Vào TPP: Doanh nghiệp phải bảo vệ mình bằng tài sản sở hữu trí tuệ

authorUyên Chi 11:54 05/04/2016

(VietQ.vn) - Hội nhập TPP, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối diện nhiều cơ hội, tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Vào TPP: Doanh nghiệp phải bảo vệ mình bằng tài sản sở hữu trí tuệÔng Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN phát biểu tại "Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập"

Đứng bên lề là… thất bại

Bên lề sự kiện “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới vì mục tiêu hội nhập,” ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban thường trực Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho biết, trước bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là TTP, sở hữu trí tuệ luôn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Theo ông Dũng, cùng với thách thức, doanh nghiệp cũng nhìn thấy cơ hội khi xâm nhập thị trường của các nước thành viên, đặc biệt các nước phát triển khi tham gia sân chơi TPP.

“Trước đây, chúng ta thường bị đối xử thiếu bình đẳng bởi các thị trường này thông qua các hàng rào kỹ thuật và doanh nghiệp của ta thường bị họ kiện với lý do rất thiếu minh bạch, rõ ràng và bị áp đặt các mức thuế “bảo hộ” của họ không bình đẳng. Tuy nhiên, khi vào sân chơi chung, được đối xử bình đẳng về áp dụng các mức thuế thì đây là cơ hội để doanh nghiệp chúng ta chiếm lĩnh thị trường khác“, ông Dũng cho biết.

Đề cập đến vấn đề mang tính nguyên tắc trong TPP, Chánh thanh tra Bộ KH&CN cho rằng, ở góc độ thực thi, trước đây, có thể cơ quan thực thi phát hiện ra vi phạm có thể xử lý hoặc nếu quá năng lực có thể đùn đẩy cho nhau với những lý do mà quy định pháp luật chưa rõ ràng. Nhưng khi vào TTP, hành vi đã rõ ràng buộc phải thực hiện phạt, thậm chí nếu hành vi đó quy định chịu trách nhiệm hình sự thì còn áp dụng biện pháp hình sự. Những yêu cầu này chúng ta đã cam kết và sẽ được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật của quốc gia. Khi thành quy định pháp luật thì chúng ta phải chấp hành các quy định đó và doanh nghiệp cần quan tâm để thực hiện cho đúng để tránh những rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, chúng ta sẽ nghiên cứu để tận dụng những quyền khác đem lại lợi thế cho Việt Nam trong quá trình tham gia sân chơi thương mại quốc tế mà TPP đã quy định.

"Khi Việt Nam tham gia sân chơi chung thì tất cả các doanh nghiệp phải vào cuộc, nếu đứng bên lề thì rõ ràng sẽ thất bại", ông Dũng chia sẻ.

Vào TPP: Doanh nghiệp phải bảo vệ mình bằng tài sản sở hữu trí tuệTrong năm 2015 cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy nhiều sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Điều chỉnh Luật để phù hợp

Theo ông Trần Minh Dũng, các quy định pháp luật của chúng ta hiện vẫn chưa hoàn toàn tương thích và hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt tay cùng các bộ ngành khác rà soát các văn bản quy phạm liên quan tới quy định của TTP cũng như các hiệp định khác. Trọng tâm là rà soát Luật Sở hữu trí tuệ, những quy định trước đây không có như mở rộng phạm vi, đối tượng bảo hộ, sáng chế, thẩm định sáng chế, một số quy định liên quan đến thực thi bằng biện pháp hành chính hay hình sự. 

Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, lộ trình thay đổi Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia TTP đặt ra là đến năm 2017 sẽ trình đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là vấn đề rất cơ bản đề giúp cho việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ theo cam kết ký trong TTP. 

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phải sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để có những vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa cho phù hợp với TTP. 

Khi hội nhập, rõ ràng doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tập trung vào thị trường nội địa còn có cơ hội xuất khẩu. Được đánh giá là một môi trường tốt, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam, tuy nhiên một trong những quan ngại của họ chính là sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp nước ngoài sợ khi đầu tư lớn lại bị xâm phạm, ảnh hưởng việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ của họ trên địa bàn Việt Nam. Họ mong muốn TPP quy định khắt khe, chặt chẽ, khách quan hơn để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của họ. 

"Tuy nhiên, theo Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao thì chính doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang bị xâm phạm về sở hữu trí tuệ ngay tại Việt Nam.", ông Dũng cho biết. 

Theo ông Dũng, để hạn chế việc này, trước mắt các doanh nghiệp phải có biện pháp để bảo vệ mình. Ngoài biện pháp kỹ thuật còn phải khảo sát thị trường và khi manh nha phát hiện vi phạm phải phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý. Đặc biệt, phải có chiến lược phát triển tài sản sở hữu trí tuệ của mình phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và hãy quan tâm ngay từ bây giờ để có thể chủ động hơn khi đưa con thuyền của mình ra biển lớn. 

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban thường trực Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2 (2012-2015), các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã xử lý 26.004 vụ việc với tổng số tiền xử phạt trên 68 tỷ đồng.

Cụ thể, các cơ quan chức năng đã tịch thu, buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 70 tấn thực phẩm chức năng các loại; hàng chục nghìn chai rượu các loại; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 80.900 tấn phân bón và hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, dầy dép, quần áo thời trang, lương thực thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; buộc tiêu hủy hàng chục nghìn đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang