'Về lâu dài, giá dầu giảm nền kinh tế sẽ được hưởng lợi'

author 07:49 20/12/2014

Giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm sâu và lập kỷ lục về đáy 54,11 USD/thùng kể từ ngày 5/5/2009. Theo đánh giá từ giới chuyên gia, trước mắt nguồn thu ngân sách của Việt Nam có thể ảnh hưởng, song về lâu về dài giá dầu giảm sẽ có lợi cho cả nền kinh tế.

Xu hướng giảm

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế Chính trị Thế giới chỉ ra, giá dầu giảm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến yếu tố cung-cầu. 

Ông Sơn cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, cụ thể Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo năm 2014 và năm 2015 tăng trưởng GDP của nước này giảm xuống còn 7,4% và 7,2% (trong khi dự báo trước đó là 7,5% và 7,4%), điều này đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ dầu thô của nước này cũng sẽ giảm. 

Bên cạnh đó, Mỹ từ một quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới thì thời gian gần đây họ đã “bơm” dầu ra thị trường. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhờ hoạt động chiết xuất năng lượng từ đá phiến sét, Mỹ đã vượt qua Saudi Arabia và Nga trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.

“Trong khi tất cả các yếu tố cầu đang có chiều hướng đi xuống, thì cung lại vọt lên, thêm vào đó nhu cầu dự trữ dầu tại các quốc gia cũng đang có xu hướng giảm khi mà giá dầu liên tục tụt dốc. Ngoài ra, xu thế phục hồi của nền kinh tế Mỹ với việc USD mạnh lên thì giá dầu giảm cũng là điều tất nhiên, đó là chưa kể đến các yếu tố chính trị tác động lên giá dầu,” ông Sơn phân tích.

Theo ông Sơn, việc giá dầu giảm là xu hướng chứ không phải là hiện tượng trong ngắn hạn. 

“Theo xu hướng thậm chí là giá dầu còn có thể về quanh khu vực 40 USD/thùng. Song, việc giá dầu giảm sẽ có lợi cho các nền kinh tế trên toàn cầu, ngoại trừ một số quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thì sẽ bị ảnh hưởng. Giá dầu giảm cơ bản sẽ mang lại lợi ích rất lớn, bởi bản thân giá dầu cao là ‘kẻ giết người’ tiêu diệt phục hồi kinh tế toàn cầu,” ông Sơn nói.

Hưởng lợi về lâu dài

Liên quan tới Việt Nam, nhìn chung các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn giá dầu giảm sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam mà cụ thể là nguồn thu ngân sách. 

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, “tác động giá dầu giảm ảnh hưởng đến Việt Nam ở mức độ nào thì chưa thể xác định ngay được, nó phụ thuộc vào phản ứng của doanh nghiệp và điều quan trọng là động thái của Bộ Tài chính. Nếu chi ngân sách vẫn tăng thì rõ ràng nợ công sẽ tăng, song nếu cắt giảm chi tiêu thì sẽ liên quan đến tổng cầu của nền kinh tế.”

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đã nhấn mạnh, quan điểm Bộ là không kiến nghị tăng sản lượng khai thác để bù đắp nguồn thu khi giá dầu giảm

Song Thứ trưởng Tuấn cũng cho biết: “Giá dầu giảm chưa ảnh hưởng đến việc thu ngân sách năm 2014. Tuy nhiên, nếu tình hình tiếp tục giảm trong năm 2015 thì Bộ sẽ đề xuất các phương án xử lý như nâng thuế xuất nhập khẩu mặt hàng xăng dầu, đẩy mạnh thu thuế nợ đọng, vượt thu nội địa để trang trải ngân sách… Kể cả trong tình huống năm 2015 giá dầu tiếp tục thấp thì Bộ Tài chính cũng không điều chỉnh thu chi ngân sách hoặc tăng vay vì sợ tăng gánh nặng nợ công mà sẽ có biện pháp để đảm bảo cân đối.”

Quyết sách của Bộ Tài chính đang được sự ủng hộ của giới chuyên gia. Ông Độ cho rằng, các giải pháp nhằm ổn định nguồn thu đồng thời duy trì được kế hoạch chi tiêu ngân sách trong thời điểm này là hợp lý.

Ngoài ra, ông Sơn nhấn mạnh, việc Bộ Tài chính đưa ra được các giải pháp điều hòa vấn đề khó khăn từ phía Chính phủ không chỉ giải quyết khâu trước mắt mà nền kinh tế còn được hưởng lợi về lâu dài.

“Chi phí năng lượng trong các hoạt động kinh tế là không nhỏ, bên cạnh đó giá dầu giảm cũng tác động đẩy lạm phát xuống thấp, từ đó lãi suất ngân hàng cũng xuống theo… tất cả các yếu tố này sẽ ngấm dần vào nền kinh tế. Phải chăm sóc nguồn thu từ nền kinh tế, đó mới thực sự là kinh tế thị trường” ông Sơn nhấn mạnh.

Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 11 sản lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam là 702.000 tấn, giảm 8,9% về trị giá, tương ứng 435 triệu USD (giảm 16,4% so với tháng 10). 

Cụ thể, đơn giá bình quân xuất khẩu dầu thô tháng 11 là 619 USD/tấn (tương ứng khoảng 81 USD/thùng), giảm 8,2% so với tháng 10 và đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Theo Vietnamplus


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang