Vàng có còn là “nơi trú ẩn” an toàn trong dịch Covid-19?

author 21:42 02/04/2020

(VietQ.vn) - Vàng vốn được coi là kênh đầu tư an toàn với các nhà đầu tư trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế nhưng, dịch Covid-19 dường như đã làm đảo lộn mọi trật tự xã hội cũng như thị trường tài chính thế giới.

Tính đến 19h ngày 2/4, thế giới đã ghi nhận 954.617 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 48.558 người đã tử vong. Diễn biến khó lường của dịch Covid-19 đã khiến thị trường tài chính biến động mạnh, giá vàng và đồng USD liên tục tạo đỉnh mới trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ chạm đáy lịch sử. Thị trường tài chính tiền tệ sẽ tiếp tục tiềm ẩn những biến động khó lường.

Vào đầu tháng 3, giá vàng đã vọt lên 1.700 USD/ounce, mức cao nhất kể từ năm 2012. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá vàng thế giới liên tục lao dốc. Có thời điểm, giá vàng đã giảm 8,6%, mức giảm thê thảm nhất kể từ năm 1983.

Việc giá vàng liên tục giảm giá khiến nhiều nhà đầu tư lỡ mua lướt sóng vàng lỗ nặng. Nhiều người đã buộc phải bán vàng để huy động tiền mặt.

"Vàng mang đến cho chúng ta những gì cần có trong giai đoạn khủng hoảng. Đây là một hình thức đảm bảo thanh khoản khi cần", ông Wayne Gordon - Giám đốc điều hành tại đơn vị quản lý tài sản của Tập đoàn UBS Group AG - cho biết trên Bloomberg.

Thế nhưng trong đại dịch Covid-19, dường như giới đầu tư đã không chọn vàng là kênh trú ẩn an toàn nữa. Làn sóng bán tháo được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá vàng liên tục biến động mạnh. Nguyên nhân sâu xa của việc này nằm ở thanh khoản tiền mặt. Nhiều công ty, doanh nghiệp vì chứng khoán rớt giá mạnh đã phải bán các tài sản, trong đó có vàng, để tăng lượng tiền mặt để nộp tiền ký quỹ cho ngân hàng và trả lương. Hiện nay, từ các hộ gia đình cho đến những tập đoàn lớn đều có xu hướng gia tăng tiền mặt.

Các chuyên gia nhận định, vàng không thể tăng giá trong thời điểm dịch bệnh hoành hành vì lúc này tiền mặt là ưu tiên số một. Đó là lý do khiến giá vàng sụp đổ trong thời gian gần đây.

Ông Daniel Ghali cho rằng, về bản chất, vàng vốn là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ khủng hoảng nhưng giá sẽ tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn do những người nắm giữ vàng liên tục bán để nắm giữ tiền mặt. Lúc này, các công ty đang cần tiền để thanh toán lương cho nhân viên hay để bù lỗ cho các khoản đầu tư. Họ cần đảm bảo bằng tiền mặt.

“Tiền mặt là vua”

Nhận định về kênh đầu tư này, Vandana Bharti, trợ lý Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu hàng hóa của SMC Comtrade, nhận định vàng không còn đóng vai trò như một tài sản đảm bảo và tình trạng thoái vốn diễn ra ở khắp mọi nơi.

Theo nhà phân tích Margaret Yang Yan của CMC Markets, niềm tin của giới đầu tư vẫn rất “mong manh” và quan điểm “tiền mặt là vua” vẫn là xu hướng chủ đạo. Việc giá vàng giao ngay thấp hơn giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ là một tín hiệu cho thấy thị trường đang quan ngại về những biện pháp hạn chế đi lại bằng đường không và hoạt động sản xuất vàng bị đình trệ sẽ tác động tiêu cực tới xuất khẩu kim loại quý này sang thị trường Mỹ.

Vàng thành “nạn nhân” của đại dịch

Theo TTXVN, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định thị trường vàng đang chứng kiến một nghịch lý, thông thường khi có khủng hoảng tài chính thì vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, trong những ngày qua, khi những tin tức về dịch bệnh ngày càng xấu đi thì giá vàng trên thị trường thế giới lao dốc không phanh. Vàng bỗng chốc trở thành "nạn nhân" của đại dịch toàn cầu này.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng vàng vẫn là một kênh đầu tư có thể xét tới trong năm 2020. Khi nền kinh tế trở lại bình thường, vàng là kênh đầu tư có thể được chú ý nhưng người dân vẫn nên thận trọng, không nên bỏ hết trứng vào một giỏ. Người dân có tiền nên phân bổ vào các kênh đầu tư khác như: gửi tiết kiệm, đầu tư sản xuất kinh doanh.

Ông Phan Dũng Khánh, giảng viên lĩnh vực đầu tư Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng giá vàng tăng khá mạnh nhưng không phải ai cũng có thể kiếm lời trọn vẹn trên thị trường này. Thấy vàng lên, nhiều người tiếc hùi hụi nhưng lời được không bao nhiêu nếu cứ nhảy ra nhảy vào.

Theo ông, vàng cũng là một kênh đầu tư đầy rủi ro. Ông phân tích, từ đầu năm đến nay giá vàng và USD luôn tăng - giảm cùng chiều. Đây là điều chưa từng xảy ra trong khoảng thời gian liên tục dài trước đây. Thông thường, giá vàng và USD luôn ngược chiều, vàng tăng thì USD giảm và ngược lại. Nên dân “đánh” vàng thường phân tích giá USD để đưa ra dự báo về xu hướng giá vàng.

Tuy nhiên vừa qua, giá USD tăng kỷ lục, chỉ số USD-Index tăng lên gần mức 100 điểm. Lo vàng giảm giá, nhiều người thực hiện bán ra nhưng không ngờ vàng tăng giá mạnh, thế là phải “gồng” lệnh hoặc cắt lỗ.

Bảo My (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang