Vi phạm bản quyền và nỗi lo đạo đức kinh doanh

author 13:29 17/10/2013

Vi phạm bản quyền phần mềm được hiểu là việc sao chép hoặc phát tán trái phép phần mềm có bản quyền bằng cách sao chép, tải xuống, chia sẻ, bán, hoặc cài đặt nhiều lần một bản sao vào máy tính cá nhân hoặc máy tính làm việc.

Theo khảo sát của Liên minh phần mềm Việt Nam (BSA), Việt Nam đã từng là một trong những quốc gia bị xếp hạng có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất trên thế giới. Năm 2003, Việt Nam đứng thứ 1 trên thế giới về vi phạm bản quyền với tỷ lệ vi phạm bản quyền là 93%. Tuy nhiên, năm 2011 tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam đã giảm xuống còn 81%, đứng hạng 22 trên thế giới.

Một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ vi phạm bản quyền của Việt Nam được giảm xuống là do vấn đề vi phạm bản quyền được các cơ quan chức năng quan tâm, thanh kiểm tra chặt chẽ và hiệu quả hơn, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vấn đề liên quan đến bản quyền được qui định rõ trong các văn bản pháp luật trong nước và quốc tế. Cụ thể, tại phần II về Quyền tác giả và quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Mục 1 về Bản quyền và các quyền liên quan trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO (TRIPS), Điều 4 Hiệp ước của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về quyền tác giả, và đây cũng là vấn đề đang được đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chương trình Hợp tác Bảo vệ Bản quyền Phần mềm được Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao & Du Lịch và BSA ký kết vào ngày 26/8/2008 cũng đóng góp một phần quan trọng cho tiến bộ này.

Tuân thủ quy định về bản quyền sẽ tạo vị thế, lợi thế cạnh tranh trong đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu. Việc tuân thủ này cũng giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh thông qua hình ảnh tốt đẹp hơn và tạo ra sự khác biệt rõ ràng so với các nhà xuất khẩu sử dụng nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) và các phần mềm bất hợp pháp. Hơn thế nữa, nếu các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vi phạm bản quyền rất có thể sẽ gặp một số hạn chế nhất định trong xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là đối mặt với nguy cơ cao bị áp thuế chống bán phá giá trong các cuộc điều tra chống bán phá giá của các cơ quan điều tra có thẩm quyền nước ngoài đối với hàng hoá xuất khẩu bị điều tra của Việt Nam.


Theo Điều 2.1 Hiệp định Chống bán phá giá của WTO, khi giá xuất khẩu của một sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường thì sản phẩm đó bị coi là bán phá giá. Trong quá trình điều tra chống bán phá giá, cơ quan điều tra có thể cộng thêm chi phí thực tế mua bản quyền vào chi phí sản xuất hàng hoá để tính giá trị thông thường của sản phẩm và biên độ phá giá. Việc gộp chi phí đầu tư cho nền tảng CNTT và phần mềm có bản quyền này vào tổng chi phí sản xuất sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất do các doanh nghiệp không phải bỏ ra các khoản chi phí để đảm bảo việc sử dụng nền tảng CNTT và các phần mềm hợp pháp. Điều này dẫn đến hai khả năng: (i) làm tăng giá trị thông thường của sản phẩm trong khi giá xuất khẩu không đổi, dẫn đến hàng hoá có bán phá giá;[2] (ii) đối với những sản phẩm đã tồn tại bán phá giá thì làm tăng biên độ phá giá.[3] Hàng hoá xuất khẩu do vậy sẽ hoặc là bị áp một mức thuế chống bán phá giá nhất định nào đó hoặc là phải chịu một mức thuế chống bán phá giá cao hơn.

Hơn thế nữa, Việt Nam chưa được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường bởi hai đối tác thương mại lớn nhất hiện nay là Hoa Kỳ và Liên minh châu âu, trong khi đó đây lại là hai nước tiến hành các vụ điều tra chống bán phá giá nhiều nhất đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam so với các đối tác thương mại khác (hiện Việt Nam đã được 38 quốc gia công nhận là nước có nền kinh tế thị trường). Trong quá trình tính toán giá trị thông thường của sản phẩm, các cơ quan điều tra từ hai thị trường này thường áp dụng dữ liệu và giá cả được lấy từ một quốc gia thay thế (“surrogate country”), như Bangladesh, Indonesia, là những nước có tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao.[4] Việc sử dụng giá trị thay thế này của cơ quan điều tra để tính toán giá trị thông thường đối với các sản phẩm bị điều tra làm cho chi phí giá thành sản phẩm tăng lên, theo đó, biên độ phá giá cũng tăng.

Tại Hoa Kỳ, Đạo luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh có tên “Vi phạm bản quyền Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin” được được ban hành năm 2011 nhằm mục đích ngăn chặn việc sử dụng các phần mềm, phần cứng vi phạm bản quyền ở nước ngoài, đặc biệt là các nước đang phát triển. Trong trường hợp vi phạm, các tổ chức, cá nhân bán sản phẩm có thể bị phạt ít nhất là 20.000 USD và phải bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan do các sản phẩm vi phạm gây ra. Ngoài ra Chính quyền các bang có thể quyết định cấm sản phẩm vi phạm lưu hành trong phạm vi Bang (Luật này có hiệu lực tại 41 Bang của Hoa Kỳ).

Do vậy, có thể nói việc tuân thủ qui định về bản quyền phần mềm không những mang lại lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp như tăng niềm tin với khách hàng, lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ vi phạm bản quyền, tránh nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hoá xuất khẩu mà còn thể hiện sự văn minh trong kinh doanh, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp trong con mắt của các đối tác nước ngoài, đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp trong xu hướng cạnh tranh toàn cầu như mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu và xuất khẩu bền vững, đặc biệt khi Việt Nam đã là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Hiện đã có một công cụ đơn giản và hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa nâng cao hiệu quả quản trị và khai thác các tài sản phần mềm, vừa đảm bảo việc tuân thủ các pháp luật và quy định của Việt Nam và quốc tế là Verafirm. Verafirm không chỉ giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam đơn giản hóa công tác quản trị tài sản phần mềm, mà quan trọng hơn còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua việc sử dụng hữu hiệu công nghệ thông tin. Khi gia nhập hệ thống này, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng quản lý phần mềm, lưu trữ hồ sơ về những sản phẩm đã mua. Doanh nghiệp đăng ký với Verafirm sẽ nhận được chứng thực của Verafirm, giống như một chứng chỉ khẳng định doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc luật sở hữu trí tuệ và đạo đức kinh doanh.

Thạc sỹ - luật sư Phạm Vân Thành
Theo VCA

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang