VEPR: Khó khăn do Covid - 19 gây ra cũng là cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế

author 16:16 22/10/2020

(VietQ.vn) - Việt Nam “không được để lỡ cuộc khủng hoảng do dịch”, bên cạnh giải quyết mục tiêu tăng trưởng trước mắt cần tranh thủ tốt hơn việc đẩy nhanh tái cấu trúc, thúc đẩy những cải cách cơ bản của nền kinh tế.

Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phân tích Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn có được tăng trưởng dương dù khiêm tốn, sản xuất kinh doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguy cơ đại dịch có thể bùng mạnh trở lại vào mùa thu đông sẽ gây nhiều bất lợi nặng nề cho sản xuất và kinh doanh toàn cầu, ảnh hưởng này có thể còn kéo sang năm 2021.

VEPR cũng cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào khả năng chống dịch trên thế giới và việc kiểm soát dịch bệnh trong nước. Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong môi trường kinh tế thế giới đầy bất trắc. Bên cạnh đó là những điểm yếu và rủi ro nội tại của nền kinh tế vẫn còn.

Theo ông Phạm Thế Anh – Trưởng nhóm nghiên cứu của VEPR, bên cạnh những tác động tiêu cực từ dịch bệnh là những hạn chế sẽ tiếp tục khiến cho nền kinh tế gặp khó như: thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; hiệu quả đầu tư công; chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh vẫn còn thấp, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa đủ nhanh…

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh lưu ý một số nguy cơ, trong đó rõ nhất là về thương mại. Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và chúng ta chắc chắn bị “vạ lây”.

VEPR đưa ra 2 kịch bản dự báo và có điểm chung là dựa trên lòng tin rằng dịch bệnh được kiềm chế một cách tích cực ở trong nước cho đến hết năm 2020.

Cụ thể, ở kịch bản tốt, nếu dịch bệnh được khống chế ổn định, hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường, bệnh dịch có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia và mức độ tác động của COVID–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với hiện tại, thì kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6-2,8% trong cả năm 2020. “Khả năng cao là kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra theo kịch bản này”, chuyên gia Phạm Thế Anh dự báo.

Trong kịch bản bất lợi hơn, đó là dù dịch trong nước vẫn được khống chế, hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường nhưng dịch bệnh trên thế giới xấu đi, bùng phát mạnh ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới, các nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa thì kinh tế Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng trong khoảng 1,8-2,0%.

Ở kịch bản bất lợi này, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu. Khi đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng giảm động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng.

VEPR: Khó khăn do Covid - 19 gây ra cũng là cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế

 VEPR đưa ra 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam, ở kịch bản tốt Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6-2,8% trong cả năm 2020.

VEPR cho rằng cần kiên định với mục tiêu kép, tiếp tục có thêm chính sách và giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kéo dài các gói hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư công…

Đại diện VEPR và các chuyên gia khuyến nghị ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm mọi gánh nặng có thể cho doanh nghiệp (DN) như miễn giảm lãi vay, tiền thuê đất, cắt giảm kinh phí công đoàn (từ 2% quỹ lương xuống còn 1% ). Bên cạnh đó là các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu, phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng.

Các chuyên gia có cùng quan điểm của Chính phủ là việc hỗ trợ không dàn trải mà cần có sự chọn lọc, hướng tới các DN có khả năng phát triển trong tương lai, phù hợp với các xu hướng phát triển mới, hướng sự hỗ trợ tới những ngành nghề, có công nghệ, phát triển chuyển đổi số một cách thực chất.

VEPR cũng nhận định, trong khó khăn có những cơ hội. Bên cạnh giải quyết những mục tiêu trước mắt cần tranh thủ đẩy nhanh tái cấu trúc kinh tế, thúc đẩy những cải cách cơ bản của nền kinh tế, như thúc đẩy cổ phần hoá, đầu tư tư nhân hiệu quả… Cuộc khủng hoảng khó khăn “cuốn trôi” nhanh hơn những mô hình cũ, không còn phù hợp, có những DN sớm hay muộn cũng phải thay đổi hoặc “ra đi”. Do đó, nếu vội vàng tung ra các “gói cứu trợ” không đúng địa chỉ, vô hình trung gây lãng phí trong việc phân bổ, lấy nguồn lực từ nơi hiệu quả sang nơi kém hơn.

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, các chuyên gia vẫn khuyến nghị phải duy trì ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trước tiên, bảo đảm kiểm soát nợ công, cân đối ngân sách.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang