'Vết sẹo' kinh doanh

author 14:30 06/07/2019

(VietQ.vn) - Vụ gắn mác Made in Việt Nam cho ti vi xuất xứ Trung Quốc của Công ty Asanzo một lần nữa là tín hiệu cảnh báo về việc kinh doanh toan tính kiếm lời bằng lừa gạt và dối trá.

Vụ việc của Asanzo gần đây thực ra chỉ là phần kế tiếp của nhiều câu chuyện làm ăn không tử tế của một số doanh nghiệp đã bị vạch mặt trước đó. 

Điển hình là Công ty Khaisilk nhập hàng Trung Quốc về, dán mác Made in Việt Nam và bán cho hàng nghìn người tiêu dùng trong suốt 30 năm với mức giá cao hơn nhiều giá trị thật của những chiếc khăn nhập thẳng về từ bên kia biên giới.

Tiếc là Phạm Văn Tam, ông chủ Asanzo, người dẫn dắt công ty đến với ánh hào quang của nhiều giải thưởng danh giá như Hàng Việt Nam chất lượng cao, vẫn vướng vào vết xe đổ của Khaisilk. Lối làm ăn kém đạo đức này còn xuất hiện ở những cá nhân buôn bán và hộ kinh doanh cá thể.

Ngày mùng 1 âm vừa qua, như thường lệ, tôi sửa soạn thắp hương bàn thờ Thổ Công và Gia Tiên gia đình. Vì nhà đã có trái cây mới mua nên tôi đi mua hoa tươi ở chợ hoa Quảng Bá về thắp hương. Cô bán hoa đưa cho tôi bó cúc vàng khẳng định có đủ 20 bông, về nhà tôi đếm lại chỉ có 17 bông.

Nghĩ mà buồn. Chỉ là một bó hoa chưa tới 100.000 đồng mà cũng không trung thực. Suy rộng ra, đây là thứ bệnh dịch đang lan tràn trong mọi hoạt động mua bán, giao dịch ngoài xã hội, nó làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và làm tổn hại đến sự lành mạnh của môi trường kinh doanh.

Một quả mít cũng bị tiêm hoá chất làm cho mít tươi ngon nhưng rất độc hại. Bó rau muống xanh rờn rất ngon là nhờ bón thuốc tăng trưởng nhanh, chứa nhiều loại hoá chất gây hại cho sức khoẻ con người. Miếng thịt heo ở chợ được quảng cáo thịt heo sạch nhưng thực chất là con heo bị ép ăn thuốc tăng trọng để lấy thịt siêu nạc. 

Ở Hà Nội, dịp lễ Tết các điểm trông xe tư nhân tự phát “chém” khách gửi xe ô tô với mức giá “nhẹ nhàng” 200.000 đồng. Đến đôi giày nhiều quý ông đưa cho cậu đánh giày trong lúc uống ly cà phê ở phố cũng bị lén rạch để ép khách dán keo lấy 20.000 đồng. 

Ở quy mô lớn, một số doanh nhân nói hay về đạo đức kinh doanh nhưng làm thì tệ. Doanh nhân Khải Silk bị phát hiện… 30 năm nhập hàng Tàu về bóc mác Made in China ra rồi dán đè mác Made in Vietnam bán giá cao song thản nhiên đổ lỗi cho nhân viên bán hàng tự ý làm.

Mới đây, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Asanzo Phạm Văn Tam cũng bị điều tra với cáo buộc nhập hàng chục nghìn chiếc tivi 100% linh kiện Trung Quốc về Việt Nam và tự ý gắn nhãn Made in Vietnam để bán ra thị trường, đánh lừa rất nhiều người tiêu dùng trong đó có người nghèo. Bị phanh phui, ông Tam lên báo nói: “Sản phẩm của chúng tôi không phải hàng Việt Nam”!

Kinh khủng hơn là trường hợp ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch kiêm TGĐ VN Pharma táng tận lương tâm nhập lậu thuốc điều trị ung thư giả về bán cho người bệnh, kiếm siêu lợi nhuận trên bệnh tật của đồng bào. 

Từ người bán hàng nhỏ lẻ đến doanh nghiệp lớn, hiện tượng buôn gian bán lận, làm ăn kém đạo đức như một căn bệnh có xu hướng lan truyền với tốc độ nhanh và quy mô rộng, ngấm vào máu một bộ phận kinh doanh mà chưa có “kháng sinh đặc hiệu” chữa trị tận gốc.

Phải khẳng định các doanh nhân như Hoàng Khải, Phạm Văn Tam, Trịnh Sướng (làm giả xăng dầu)… rất giỏi nhìn ra lợi nhuận từ những kẽ hở của một nền kinh tế đang phát triển. Họ có tố chất kinh doanh, có khát vọng làm giàu nhưng thiếu cái tâm của doanh nhân tử tế. Tuy nhiên, việc các doanh nhân nói trên lựa chọn cách làm giàu bằng thủ đoạn mưu mô được tư duy chộp giật dẫn dắt là rất đáng lên án.

Bởi vì mỗi đồng lãi họ kiếm được đồng nghĩa với một đồng tiền lao động mồ hôi nước mắt của người dân lương thiện bị tước đoạt tinh vi. Luật pháp không cấm họ nhập hàng Trung Quốc song không có thứ luật lệ nào “bật đèn xanh” cho một doanh nghiệp được quyền lách luật và đánh lừa người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính.

“Vết sẹo” ở các trường hợp Khaisilk và Asanzo chính là lối làm ăn bất minh của các công ty này, khi họ cố tình tẩy xoá nguồn gốc xuất xứ của sản phầm, nhập nhèm đánh tráo mác Made in Việt Nam để nhắm vào niềm tự hào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của hàng triệu khách hàng trót trao gửi niềm tin cho họ. “Vết sẹo” do kinh doanh thiếu đạo đức sẽ vĩnh viễn không thể tẩy rửa, bởi họ đã bắt người tiêu dùng làm con tin.

Hàng giả, hàng nhái, hàng giả nguồn gốc xuất xứ đang làm đau đầu Nhà nước, làm khổ người tiêu dùng. Càng đau đớn hơn khi người tiêu dùng phát hiện ra các thương hiệu của người Việt lâu nay họ tin yêu lại có dã tâm lừa dối họ có hệ thống. Chiếc mặt nạ đạo đức giả của một số doanh nghiệp đã rơi xuống, để lộ khuôn mặt thật của họ. Và công chúng nhận thấy thứ ngôn từ hoa mỹ họ phát ngôn trước khi bị lật tẩy cũng… giả nốt!

“Tôi kinh doanh với một tấm lòng trung thực” (Hoàng Khải); “Tiền có thể hết nhưng chữ tín phải giữ. Nếu người tiêu dùng quay đầu thì đây chính là bản án tử cho doanh nghiệp” (Phạm Văn Tam).

Trong kinh doanh, mỗi sản phẩm sản xuất ra phải được coi là lời cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng về chất lượng hàng hoá. Lời cam kết ấy phải chắc chắn đến mức như cây đinh đóng xuống gỗ, không thể nhổ ra. Mỗi đồng tiền người tiêu dùng móc ví trả cho sản phẩm không chỉ có ý nghĩa vật chất đơn thuần, nó chính là biểu tượng của niềm tin họ dành cho nhà sản xuất.

Lẽ ra doanh nghiệp phải biết trân quý và đáp lại bằng việc làm ăn tử tế, có trách nhiệm với cộng đồng. Khi chọn phản bội lại lòng tin của người tiêu dùng cũng chính là lúc “chiếc lâu đài” được doanh nghiệp dựng trên cát sụp đổ bởi chúng không có nền móng của đạo đức.

Trong cuốn sách “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” của nhà sáng lập Công ty Kyocera và Công ty KDDI (Nhật Bản), ông Inamori Kazuo, có trích lại điều di huấn thứ 35 của vị samurai nổi tiếng Nhật Bản Saigo Takamori thời Minh Trị Duy Tân: “Làm việc gì mà lừa người, âm mưu mờ ám thì cho dù có dựng nên sự nghiệp vẫn không thoát khỏi con mắt tinh tường của thế gian. Và không có gì xấu xí bằng lừa lọc”.

Các doanh nghiệp gian dối đang phải trả giá rất đắt cho việc làm sai trái của mình khi thị trường dành cho họ “bản án tử”: người tiêu dùng quay đầu, bên cạnh bản án của pháp luật!

Chủ tịch VCCI: Asanzo theo con đường 'chụp giật'(VietQ.vn) - Vụ việc Asanzo trước tiên là vi phạm pháp luật, sau là vi phạm đạo đức kinh doanh, thiếu trách nhiệm đối với xã hội và đó là con đường “chụp giật”.

Theo Nhà đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang