Vàng Trung Quốc nhập lậu: Nguồn gốc từ đâu cũng phải minh bạch!

author 06:15 05/07/2014

(VietQ.vn) – Xung quanh thông tin vàng Trung Quốc vào Việt Nam chiếm thị phần làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vàng trong nước, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) để làm rõ vấn đề.

Ông Linh khẳng định, hoạt động kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện .Vì thế các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, bất kể vàng có nguồn gốc từ đâu người kinh doanh vàng cũng phải có trách nhiệm thực hiện tiêu chuẩn công bố áp dụng trong đó bao gồm chất lượng, số lượng và các đặc điểm khác theo các quy định của Thông tư 22.

Vàng trang sức mỹ nghệ khi được lưu thông phải đảm bảo đúng theo quy định về chất lượng và đo lường

PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Thông tư 22 sau 1 tháng được triển khai?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Phải khẳng định rằng, sau 1 tháng Thông tư 22/2013/TT-BKHCN Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường có hiệu lực có những tín hiệu tích cực.

Thứ nhất về phía người tiêu dùng (NTD), Thông tư tác động đến nhận thức của NTD khi tham gia kinh doanh, mua bán vàng, rất nhiều người dân có ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm phải có công bố rõ tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn đầy đủ theo quy định và NTD cũng thể hiện sự quan tâm hơn tới quyền của mình là phải được mua những sản phẩm đúng chất lượng.

Thứ hai, Thông tư cũng tác động tích cực đến các nhà sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ chân chính. Nó thể hiện thông qua việc có sự quan tâm rất lớn của các cửa hàng vàng, của các cơ sở kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ tham gia tích cực trong các cuộc hội thảo, trong các chương trình tuyên truyền phổ biến của các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tại các địa phương.

Theo báo cáo của các Chi cục, mà điển hình là Chi cục TCĐLCL An Giang đã có gần 400 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ tới để nghe trao đổi, phổ biến, đặt câu hỏi về những nội dung chưa rõ trong Thông tư. Tổng cục TCĐLCL đã cử đại diện tham dự và trả lời trực tiếp cho cơ quan quản lý tại địa phương cũng như doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng tại một số địa phương.

Theo tôi, việc các đơn vị, cơ sở  sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ còn đặt nhiều câu hỏi cũng là điều dễ hiểu vì đây là Thông tư đầu tiên quy định rất cụ thể về chất lượng cũng như đo lường về vàng trang sức mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Đây là lần đầu tiên đưa mặt hàng này vào “khuôn phép” do vậy cũng không khỏi những bỡ ngỡ ban đầu nhưng sau khi được giải đáp các doanh nghiệp không những ủng hộ mà còn thực hiện nghiêm túc. Thậm chí tạicác buổi hội thảo các doanh nghiệp còn có những sáng kiến thực hiện thông tư rất hay. Ví  dụ như trước đây nhiều người cho rằng việc công bố tiêu chuẩn áp dụng rất phức tạp, với hàng trăm mẫu thì việc công bố tiêu chuẩn ra sao, ghi nhãn thế nào…Nhưng qua các buổi hội thảo, phổ biến thì đã có những doanh nghiệp thể hiện những cách thức ghi nhãn rất sáng tạo, hiệu quả. Với nhãn chỉ bằng đầu ngón tay nhưng thể hiện được hết nội dung ghi nhãn bắt buộc mà thông tư quy định. Tôi đánh giá rất cao tỷ lệ doanh nghiệp tích cực thực hiện thông tư như vậy.

Thứ ba là về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Thông tư ra đời cũng được đánh giá và  sự ủng hộ rất cao của Ngân hàng Nhà nước - cơ quan trì giúp Chính phủ quản lý về thị trường vàng. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý tại địa phương mà cụ thể là các chi cục TCĐLCL cũng đã có những bước chuẩn bị và triển khai rất tích cực, điển hình là Chi cục TCĐLCL An Giang, Kiên Giang, Bắc Ninh, Cần Thơ… Các đơn vị này đã mời tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vàng trên địa bàn đến để phổ biến các quy định của Thông tư và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Tôi đánh giá rất cao sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý với Ngân hàng Nhà nước tại địa phương thực hiện việc phổ biến, triển khai Thông tư giúp cho việc đưa Thông tư vào cuộc sống, giúp thị trường vàng ngày càng minh bạch, rõ ràng hơn.

PV: Theo ông, các DN sản xuất, kinh doanh vàng trang sức tại Việt Nam gặp thuận lợi và khó khăn gì khi Thông tư 22 được áp dụng?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Về cơ bản, tôi cho rằng các doanh nghiệp có sự công khai minh bạch về chất lượng vàng cũng như kinh doanh vàng dựa trên sự uy tín, tôn trọng người tiêu dùng thì  không gặp nhiều khó khăn. Thể hiện ở các cuộc hội thảo rất nhiều các doanh nghiệp, hiệp hội tích cực ủng hộ thực hiện thông tư này. 

Tuy nhiên ngược lại nó cũng gặp khó khăn đối với những doanh nghiệp trước đây lợi dụng vào sự không rõ ràng về cái mức sai số rất lớn của vàng trang sức mỹ nghệ, lợi dụng vào sự nhập nhèm về chất lượng vàng để kiếm lời. Đơn cử như công bố là vàng  75 kara nhưng chất lượng thực tế nó chỉ 68 kara chẳng hạn. Như vậy chắc chắn họ sẽ gặp những khó khăn trong việc điều chỉnh lại cách thức kinh doanh của mình cũng như phải có sự làm việc lại với nhà sản xuất để đảm bảo được đúng theo quy định về mức độ chính xác về đo lường và chất lượng đã công bố đối với sản phẩm. 

Với thời gian 8 tháng chuẩn bị tôi cho rằng đến thời điểm này là thời điểm cần thiết các doanh nghiệp phải hết sức nỗ lực để thực hiện đúng quy định. Quyền lợi của NTD không thể tiếp tục bị lợi dụng cũng như tiếp tục bị thiệt hại như tình trạng kinh doanh vàng trước đây.

PV: Có thông tin cho rằng,  trên thị trường hiện nay xuất hiện vàng trang sức được gia công ở Trung Quốc nhập về Việt Nam  khá nhiều khi về Việt Nam được dập lại thương hiệu. Vậy, chất lượng các sản phẩm này có được  kiểm soát hay không? 

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Về vấn đề này trước hết phải khẳng định rằng, hoạt động kinh doanh vàng trang  sức mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện được quy điịnh bởi Nghị định 24 và Ngân hàng Nhà nước là đơn vị chủ trì để thực hiện công việc này. Vì thế cho nên các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc này không thể đơn giản như đi mua mớ rau hay sản phẩm  hàng hóa thông thường khác. 

Thứ hai, thông tin các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam chào hàng để bán cũng cần phải xác minh rõ xem tỷ lệ này như thế nào, có thực tế như vậy không và khi cần thiết phải phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước nếu có việc đó. Ngược lại chúng ta cũng phải xác minh thông tin có mức độ chính xác đến đâu.

Thứ ba, về nguyên tắc thì bất kể nguồn gốc ở đâu nhưng người kinh doanh bán vàng cho NTD phải có trách nhiệm thực hiện áp dụng tiêu chuẩn công bố áp dụng trong đó bao gồm chất lượng, số lượng và các đặc điểm khác theo các quy định của Thông tư 22, theo đó người bán vàng phải đảm bảo đúng chất lượng như đã niêm yết.

PV: Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc sản xuất 2 dòng vàng trang sức, dòng cao cấp xuất sang Châu Âu, dòng thấp cấp xuất sang Việt Nam. Ông có ý kiến như thế nào khi người tiêu dùng lo ngại về chất lượng những sản phẩm này?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Tôi cho rằngquan niệm thế nào là vào cao cấp, vàng thấp cấp còn tùy thuộc vào quan niệm của NTD. Đã là thị trường thì sẽ có rất nhiều mức chất lượng khác nhau, ví dụ có thể coi vàng 33,3 kara là thấp nhưng với người khác thì lại coi vàng 33,3 kara chưa phải là thấp mà phải là 10 kara mới là thấp v.v… Điều đó còn tùy thuộc vào quyền của NTD khi lựa chọn sản phẩm phù hợp với mục đích của mình. Vấn đề quan trọng ở đây là nếu doanh nghiệp bán vàng trang sức mỹ nghệ ở mức chất lượng nào thì phải công bố đúng với mức chất lượng một cách công khai, minh bạch để người tiêu dùng lựa chọn.

Thanh Uyên


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang