Về làng gốm Bát Tràng mua hàng... Trung Quốc

author 06:31 08/11/2012

(VietQ.vn) - Chợ gốm làng cổ Bát Tràng là nơi quảng bá thương hiệu làng gốm nổi tiếng cả nước. Nhưng hiện nay, vì lợi nhuận, hầu hết các sạp hàng trong chợ đều bày bán những sản phẩm của Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc hàng không rõ nguồn gốc.

Vàng- thau lẫn lộn

Chợ gốm làng cổ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) mới được chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004. Chợ này do Công ty cổ phần sứ Bát Tràng (Happro Bat Trang) quản lý. Tổng diện tích khu chợ khoảng 5.000m2, được bố trí khoảng 100 gian hàng, bày bán nhiều chủng loại gốm sứ đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, màu men, hoạ tiết. Đây là những sản phẩm tinh tuý nhất do chính những nghệ nhân, thợ lành nghề Bát Tràng sản xuất.

Những người tổ chức chợ gốm mong muốn thông qua hoạt động này để thương hiệu gốm Bát Tràng tiếp tục khẳng định uy tín của mình và mở rộng chỗ đứng cả ở thị trường trong và ngoài nước, góp phần làm giàu cho một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam.

Mục đích là thế, nhưng hiện nay trong chợ đang bày bán khá nhiều hàng gốm sứ của Trung Quốc, Hàn Quốc,...

Các gian hàng trong chợ sầm uất với đủ các mặt hàng liên quan đến gốm, sứ. Điều lạ là không phải tất cả các mặt hàng bày bán ở đây đều được dán tem Bát Tràng. Theo quan sát, các mặt hàng không có tem Bát Tràng thường là bát, ấm chén, ca cốc, móc chìa khoá,… đủ màu sắc, nhiều mẫu mã bắt mắt, có giá từ 10.000 - 50.000 đồng/chiếc. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều lọ lộc bình các cỡ lớn nhỏ, tranh gốm,... cả hàng ngoại, hàng nội đang được bày bán tràn lan, công khai tại chợ này.

Chợ gốm làng cổ Bát Tràng bày bán khá nhiều các mặt hàng "Made in Trung Quốc"
Chợ gốm làng cổ Bát Tràng bày bán khá nhiều các mặt hàng "Made in Trung Quốc"

Bên cạnh các sản phẩm có in chữ "Made in Bát Trang" dưới đáy, còn rất nhiều sản phẩm in chữ Trung Quốc, hoặc tiếng Anh,... và không có tem của Bát Tràng đi kèm. Theo giải thích của chị Hường, chủ gian hàng T.T, đó là “do khách hàng thích những kiểu chữ đó thì in cho dễ bán”. Các bộ bát đĩa của Hàn Quốc cũng có mặt ở nhiều quầy hàng trong chợ Bát Tràng.

Đon đả mời khách, chị Thuý bán hàng tại cửa hàng C.T, đưa ra những chiếc bát nhãn hiệu "Korea style" hay "Bone porcelain". Chị giới thiệu, đó là sản phẩm liên doanh với Hàn Quốc nên có chất lượng men sáng bóng, đẹp tinh xảo như thế, nhưng giá chỉ đắt hơn từ 2.000 đồng - 10.000 đồng/sản phẩm (hoặc bộ sản phẩm) so với hàng của làng nghề.

Theo các chủ kinh doanh, nhu cầu khách đa dạng nên bày thêm hàng ngoại nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc để chiều khách. Tuy nhiên, cùng sản phẩm bát ăn cơm "Bone porcelain", tại cửa hàng C.T sang cửa hàng khác , lại được người bán hàng giới thiệu đó là hàng “chất lượng cao của Bát Tràng

Chị Nguyễn Thị Hường (TP.HCM) chia sẻ: “Nghe bạn bè giới thiệu về gốm sứ Bát Tràng, nhân dịp ra dự đám cưới đứa cháu dưới Hải Dương. Tôi mò mẫm bắt xe bus đến đây, vừa tham quan vừa mua sản phẩm làng nghề, nhưng thấy gốm sứ Trung Quốc tràn lan, trong khi gốm Bát Tràng lại không ghi xuất xứ nơi sản xuất, nên không dám mua vì sợ mua nhầm hàng kém chất lượng”.

Nỗi lo thương hiệu

Ngay đầu chợ gốm Bát Tràng trưng một băng-rôn lớn: "Thương hiệu chợ gốm làng cổ Bát Tràng thuộc về nhân dân làng Bát Tràng" như để khẳng định quyết tâm giữ nghề, giữ thương hiệu và cũng như để nhắc nhở chính người dân nơi đây đừng "trộn" gốm Bát Tràng với gốm Trung Quốc.

Ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, cho biết: "Hiện ở làng gốm có một số sản phẩm không phải của làng nghề, điều này gây khó khăn cho các sản phẩm do người dân làm ra. Tuy nhiên, chúng tôi không thể cấm tư thương buôn bán các sản phẩm đó. Vì thế, giải pháp trước mắt của UBND xã là tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để người dân gìn giữ cũng như phát triển thị trường sản phẩm truyền thống. Về lâu dài, chúng tôi sẽ hỗ trợ đào tạo một số nghề để phát triển làng nghề theo hướng du lịch, nhằm bảo tồn làng nghề gốm cổ truyền Bát Tràng".

Trưng băng- rôn lowsnn, nhưng người làng gốm lại đang vì lợi nhuận mà để gốm xứ Trung Quốc "xâm chiếm"
Trưng băng- rôn lớn, nhưng người làng gốm lại đang vì lợi nhuận mà để gốm xứ Trung Quốc "xâm chiếm"

Ông Nguyễn Văn Mùi, Phó Chủ tịch Hội Gốm sứ Bát Tràng cho biết thêm: “Đúng ra, quy định là Chợ gốm làng cổ Bát Tràng chỉ dành để bán gốm sứ của làng nghề Bát Tràng và tất cả các sản phẩm của làng nghề phải được dán tem tên thương hiệu Bát Tràng dưới đáy sản phẩm. Tuy nhiên, không có quy định mang tính pháp lý bắt buộc. Vì thế, dù Hội đã khuyến cáo các hộ sản xuất phải dán tem thương hiệu của mình, nhưng nhiều hộ còn nhận thức chưa đúng về lợi ích việc dán tem, nên dán tem chưa triệt để”.

Đến bao giờ thì khách đến với chợ gốm sứ Bát Tràng mới có thể yên tâm để mua những mặt hàng được gắn thương hiệu rõ ràng như thế này? Và không ít du khách đến với làng gốm truyền thống Bát Tràng không khỏi chua xót khi đặt dấu hỏi: "Vì sao những người làm gốm ở Bát Tràng lại coi rẻ thương hiệu của mình đến thế khi để gốm sứ Trung Quốc "xâm chiếm" các gian hàng trong chợ gốm?".

Thanh Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang