'Vẽ cứ vẽ, làm cứ làm' muôn đời không hết cảnh được mùa mất giá

author 06:17 28/04/2015

(VietQ.vn) - Vai trò của nhạc trưởng (Nhà nước) trong việc thúc đẩy nông sản rất yếu ớt, chưa phân rõ trách nhiệm trong việc đôn đốc thực hiện quy hoạch nên "bên vẽ cứ vẽ, còn bên làm cứ làm".

Tại buổi Toạ đàm trực tuyến “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27/4 đã nóng lên bởi những vấn đề liên quan đến câu chuyện tiêu thụ nông sản với vòng xoáy luẩn quẩn “được mùa mất giá” liên tục xảy ra trong vài năm trở lại đây.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), sự liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) trong việc thúc đẩy nông sản đang là điểm yếu nhất. Trong đó, vai trò nhạc trưởng (Nhà nước) vẫn chưa mạnh mẽ, chưa phân rõ trách nhiệm trong việc đôn đốc thực hiện quy hoạch nên "bên vẽ cứ vẽ, còn bên làm cứ làm". 

'Vẽ cứ vẽ, làm cứ làm' muôn đời không hết cảnh được mùa mất giá

Không có thay đổi, cảnh được mùa mất giá sẽ tái diễn không thể chấm dứt. Ảnh: Zing

Nông sản gặp khó do tư duy "đủng đỉnh"

Thời gian qua, câu chuyện về nông sản tại Việt Nam liên tục ùn tắc tại cửa khẩu (điển hình đây là dưa hấu, thanh long, hành tím, vải thiều…) khiến dư luận đặt ra một câu hỏi lớn về vai trò của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn và Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân). 

Mặc dù Quyết định của Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng giữa 4 nhà đã được ra đời 12 năm nay, nhưng mối liên kết này vẫn hết sức lỏng lẻo và dường như nông dân vẫn phải tự bơi trong cái điệp khúc “được mùa mất giá”. 

“Quyết định về liên kết 4 nhà được ra đời từ năm 2002, tuy nhiên sau 12 năm chúng ta không thấy nó có thay đổi gì cả. Cái này có đủng đỉnh quá không?”, ông Dũng đặt câu hỏi. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Dũng thẳng thắn cho rằng, sự liên kết giữa 4 nhà là điểm yếu nhất. Trong đó, vai trò nhạc trưởng (Nhà nước) vẫn chưa mạnh mẽ, chưa phân rõ trách nhiệm trong việc đôn đốc thực hiện quy hoạch nên"bên vẽ cứ vẽ, còn bên làm cứ làm". Nếu không có sự gắn kết, hay cụ thể hơn là thiếu tính chuyên nghiệp, thì chắc chắn việc thực hiện chính sách sẽ khó thành công. 

Chia sẻ về vấn đề, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng cho rằng, công tác quy hoạch nếu trên lý thuyết rất tốt, từ sản lượng, diện tích trồng, thị trường ra sao và định hướng dài hạn thế nào... đều được dự báo và lên kế hoạch cụ thể, nhưng triển khai lại không đúng. 

"Thực tế hiện nay, người nông dân thấy lợi nhuận trước mắt sẽ sẵn sàng bỏ quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu. Do vậy cần xem xét lại việc phối hợp giữa 4 nhà trong từng lĩnh vực cụ thể.', ông Thừa nói.

"Được mùa mất giá" đến bao giờ?

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong quý 1/2015, tình hình xuất khẩu của Việt Nam đã sụt giảm đáng kể. Điển hình, ngành hàng thuỷ sản từng được coi là mặt hàng chủ lực, chiếm đến 25% giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thuỷ sản nó chung, trong quý 1 cũng đã giảm đến 20% so với cùng kỳ. 

Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, nguyên nhân chính là do biến động của thị trường thế giới, khiến cân đối cung cầu có mức độ thay đổi nhiều so với quý I/2014. Cùng với đó, giá nhiều mặt hàng liên tục giảm sâu (như cà phê, thủy sản). 

Một một nguyên nhân nữa cũng được Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra là do, kết cấu ngành nông nghiệp còn nhiều điểm tồn tại như năng lực năng lực tài chính, tiếp cận thị trường còn yếu, chưa cải thiện nhiều… 

Liên quan đến câu chuyện liên kết 4 nhà theo Quyết định của Thủ tướng, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là một Quyết định hết sức ý nghĩa và ở đây liên kết của 4 nhà chỉ là câu chuyện cụ thể giữa những quy định chung. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thừa nhận, hiện nay chương trình thương hiệu quốc gia đang có nhiều tồn tại, chậm đổi mới. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường ngày càng hội nhập sâu, thì trường trình xúc tiến thương mại của Việt Nam cần có những cải tiến và lớn mạnh hơn. 

“Vấn đề bất cập lớn nhất trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của chúng ta chính là mô hình sản xuất, bởi nếu chúng ta không thay đổi cách làm thì thực trạng “được mùa mất giá” vẫn như hiện nay. Câu chuyện lên kết 4 nhà, chỉ là một trong những biện pháp để chúng ta nâng giá trị của sản phẩm”, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ. 

Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các mặt hàng trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển hệ thống thương mại nội địa nhất là hệ thống phân phối, lưu thông giúp tiêu thụ tốt hơn. Đặc biệt, các chính sách sẽ tập trung khắc phục và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định lại những sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường tiêu thụ cụ thể, như sản lượng bao nhiêu là đủ, chất lượng như thế nào...

Trà Phương


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang