đây chính là biết đọc sao cho hợp lý, khoa học và tích cực nhất (về thời gian, dung lượng và nội dung). Muốn biết đọc trước hết phải ham đọc. Chỉ khi chúng ta coi việc đọc như một say mê tự thân, ta mới dám vượt khó, mới ham đọc và mới hiểu hết những tri thức nằm trong sách vở.

Thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe-nhìn, nặng về thông tin và giải trí, lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc trong khi văn hóa đọc nặng về tính giáo dục và bồi dưỡng tri thức. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định, nếu không tạo cho mình một thói quen “máu thịt” với việc đọc thì chẳng chóng thì chầy, ta cũng sẽ mải mê với những ham thích khác mà bỏ qua việc đọc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét, tại những quốc gia tiên tiến và có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc bao giờ cũng có một vị trí xứng đáng. Theo ông, nền giáo dục ở Phần Lan hiện nay được công nhận là chuẩn mực vào bậc nhất thế giới và khi một đứa bé vừa được sinh ra ở đất nước đó thì quà tặng đầu tiên dành cho nó là một giỏ sách.

Đọc là một bộ phận của văn hóa. Vì vậy đọc trở thành một hoạt động văn hóa của con người. Thông qua văn hóa đọc sẽ hình thành nên tâm hồn, nhân cách, lối sống, bồi dưỡng, phát triển trí tuệ của từng con người. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: “Trí tuệ của loài người nằm hết ở trong sách”.

Không chỉ dừng lại như vậy, văn hóa đọc còn mang ý nghĩa lớn là góp phần đắc lực nâng cao dân trí đất nước. Chính vì lẽ đó, xây dựng và phát triển văn hóa đọc phải mang tầm chiến lược quốc gia. Một đất nước có nền văn hóa đọc, toàn dân yêu sách, ham thích đọc sách, chắc chắn là một đất nước văn minh và phát triển”.

Theo Chinhphu.vn

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang