Vì sao 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật Bản?

author 12:49 06/04/2019

(VietQ.vn) - Ngày 2/4, Trung tâm Y tế Cộng đồng TP.Osaka (Nhật Bản) yêu cầu công ty nhập khẩu thu hồi toàn bộ 18.000 chai tương ớt Chin-su có xuất xứ Việt Nam do chứa phụ gia thực phẩm chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật Bản.

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tạ Đức Minh - tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản xác nhận thông tin được đăng tải trên trang thông tin của thành phố Osaka - www.city.osaka.lg.jp từ ngày 2/4. Theo đó, những chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan bị thu hồi do chứa phụ gia thực phẩm (axit benzoic, axit sorbic...) chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật, vi phạm điều 11 khoản 2 Luật vệ sinh thực phẩm.

Theo trang này, ngày 8/3, cán bộ giám sát an toàn thực phẩm của Cục Y tế và phúc lợi thành phố Tokyo tiến hành kiểm tra sản phẩm tương ớt dán nhãn Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam của tập đoàn Javis, Nhật vì nghi ngờ vi phạm Đạo luật Vệ sinh thực phẩm và Đạo luật Nhãn thực phẩm.

 
Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo lượng axit benzoic được phép tiêu thụ hàng ngày không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người là 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Tức nếu một người có trọng lượng 50kg thì được phép tiêu thụ 0,25g axit benzoic/ngày.
 

Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka lập tức mở cuộc điều tra tại Javis. Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi xác định lô hàng tương ớt nhập khẩu ngày 7/12/2018 từ Việt Nam có chứa chất cấm phụ gia axit benzoic.

Thông tin trên trang www.city.osaka.lg.jp cho biết, chính quyền Osaka xác nhận chỉ có một công ty vi phạm là Công ty Javis, có trụ sở tại Higashi-ku, Osaka và giám đốc đại diện là Yasuhiro Naka đã nhập khẩu lô hàng có chứa chất cấm theo tiêu chuẩn của Nhật.

Về phía hàng hóa vi phạm, trang thông tin thành phố Osaka ghi rõ: "Tên sản phẩm: tương ớt Chin-su, xuất xứ: Masan Việt Nam, hạn dùng: 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019".

Tương ớt Chin-su vi phạm khoản 2 điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật do axit benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.

Trả lời báo chí về vấn đề này, đại diện của Tập đoàn Masan cho biết công ty không xuất khẩu các sản phẩm tương ớt trực tiếp trên thị trường Nhật Bản. "Thực tế thì tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của mỗi nước khác nhau sẽ khác nhau, điều này không phản ánh chất lượng sản phẩm của Masan", vị này cho biết.

Các sản phẩm của Masan cũng khi rõ trên nhãn rằng sử dụng cho thị trường nào, ví dụ sản phẩm Tương ớt Chin-su như trên chỉ sử dụng cho thị trường Việt Nam. Theo đại diện Masan, đây khả năng là hàng không rõ xuất xứ.

Theo luật an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, acid benzoic là chất không được phép sử dụng trong các sản phẩm tương ớt của nước ngày; sản phẩm "Tương ớt Chin-su" nói trên cũng không được nhà nhập khẩu ghi rõ thành phần.

 Hình ảnh sản phẩm Chin-su (mặt sau) với ngày hết hạn 10/6/2019 - Ảnh: Osaka City

Theo kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo thuộc Viện nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Tokyo, hàm lượng axit benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật lần lượt 0,41g/kg với các chai có hạn dùng 10-6-2019, 0,44g/kg với hạn dùng 17/6/2019 và 0,45g/kg với hạn dùng 6/7/2019.

Tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán cho Công ty TNHH Công nghiệp ISC từ tháng 10 đến tháng 12/2018.

 Hình ảnh sản phẩm Chin-su (mặt sau) với ngày hết hạn 17/6/2019 - Ảnh: Osaka City

Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã liên hệ với đại diện Masan để làm rõ thêm các vấn đề liên quan, tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhận được hồi âm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên!

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Công nghệ thực phẩm cho biết, axit benzoic là axit nằm trong trong nhóm chất bảo quản để chống hiện tượng mốc và sự phát triển sinh vật trong thực phẩm. Trên thế giới, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (Ủy ban Codex) có cho phép sử dụng chất này để bảo quản thực phẩm với hàm lượng là 0,1% trong sản phẩm.

“Tuy nhiên, tùy quốc gia có cho phép hay không cho phép, Nhật Bản là quốc gia không cho phép sử dụng trong tương ớt. Vì vậy phải tùy sản phẩm bán cho nước nào để doanh nghiệp bổ sung chất đó hay không.

Không thể nói luật pháp Việt Nam cho phép mà nước khác phải công nhận. Ở đây khi xuất khẩu sang Nhật Bản, đáng lẽ ra Masan phải có tham khảo quy định của nước sở tại trước khi đem sản phẩm sang bán” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Lý giải việc Ủy ban Codex chỉ cho phép đưa 0,1% axit benzoic vào trong thực phẩm PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, axit benzoic cũng như bất kỳ chất hóa học nào dùng trong thực phẩm đều có hại khi nồng độ, hàm lượng vượt ngưỡng cho phép, tức vượt ngưỡng GMP (thực hành sản xuất tốt). Ở đây như thông tin do quy định về an toàn thực phẩm Nhật Bản không cho phép sử dụng axit benzoic trong tương ớt thì việc thu hồi là điều dễ hiểu.

Được biết, khi axit benzoic vào cơ thể với hàm lượng nhiều sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein bị mất do tác dụng với acid benzoic để giải độc. Ngoài ra, acid benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.

 

Australia: Thu hồi các sản phẩm trứng do nhiễm Salmonella nguy hiểm(VietQ.vn) - Ash and Sons Eggs Pty Ltd là một công ty gia đình của Úc chuyên sản xuất trứng đã phải thu hồi một số lượng các sản phẩm của mình.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang