Cẩn trọng với chiêu lừa mua vé xe giả dịp Tết

author 13:32 31/01/2015

(VietQ.vn) - Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tâm lý nôn nóng của những người xa xứ mong có vé xe về Tết để trục lợi. Những chiêu thức và hành vi làm giả vé xe Tết Âm lịch của các đối tượng này hết sức tinh vi.

Mua phải vé xe giả qua facebook

Vừa qua, đường dây nóng báo Đời sống và Pháp luật nhận được thông tin phản ánh từ độc giả cho biết, có một số người chèo kéo bán vé xe Tết Âm lịch qua mạng có dấu hiệu lừa đảo.

Từ thông tin trên, PV đã lần theo những dấu vết của dân "lừa đảo" vé xe Tết Âm lịch qua mạng và phát hiện hình thức này không còn mới mẻ, nhưng trước nhu cầu đi lại của người dân vào thời điểm cận Tết, nó đã gây ra không ít phiền toái, nhất là những ai nhẹ dạ cả tin.Theo thông tin từ các nhà quản lý vé xe, vừa qua một vụ mua bán vé xe Tết giả qua mạng đã bị phát hiện kịp thời.

Được biết, chị T.H. mua vé xe Tết từ một người quen trên mạng qua facebook đi tuyến TP.HCM - Phú Yên. Sau khi nhận được vé, phát hiện có điểm khác biệt so với thông thường, nên chị H. sinh nghi mang đi kiểm chứng ở hãng. Khi tới hãng, các nhân viên ở đây cho biết đó là vé xe giả.

Vé xe Tết Âm lịch làm giả thương hiệu Cúc Tư (trên) và vé xe thật (dưới)

Vé xe làm giả thương hiệu của hãng Cúc Tư (trên) và vé xe thật (dưới). Ảnh ĐSPL

Chị H. cho biết, vé xe Tết Âm lịch mang tên hãng xe khách Cúc Tư, chị mua qua mạng với giá 480.000 đồng. Sau khi biết mình mua phải vé xe giả, chị H. liền gọi điện thoại vào số máy của người đã bán cho chị trước đó, thì chủ thuê bao đã khóa máy. 

Trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Phúc, trưởng phòng vé của hãng xe Cúc Tư cho biết, hai tấm vé này được làm giả khá tinh vi. Vé có đầy đủ các thông tin về ngày giờ đi, số xe, số ghế ngồi… nhưng thiếu một số thông tin nhận dạng như dấu giáp lai giữa hai liên vé cùng mã số thuế; số sêri in bằng mực đen ở phía trên góc phải; giá tiền trên vé thật đóng dấu bằng mực đỏ.

Ông Phúc cho biết thêm, hãng đã bán hết vé xe trong dịp cao điểm Tết từ ngày 12 đến 17/2 (tức từ 24 đến 29 tháng Chạp) nên bất kể ở đâu còn rao bán vé xe của hãng là giả mạo. Ngoài ra, hãng chỉ bán vé duy nhất ở phòng vé bên trong Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), không tổ chức bán vé ở ngoài, bán vé ở “chợ ảo”.

 “Trường hợp đã mua vé, cần sang nhượng lại thì hành khách nên đến quầy bán vé để nhà xe điều chỉnh thông tin người đi và hoàn toàn không mất thêm chi phí”, ông Phúc nói. Trường hợp mất gần nửa triệu đồng mua phải vé giả của chị H. là lời cảnh tỉnh với những ai nhẹ dạ cả tin đặt mua vé xe của những người rao bán trên mạng. Hình thức lừa đảo của những đối tượng này là khai thác điểm yếu về tâm lý cần vé về Tết của nhiều người.

 Trước thông tin xuất hiện vé xe giả trong dịp Tết, nhiều người xa xứ tỏ vẻ hoang mang.  Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống Pháp luật , nhiều nhà xe mang mác xe du lịch nhưng dịp giáp Tết vẫn tìm cách chở khách lẻ để kiếm thêm lợi nhuận.

Hầu hết các hãng xe này đều ở xa khu vực bến xe Miền Đông và bến xe Miền Tây nhằm đánh vào tâm lý lười biếng của người dân có nhu cầu đi lại. Một dịch vụ xe Tết Âm lịchmang tên T.N. được đặt ở hàng rào của một quán nhậu thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM chuyên phục vụ khách về Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi có biểu hiện thiếu minh bạch. Khi PV vào vai người có nhu cầu đặt vé xe tại đây, người tiếp nhận chỉ đưa mức giá và nói trước ngày về vài ngày, khách phải đến đóng tiền. Như vậy, không hề có một sự ràng buộc nào khiến người đặt vé xe Tết Âm lịch tại đây có thể đối diện với nguy cơ không có vé để về quê ăn Tết.

Làm sao để không dính bẫy?

Trước thông tin xuất hiện vé xe Tết Âm lịch giả, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe Miền Đông nhận định: "Việc làm giả vé xe của các doanh nghiệp hoạt động trong bến thỉnh thoảng có xảy ra. Có một điểm lưu ý với khách là nhiều trường hợp ở các quán cà phê hay các nhà ven đường, một số doanh nghiệp, nhà xe trưng bảng có bán vé xe Tết nhưng không có sự đảm bảo chắc chắn."

Để tránh sập bẫy mua phải vé xe Tết Âm lịch giả, người dân nên  tìm đến bến xe để mua vé từ quầy vé của các doanh nghiệp Để không sập bẫy mua phải vé xe Tết Âm lịch giả, người dân nên  tìm đến bến xe để mua vé từ quầy vé của các doanh nghiệp

"Một số doanh nghiệp này đến lúc cận Tết thường không đủ xe, dễ gặp trục trặc, người đặt vé không đi được thì không biết kêu ai. Nhiều người vẫn nghĩ đã lỡ mua vé Tết nhưng muốn trả lại vé cho các nhà xe không được như các năm khác nên lo lắng. Đó cũng là một phần nguyên do khiến nhiều nhóm làm vé xe giả lợi dụng, kiếm cớ bán vé trên mạng, lừa đảo", ông cho biết thêm. 

Ông Hải khuyến cáo: "Người dân nên tìm đến bến xe để mua vé từ quầy vé của các doanh nghiệp đang hoạt động trong bến để tránh mua phải vé giả. Nếu hành khách mua vé bên ngoài thì bến xe không thể giám sát được. Nếu trường hợp không có điều kiện để mua vé trước thì đến ngày đi cứ ra bến xe để mua vì luôn có một lượng xe bán vé đi ngay. Còn về vé giả, vé thật thì chỉ có doanh nghiệp mới phân biệt được vì mỗi đơn vị phát hành một loại vé xe mang đặc trưng riêng. Tại bến xe Miền Đông có 208 doanh nghiệp đăng ký, trong đó 108 doanh nghiệp đăng ký để vé cho bến xe bán, còn lại thì tự giao dịch bán vé."         

Phương Trâm (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang