Vì sao 14 bệnh viện ở Đắk Lắk hết tiền trả lương?

author 09:49 10/12/2015

Tháng cuối năm, ngành Y tế Đắk Lắk bề bộn chuyện “đau đầu” không phải vì sức khỏe toàn dân, mà vì phải xử lý khẩn cấp tình trạng cạn nguồn quỹ lương ở các bệnh viện, nan giải vấn nạn rác thải gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa thành phố, lại phải làm việc liên tục với các đoàn điều tra, thanh tra.

Bệnh nhân chờ khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Buôn Ma Thuột

Thu không đủ chi!

Tình trạng cạn nguồn thu tại hầu hết các bệnh viện thuộc Sở Y tế Đắk Lắk đã khiến hàng nghìn cán bộ công nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh bị chậm trả lương tháng 11/2015. Trong đó, đơn vị thiếu tiền nhiều hơn cả là Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đắk Lắk.     

Được giám đốc ủy quyền làm việc với báo Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Tuyên, kế toán trưởng BVĐK tỉnh cho biết: Theo quyết định của giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk về việc giao dự toán thu-chi ngân sách Nhà nước năm 2015, thì ngân sách chỉ cấp 70% quỹ lương theo Nghị định 85, phần 30% quỹ lương còn lại đơn vị dùng nguồn tự thu. Tuy nhiên giá thu dịch vụ y tế cho đến nay chưa bao gồm tiền phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và chi phí tiền lương, nên BVĐK tỉnh đã phải làm tờ trình xin bổ sung 21,727 tỷ đồng. Trong thời gian chờ tỉnh phê duyệt, BVĐK tỉnh phải khất nợ tiền thuốc, vật tư y tế... với các nhà cung cấp, dùng tiền thu viện phí tạm ứng lương tháng 11 cho gần 1.200 cán bộ nhân viên.

Các bệnh viện khác cũng tạm “chữa cháy” theo kiểu BVĐK tỉnh. Bà Nguyễn Thị Vân trưởng phòng Kế toán BVĐK TP Buôn Ma Thuột cho biết từ tháng 9/2015 đơn vị này đã báo cáo lên Sở về mức dự thu 61 tỷ đồng năm 2015 không đạt yêu cầu, ước chỉ thu được khoảng 54,7 tỷ đồng, ngày 5/10 BV đã có Tờ trình gửi Sở Y tế, Sở Tài chính xin bổ sung 2,834 tỷ đồng trả lương, đang chờ được duyệt.

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Từ Thái Giang Giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk cho biết việc ngành Y tế thu không đạt dự toán đầu năm có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do khách quan, tỉnh có trách nhiệm sớm bổ sung nguồn lương cho 14 BV toàn tỉnh, tổng cộng 34 tỷ đồng. Tài chính đã trình lãnh đạo tỉnh. Theo quy trình, UBND tỉnh phải có sự thống nhất của Thường trực Hội đồng mới ra được quyết định giải ngân. Nếu mọi việc thông suốt, vài ngày tới vấn đề chậm lương ngành Y tế nội tỉnh hy vọng xử lý xong.

Khổ vì rác

So với việc chậm lương, thì chuyện ùn tắc rác thải độc hại tại BVĐK TP Buôn Ma Thuột (BV) đáng đau đầu gấp bội lần hơn, với những người đứng đầu BV và ngành Y tế tỉnh.

Năm 2010, BV chuyển từ cơ sở cũ về tòa nhà mới xây khang trang tổng đầu tư 34 tỷ đồng, lò đốt rác cũ cổ lỗ sĩ chạy bằng dầu diezel chuyên xử lý rác thải rắn y tế sắm từ năm 2006 cũng được theo về nhà mới.

Lò đốt cổ lỗ sĩ này không ngừng tỏa khói mù kèm mùi hôi thối vào khu dân cư, khiến BV liên tục bị khiếu nại. Cuối năm 2012, bác sĩ Doãn Hữu Long về nhậm chức giám đốc BV, đã  ký hợp đồng mua máy xử lý rác thải y tế mới có tên Sterishred 250, giá 2,99 tỷ đồng. Tháng 9/2013, cỗ máy này chính thức vận hành, nhưng chỉ nửa tháng sau đã liên tục trục trặc, rồi... hỏng luôn. Nhà cung cấp nhiều lần cử chuyên gia đến sửa không xong, nên BV lại lôi lò đốt cũ ra dùng tiếp.

BS Long lên chức giám đốc Sở Y tế. Bs Y Lâm Niê về thay, chịu đựng cảnh đơn thư khiếu nại BV gây ô nhiễm nghiêm trọng bay như bươm bướm. Trong năm 2014, BV đã phải nộp phạt hành chính 15,6 triệu đồng vì vi phạm nguyên tắc vệ sinh môi trường. Cuối năm 2014, BV mừng rỡ khi ký được hợp đồng xử lý rác thải y tế rắn với Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk. Từ đó đến tháng 6/2015, Bệnh viện Tâm thần đã xử lý gần 9,5 tấn rác thải y tế cho BV với tổng kinh phí hơn 227 triệu đồng. Nhưng tới khâu thanh toán, thì gặp trục trặc, vì Bệnh viện Tâm thần không có chức năng kinh doanh về lĩnh vực này, không có hóa đơn giao cho BV hạch toán.

Toàn tỉnh Đắk Lắk không có doanh nghiệp nào chuyên vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, nên BV phải xuống tận TP Hồ Chí Minh hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường Tân Hồng Ngọc mỗi tháng vài lần đánh xe lên Buôn Ma Thuột thu gom. Theo quy định, rác thải rắn y tế không được để lưu cữu quá 48 giờ, nên BV đành ráo riết “bắt đền” công ty đã bán cỗ máy đốt rác hỏng gần 3 tỷ đồng. Tháng 8/2015, công ty này chở 1 máy “đốt rác tạm” khác đến cho BV mượn xài đỡ, rồi tháng 9 tới chở cỗ máy hỏng đi, để lại 1 tờ công văn hẹn 10 tháng sau, tức tới... tháng 7/2016 mới bàn giao lò đốt rác khác cho BV.

Lò đốt rác tạm không cứu vãn nổi tình thế. BV đốt rác ban ngày thì trường học khiếu nại, đốt rác chiều tối thì cả khu phố ăn chơi sầm uất dọc đường Nguyễn Khuyến đồng loạt la ó. Báo đài phản ánh. Ngày 19/11/2015 bác sĩ Doãn Hữu Long phải ký công văn yêu cầu BV tạm ngưng dùng lò đốt rác, tự liên hệ nơi xử lý, và đốc thúc nhà cung cấp máy khẩn trương bàn giao máy mới.

Làm việc với báo Tiền Phong ngày 9/12, BS Y Lâm Niê than: Bắt BV ngưng đốt rác khác nào bắt BV ngừng hoạt động, vì trên địa bàn không nơi nào giúp BV xử lý được loại rác thải y tế độc hại cả !? Không thể để những túi bông gạc máu me, các phần mô cơ cắt bỏ sau phẫu thuật nhung nhúc ruồi bọ chất tràn kho chứa, BV phải chuyển qua đốt rác lúc nửa đêm, 2 nhân viên kỹ thuật điện nước của BV hằng đêm thay nhau thức 2-3 tiếng đốt rác. Vẫn chưa xong, cách đây hơn 1 tuần ống khói lò đốt tạm gãy gục, lò đành ngưng hoạt động. Phóng viên ra khu vực lò đốt rác, nín thở ngó thảm cảnh ô nhiễm mà thương cho BV, thương cả khu dân cư khổ sở quá lâu vì rác thải độc hại.  

Rác thải y tế độc hại đang dồn ứ tại BV ĐK Buôn Ma Thuột

Liên tục điều tra, thanh tra

 Sau khi báo Tiền Phong đăng các bài điều tra về các sai phạm trong đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phải chỉ đạo điều tra làm rõ, xử lý nghiêm, đúng pháp luật các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2015.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, tân Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã ra quyết định thành lập đoàn liên ngành để thanh tra về việc đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế Đắk Lắk từ năm 2011 đến tháng 9/2015.

Chiều ngày 9/12, trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Nghị cho biết quá nhiều vụ việc cần làm rõ nên hết thời hạn 1 tháng, đoàn liên ngành vẫn chưa thanh tra xong. Tỉnh đã báo cáo gấp lên Thủ tướng xin gia hạn thêm thời gian. Quan điểm của ông, là nếu Công an tỉnh thấy đã đủ cơ sở kết luận, thì cứ khởi tố, không cần chờ kết quả thanh tra.

Trả lời báo Tiền Phong vì sao cơ quan điều tra vào cuộc đã lâu vẫn chưa kết luận được vấn đề? Chiều ngày 9/12 Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục củng cố hồ sơ, chứ không phải chờ thanh tra. Khi có kết luận điều tra chính thức sẽ sớm cung cấp thông tin cho báo chí.

Theo Tiền Phong


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang