Đám mây kỳ lạ trên vệ tinh Titan của Sao Thổ

author 07:02 29/10/2014

(VietQ.vn) - NASA cho rằng đám mây băng mêtan trên vệ tinh Titan của Sao Thổ khá giống với mây Xà cừ trên Trái Đất.

Theo tin tức từ trang Daily Mail, tàu thám hiểm vũ trụ Cassini của NASA đã phát hiện một đám mây kỳ lạ trong bầu khí quyển trên cực Bắc của vệ tinh Titan vào năm 2006, nhưng cho đến nay các nhà nghiên cứu mới có thể xác định được đám mây này có chứa băng mêtan thay vì etan như thông thường. Loại mây băng mêtan được cho là khá giống với mây xà cừ ở tầng bình lưu, phía trên hai cực của Trái Đất. 

Đám mây kỳ lạ trên vệ tinh Titan của Sao Thổ

Đám mây kỳ lạ trên vệ tinh Titan của Sao Thổ. Ảnh Daily Mail

Trước đây, các nhà nghiên cứu đã từng biết đến sự tồn tại của mây mêtan trong tầng đối lưu, tầng thấp nhất của bầu khí quyển trên vệ tinh Titan của Sao Thổ, trong khi đám mây băng mêtan này lại xuất hiện ở tầng bình lưu. Trên Trái Đất, mây mưa và mây tuyết được hình thành từ chu kỳ bốc hơi và ngưng tụ với hơi nước bốc lên từ mặt đất sau đó bị cô đặc lại khi gặp không khí lạnh, cuối cùng rơi xuống mặt đất dưới dạng mưa hoặc tuyết, tuy nhiên trên vệ tinh Titan thì thành phần chính trong chu kỳ là hơi mêtan chứ không phải hơi nước. 

Các nhà nghiên cứu chưa từng nghĩ rằng mây mêtan có thể hình thành ở tầng bình lưu, do nhiệt độ trung bình của tầng bình lưu là -203 độ C, không đủ để biến hơi mêtan ở khu vực này thành băng. Tuy nhiên sau đó, giới khoa học đã khám phá ra nhiệt độ ở tầng bình lưu thấp là khác nhau ở những vĩ độ khác nhau trên mặt trăng Titan của sao Thổ. Theo dữ liệu tàu Cassini thu được, nhiệt độ trong tầng bình lưu ở phía trên cực Bắc thấp hơn so với phía Nam xích đạo. Do vậy, khoảng chênh lệch -12 độ C là đủ để hình thành mây băng mêtan trong tầng bình lưu.

Mây xà cừ trên Trái Đất khá giống với mây mêtan trên vệ tinh Titan của Sao Thổ

Mây xà cừ trên Trái Đất khá giống với mây mêtan trên vệ tinh Titan của Sao Thổ. Ảnh Daily Mail

Cơ chế hình thành mây ở tầng cao hơn khác với cơ chế hình thành ở tầng đối lưu. Vệ tinh Titan của Sao Thổ có chu kỳ lưu thông khí toàn cầu. Trong chu kỳ này, không khí ấm trong vùng bán cầu mùa hè bốc lên tầng bình lưu rồi trôi về phía bán cầu mùa đông, tại đây, khối khí này chìm xuống và nguội dần đi, tạo điều kiện cho mây mêtan tầng bình lưu hình thành. 

Các nhà nghiên cứu nhận định vệ tinh Titan của Sao Thổ có các quy trình tự nhiên giống với Trái Đất, điểm khác biệt duy nhất nằm ở chỗ nguyên liệu chính không phải là nước như ở Trái Đất. Cho dù vậy, Titan vẫn là một trong những thiên thể ngoài Trái Đất có thể tồn tại sự sống. 

Đinh Ly 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang