Vi khuẩn đường ruột có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, giảm chức năng sau đột quỵ

authorHương Giang 14:47 11/07/2021

(VietQ.vn) - Hệ vi sinh vật đường ruột tác động đến mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và suy giảm chức năng sau đột quỵ, kết quả mang phương pháp tiềm năng mới giúp điều trị hoặc ngăn ngừa đột quỵ.

Những phát hiện mới từ các nhà nghiên cứu của Cleveland Clinic lần đầu tiên cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột tác động đến mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và suy giảm chức năng sau đột quỵ. Kết quả của nghiên cứu được công bố trên Cell Host & Microbe, đặt nền tảng cho cách tiếp cận mới tiềm năng để giúp điều trị hoặc ngăn ngừa đột quỵ.

Nghiên cứu dẫn đầu bởi hai Tiến sĩ Weifei Zhu và Stanley Hazen, thuộc Viện Nghiên cứu Lerner của Cleveland Clinic xem xét vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột đối với sức khỏe tim mạch và bệnh tật. Ngoài ra, họ còn nghiên cứu cả những tác động bất lợi của TMAO (trimethylamine N-oxide) - một sản phẩm phụ được tạo ra khi vi khuẩn đường ruột tiêu hóa một số chất dinh dưỡng có nhiều trong thịt đỏ và các sản phẩm động vật khác.

Nghiên cứu mới cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột tác động đến mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và suy giảm chức năng sau đột quỵ. (Ảnh minh hoạ)

Tiến sĩ Hazen, Chủ nhiệm Khoa Khoa học Tim mạch & Chuyển hoá, Giám đốc Trung tâm Vi sinh vật & Sức khỏe con người của Cleveland Clinic cho biết: "Trong nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy choline và TMAO trong chế độ ăn uống tạo ra kích thước và mức độ nghiêm trọng của đột quỵ lớn hơn và kết quả kém hơn ở các mô hình động vật. 

Đáng chú ý, chỉ cần cấy ghép các vi khuẩn đường ruột có khả năng tạo ra TMAO là đủ để gây ra sự thay đổi lớn về mức độ nghiêm trọng của đột quỵ”.

Trước đó, Tiến sĩ Hazen và nhóm của ông đã phát hiện rằng, nồng độ TMAO tăng cao có thể dẫn đến sự phát triển của bệnh tim mạch. Trong các nghiên cứu lâm sàng với hàng nghìn bệnh nhân, họ đã chỉ ra nồng độ TMAO trong máu dự đoán nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong trong tương lai. Cùng các nghiên cứu trước đó, cũng do Tiến sĩ Zhu và Hazen, là những người đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa TMAO và tăng nguy cơ đông máu.

Tiến sĩ Hazen cho biết: “Nghiên cứu mới được mở rộng dựa trên những phát hiện này và lần đầu tiên cung cấp bằng chứng cho thấy vi khuẩn đường ruột nói chung - cụ thể là TMAO có thể tác động trực tiếp đến mức độ nghiêm trọng của đột quỵ hoặc suy giảm chức năng sau đột quỵ”.

 Chế độ ăn nhiều thịt đỏ được cho là làm tăng số lượng vi khuẩn đường ruột có tác động tới nguy cơ bị đột quỵ và suy giảm chức năng sau đột quỵ. (Ảnh minh hoạ)

Các nhà nghiên cứu đã so sánh tổn thương não trong các mô hình đột quỵ tiền lâm sàng giữa những người có mức TMAO tăng hoặc giảm. Theo thời gian, những người có mức TMAO cao hơn bị tổn thương não nhiều hơn và mức độ suy giảm chức năng vận động, nhận thức sau đột quỵ nhiều hơn. 

Họ cũng phát hiện ra những thay đổi trong chế độ ăn uống làm thay đổi mức TMAO, chẳng hạn như ăn ít thịt đỏ và trứng, ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của đột quỵ. "Chức năng sau đột quỵ xảy ra khi dòng máu lên não bị tắc nghẽn, là mối quan tâm lớn đối với bệnh nhân. Để hiểu liệu choline và TMAO có ảnh hưởng đến chức năng sau đột quỵ hay không, ngoài mức độ nghiêm trọng của đột quỵ, chúng tôi đã so sánh hiệu suất trên các nhiệm vụ khác nhau trước đột quỵ, trong khoảng thời gian cả ngắn hạn và dài hạn sau đột quỵ”, Tiến sĩ Hazen nói.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng một loại enzyme vi khuẩn đường ruột quan trọng đối với sản xuất TMAO được gọi là CutC đã làm tăng mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Theo Tiến sĩ Zhu, nhắm mục tiêu vào loại enzyme vi khuẩn đường ruột này có thể là một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để ngăn ngừa đột quỵ. 

“Khi chúng tôi làm im lặng về mặt di truyền gen vi khuẩn đường ruột mã hóa CutC, mức độ nghiêm trọng của đột quỵ giảm đáng kể. Các nghiên cứu tiến hành đang khám phá phương pháp điều trị này, cũng như tiềm năng của các can thiệp chế độ ăn uống giúp giảm mức TMAO và nguy cơ đột quỵ. Chế độ ăn phương Tây và chế độ ăn giàu thịt đỏ đều làm tăng mức độ TMAO. Vì thế, thay đổi sang chế độ ăn giàu protein từ thực vật sẽ giúp giảm TMAO”, bà nói.

Hương Giang (theo: Science Daily)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang