VCCI: Không đưa biện pháp điều hành xuất nhập khẩu vào diện bí mật nhà nước

author 10:47 07/09/2019

(VietQ.vn) - VCCI vừa có văn bản trả lời Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công thương.

Thông tin trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, tại Điều 1.19 quy định “Kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng đặc biệt giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển và bảo vệ đất nước chưa công khai” sẽ thuộc diện bí mật Nhà nước. Điều 2.18 quy định “Kế hoạch và biện pháp điều hành xuất nhập khẩu, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường xã hội chưa công khai” cũng thuộc diện bí mật Nhà nước.

Theo VCCI các quy định này đều cho phép cơ quan nhà nước đưa ra các kế hoạch, biện pháp can thiệp vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Nếu đây là hàng hoá thuộc sở hữu nhà nước thì Nhà nước hoàn toàn có quyền xuất nhập khẩu và các kế hoạch, biện pháp điều hành xuất nhập khẩu có thể được giữ bí mật với tư cách là quyết định của chủ sở hữu.

Tuy nhiên, nếu đây là hàng hoá thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức khác thì VCCI cho rằng các biện pháp can thiệp của Nhà nước cần hết sức hạn chế và phải được công khai.

VCCI: Không đưa biện pháp điều hành xuất nhập khẩu vào diện bí mật nhà nước

 VCCI: Không đưa biện pháp điều hành xuất nhập khẩu vào diện bí mật nhà nước. Ảnh minh họa.

Hiện nay, Luật Quản lý ngoại thương đã có quy định về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại Điều 5. Việc tuyên bố bảo vệ quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vì nó bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, dự liệu được, vốn giữ vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế.

Nếu các biện pháp điều hành xuất nhập khẩu được đề cập tại Điều 1.19 và Điều 2.18 của dự thảo đã được quy định trong Luật Quản lý ngoại thương thì cần được ban hành theo đúng trình tự thủ tục của Luật này và do đó, không cần thiết đưa vào diện bí mật nhà nước.

Các biện pháp can thiệp vào quyền xuất nhập khẩu hàng hoá cũng đã được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương như biện pháp hành chính, biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch, biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp kiểm soát khẩn cấp. Qua rà soát, các biện pháp này đều phải thông báo rộng rãi, công bố công khai thậm chí một số biện pháp phải tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi trước khi áp dụng.

Nếu các biện pháp điều hành xuất nhập khẩu được đề cập tại Điều 1.19 và Điều 2.18 của dự thảo đã được quy định trong Luật Quản lý ngoại thương thì cần được ban hành theo đúng trình tự thủ tục của Luật này và do đó, không cần thiết đưa vào diện bí mật nhà nước.

Điều 2.1 của dự thảo quy định: “Các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược của ngành thương mại, cơ khí, luyện kim, năng lượng điện, hoá chất, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác chưa công khai” thuộc diện bí mật nhà nước.

Tuy nhiên, hiện không rõ như thế nào là hợp đồng, đề án mang tính chiến lược.

Hơn nữa, diện các lĩnh vực rất rộng, gồm cả thương mại (thương mại là khái niệm rất rộng, bao gồm hầu hết các ngành kinh tế), công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác (gồm rất nhiều ngành nhỏ hơn trong đó).

Quy định vừa lỏng, vừa rộng như vậy có thể dẫn đến nguy cơ đóng dấu mật một cách tuỳ tiện vào các hợp đồng, đề án.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm “mang tính chiến lược” và nghiên cứu thu hẹp phạm vi của Điều 2.1 theo hướng chỉ áp dụng cho một số ngành rất hạn chế có liên quan đến an ninh quốc gia.

Trên báo Thanh niên, TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính, cho rằng việc đóng dấu “mật” trong quản lý nếu không liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, chính trị quốc gia, an ninh kinh tế thì không nên lạm dụng. Chẳng hạn, yêu cầu bí mật phương án chỉ đạo điều chỉnh giá điện chưa công bố là điều không cần thiết. “Nếu lập luận đóng dấu mật cho chỉ đạo điều hành giá xăng vì sợ xảy ra tình trạng đầu cơ tích trữ, gây lũng đoạn thị trường, thì dấu “mật” cho giá điện trước khi điều chỉnh, nhà quản lý e ngại điều gì? Chắc chắn điện không thể đầu cơ được bởi cả công cụ quản lý lẫn mặt hàng điện nhà nước đều có thể quản lý được. Theo tôi, có thể chỉ đạo giá xăng bí mật giai đoạn nào đó nhằm tránh đầu cơ có lý của nhà quản lý. Nhưng với giá điện thì không nên, không cần thiết phải bí mật. Quan điểm chung của nền kinh tế thị trường thì càng minh bạch càng tốt”, TS Nguyễn Đức Độ nói.

Nam Dương (T.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang