Vàng giảm giá hơn 10 triệu đồng/lượng

author 07:42 11/11/2013

Giá vàng hiện tại và giá vàng đầu năm đã có mức chênh lệch rất xa.

Chốt phiên tuần này (4-9/11/2013), giá vàng SJC dừng ở mức 36,50-36,60 triệu đồng/lượng (mua – bán) tại TP HCM, còn tại Hà Nội 36,50-36,62 triệu đồng/lượng. So với phiên đầu tuần (8h00 sáng 4/11, ở mức 36,83 – 36,89 triệu đồng/lượng), giá mua vào giảm 330.000 đồng/lượng, bán ra giảm 290.000 đồng/lượng.

Chênh giá mua – bán thấp kỷ lục

Nhìn chung cả tuần qua, giá vàng biến động giá nhiều hơn tuần trước, nhưng mức dao động không đột biến. Đáng chú ý, trong tuần ghi nhận mức chênh giá mua – bán xuống kỷ lục mới. Còn vàng thế giới có mức giảm mạnh hơn vàng trong nước.

Trong tuần, giá mua – bán vàng SJC dao động trong ngưỡng mua vào từ 36,45 – 36,83 triệu đồng/lượng; còn bán ra trong ngưỡng từ 36,60 – 36,89 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng từ 02/01/2013- 9/11/2013 (Nguồn: SJC)Với khoảng giá này, mức chênh giá mua – bán chủ yếu trong vùng từ 60.000-100.000 đồng/lượng. Cá biệt có thời điểm chênh xuống còn 50.000 đồng/lượng ở phiên chiều 5/11.

Đặc biệt, tính từ ngày 01/01/2013 đến nay, đây là thời điểm giá vàng có mức giá thấp nhất sau gần 1 năm qua. Cụ thể, ngày đầu năm 2013, giá mua - bán là 46,74 triệu đồng/lượng, còn hiện tại chỉ 36,6 triệu đồng/lượng. Mức giá này tương đương thời điểm đã từng xuống thấp là hồi tháng 6/2013 có giá 36,65 triệu đồng/lượng ngày 27/6. Như thế, sau gần 1 năm, giá vàng đã giảm mất hơn 10 triệu đồng/lượng.

Thi truong vang lang song

Trên thị trường thế giới, tuần qua, giá vàng dao động trong khoảng từ 1.289 – 1.318 USD/oz. Trong đó, mức giá thấp nhất rơi vào thời điểm chốt tuần, còn lại cả tuần giá phổ biến trong khoảng từ 1.312-1.318 USD/oz.

Nếu tính giá quy đổi ra tiền Việt, vàng thế giới tuần qua phổ biến từ 32,83 – 33,55 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, vàng thế giới vẫn thấp hơn vàng SJC khoảng trên 3 triệu đồng/lượng, trong đó chênh cao nhất là 3,7 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 3,2 triệu đồng/lượng.

66% người dân đang chọn giữ vàng tại nhà

Cùng với biến động về giá, thông tin cũng đáng chú ý tuần qua liên quan đến thị trường vàng là một nghiên cứu của PGS, TS Hoàng Trần Hậu - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cùng các cộng sự của mình thực hiện, cho biết có tới 66% người dân hiện chọn giữ vàng tại nhà thay vì gửi tại các tổ chức tín dụng. Người dân cũng chỉ bán vàng do mục tiêu kiếm lợi nhuận (khi vàng tăng giá) hoặc có nhu cầu chi tiêu.

Nghiên cứu này chỉ ra có 3 nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tích trữ vàng trong dân là để kiếm lợi nhuận, lo tiền mất giá và do thói quen cất giữ vàng.

Dù hiện nay đã có 16 ngân hàng được cấp phép giữ hộ vàng, song các ngân hàng này cũng không mặn mà hoặc còn lúng túng trong việc triển khai dịch vụ này. Một số ngân hàng cho biết, nguyên nhân của việc này là do thông tư hướng dẫn chính thức đến nay vẫn chưa được ban hành; phí giữ họ không cao; thủ tục phức tạp trong khi mức độ rủi ro lại cao và các quy định quá khắt khe. Do vậy, hiện nay nhiều người dân có nhu cầu gửi vàng cũng rất khó tìm được nơi cung cấp dịch vụ.

Cung - cầu vàng trong nước dần cân bằng?

Gắn trực tiếp với thị trường vàng, trong tuần còn có phân tích cho rằng, cung – cầu vàng trên thị trường vàng trong nước đã dần cân bằng. Biểu hiện là giá vàng trong nước không còn biến động mạnh mỗi khi giá vàng thế giới chao đảo, giao dịch không còn sôi động như trước.

Giá vàng thế giới đi xuống khiến giá vàng trong nước tiếp tục giảm về dưới mức 37 triệu đồng/lượng. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm dần số lượng vàng chào bán qua các phiên đấu thầu, từng bước cân bằng nguồn cung - cầu.

Trên thị trường tự do, không còn hiện tượng “sốt vàng” và cũng không còn cảnh người dân chờ xếp hàng đi mua vàng như thời gian trước. Tại các tuyến phố kinh doanh vàng ở Hà Nội, giao dịch không còn sôi động như trước, mà chủ yếu là các giao dịch nhỏ lẻ, theo nhu cầu cá nhân. Tín hiệu này cho thấy, việc quản lý hoạt động vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực.

Tại các phiên đấu thầu vàng của NHNN, số lượng vàng chào thầu đã được giảm dần theo các phiên. Từ 40.000 lượng vàng được đưa ra mỗi phiên đấu thầu trước đây, NHNN đã rút dần xuống 26.000 lượng rồi xuống còn 20.000 lượng vàng chào thầu và trong những phiên đấu thầu gần đây, lượng vàng đấu thầu đã được rút xuống chỉ còn 15.000 lượng/phiên.

Cùng với đó, NHNN đã giãn cách các phiên đấu thầu lên đáng kể, từ 3 phiên/tuần xuống còn 1 phiên/tuần cùng với số lượng vàng dư sau các phiên đầu thầu ngày càng có xu hướng tăng lên.

Ngay trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ tổ chức một phiên đấu thầu. Qua đó, phiên đấu thầu vàng lần thứ 69 có tổng khối lượng trúng thầu đạt 14.800/15.000 lượng chào thầu. Giá trúng thầu cao nhất là 36,67 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 36,63 triệu đồng/lượng.

Do đó, lũy kế từ ngày 28/3/2013 đến 8/11/2013, NHNN đã tổ chức 69 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.711.100 lượng trên tổng số 1.822.000 lượng chào thầu.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, một trong những yếu tố căn bản giúp thị trường ổn định đó là việc các ngân hàng không còn huy động vàng làm cho vàng trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Và, dù khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới còn ở mức cao nhưng tỷ giá vẫn khá ổn định. Cùng với đó là tình trạng vàng hóa hay đô la hóa nền kinh tế đã giảm bớt.

Theo VOV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang