Vi rút lạ khiến phổi của vị đạo diễn nổi tiếng trắng xóa là thật?

author 20:01 14/09/2017

(VietQ.vn) - Tin đồn vi rút lạ khiến phổi của một vị đạo diễn nổi tiếng bị trắng cả hai bên và hầu như không thở được, bị hủy hoại 70% chỉ trong vòng hai ngày khiến dư luận hoang mang.

Theo thông tin trên báo điện tử Khám phá, những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin đạo diễn Vũ Thành Vinh – người thực hiện nhiều gameshow nổi tiếng - bị một căn bệnh lạ “quật ngã” và chưa rõ do loại virus nào tấn công.

Theo chia sẻ này, phổi của đạo diễn Thành Viên đã hư 70% và đang hôn mê, nằm trong phòng điều trị đặc biệt. Hiện tại, bác sĩ hàng đầu TP. HCM đã hội chẩn nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân để xác định chính xác căn bệnh.

“Đầu năm, có 1-2 ca tương tự tình trạng bệnh và không qua khỏi sau 1-2 ngày nhập viện. Con vi rút này gây sốt và ho giống như bị cúm hoặc viêm phổi thông thường nên khó biết được để ngăn chặn ngay từ đầu”, một người cho biết.

Báo Dân trí đưa tin, BS Phạm Minh Huy, khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy xác nhận đúng là đạo diễn Vũ Thành Vinh đang điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt của BV. Bệnh nhân Vinh được xác định bị viêm phổi cộng đồng, nghi ngờ do vi rút nhưng xét nghiệm tất cả loại vi rút đều âm tính.

Tấm phim chụp phổi của bệnh nhân. Ảnh: Dân trí

 Tấm phim chụp phổi của bệnh nhân. Ảnh: Dân trí

Cụ thể, bệnh nhân vào điều trị tại một BV khác ở TP. HCM vào ngày 6/9, sau đó chuyển đến khoa Hô hấp BV Chợ Rẫy vào ngày 7/9. Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi cộng đồng, chậm đáp ứng với điều trị, kèm theo giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, cho thở máy.

Đến ngày 10/9, bệnh nhân được đưa lên khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) cùng với các chẩn đoán viêm phổi cộng đồng tiến triển nhanh, giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, sốt rất cao, phổi trắng hai bên và hầu như không thở được.

“Từ đầu cho đến bây giờ chúng tôi vẫn nghi ngờ bệnh nhân bị viêm phổi do vi rút vì diễn tiến bệnh của người này có sốt, ho khan, đau nhức toàn thân, kèm theo tiêu chảy, bạch cầu máu không tăng, giống hoàn toàn với biểu hiện của nhiễm vi rút toàn thân. Tuy nhiên, qua các xét nghiệm, kết quả đều âm tính với tất cả loại vi rút cúm A như Aviana, H1N1 hay H5N1” - BS Huy cho biết.

Mặc dù không xác định được loại vi rút nào nhưng ngay từ khi vào điều trị bệnh nhân đã được dùng các loại thuốc kháng vi rút và tình trạng bệnh nhân này đáp ứng rất tốt với các điều trị vi rút. Do đó, bây giờ khẳng định có vi rút lạ hay không rất khó.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, Bác sĩ Huy khẳng định trường hợp mắc bệnh như người này không có gì lạ vì không phải trường hợp người bệnh nào cũng có kết quả dương tính, mà vẫn có một tỉ lệ cho kết quả âm tính giả do những sai sót trong lúc lấy mẫu, làm xét nghiệm.

Bác sĩ Minh Huy cho biết khoa hồi sức cấp cứu cũng điều trị cho một số trường hợp viêm phổi do virút nhưng có diễn tiến bệnh rất nặng.

Bệnh nặng phụ thuộc vào những yếu tố như tùy vào cơ địa người bệnh, tùy vào con vi rút và có thể do thời gian bắt đầu điều trị trễ, làm thời gian bắt đầu dùng thuốc kháng virút của bệnh nhân trễ.

Từ đầu năm đến nay, trong khoa có khoảng 5-7 ca tử vong do mắc bệnh viêm phổi do vi rút. Trước khi viêm phổi, người bệnh có biểu hiện đau nhức mình mẩy, mệt mỏi, sổ mũi, kèm theo đau cổ họng, ho khan, có thể kèm theo tiêu chảy. Trường hợp như ông V. không hiếm. Mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy gặp từ 15-20 trường hợp.

Trẻ sơ sinh mắc viêm phổi đầu tiên được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO (VietQ.vn) - Lần đầu tiên, bằng phương pháp sử dụng màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO), các bác sĩ khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cứu sống một bé sơ sinh bị viêm phổi nặng (ARDS), suy tuần hoàn.

Thuốc đặc hiệu điều trị cho người bệnh không "đánh" một con vi rút nào mà "đánh" tất cả các loại vi rút gây nhiễm trùng đường hô hấp. Đến nay, các bác sĩ chỉ biết người bệnh nhiễm một con nào đó chứ chưa tìm ra được. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn có một tỉ lệ bệnh nhân không tìm thấy virút như trường hợp này.

Các hướng dẫn điều trị trên thế giới cũng ghi rằng chỉ cần nghi ngờ có nhiễm vi rút các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc ngay lập tức, còn các xét nghiệm thì sẽ tính sau vì đánh virút càng sớm thì khả năng cứu sống người bệnh càng cao.

Ánh Nguyệt (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang