Vì sao bằng giả có “đất sống”?

author 07:31 17/03/2014

Vấn nạn bằng giả, học giả hiện đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng trên nguyên nhân chính là do tâm lý trọng bằng cấp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Tất Dong (ảnh)-Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

Ông có thể lý giải vì sao hiện nay bằng giả vẫn có đất sống?

Nói bằng giả là nói đến nghĩa bóng, tức là trình độ giả, năng lực thực tế không tương xứng với bằng cấp. Còn nếu như ai đó sử dụng bằng giả theo đúng nghĩa đen, nguy cơ lớn phải đối diện với sự điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Hiện nay, do nhu cầu mưu sinh, cần việc làm ổn định mà một bộ phận dân chúng vẫn coi bằng cấp là yếu tố quan trọng, quyết định nên đã bị cuốn vào vòng xoáy xã hội, vòng xoáy của những toan tính thiệt hơn, của lợi ích kinh tế. Nhìn vào thực tế một người phải vất vả nhiều năm mới có được tấm bằng tiến sỹ, thạc sỹ khiến nhiều người “nản”, tính tới phương án mua bằng tiền.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa xã hội không có trách nhiệm trong việc đẩy một bộ phận người dân phải sử dụng bằng giả.

Bằng giả có đất sống là do những kẽ hở tạo ra từ bộ máy công quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước. Một bộ phận cán bộ công tác trong các cơ quan này đã không vượt qua được lòng tham, giá trị vật chất dẫn đến việc tuyển dụng sai quy định. Họ thiếu sự công bằng và đức độ cần thiết để giữ vai trò là nhà tuyển dụng.

Thưa ông, điều này có xuất phát từ tâm lý trọng bằng cấp?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bằng giả, bằng thật nhưng học giả hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng do xã hội quá coi trọng bằng cấp. Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng không nên phê phán việc này, chúng ta trọng bằng cấp là trọng tài, trọng người thực học. Nếu không trọng bằng cấp thì sẽ xảy ra tình trạng "đánh bùn sang ao", ai cũng giống ai.

Tuy nhiên, việc trọng bằng cấp cần nhìn nhận ra sao mới là vấn đề cần bàn. Một mặt coi trọng bằng cấp nhưng một mặt phải chú ý tới chất lượng đào tạo, chất lượng lao động, và có sự đánh giá qua thời gian làm việc. Nếu người bằng cấp cao mà trong công việc lại thiếu hiệu quả, cần xem xét lại, ngược lại những người bằng cấp chưa có nhưng trong công việc luôn chủ động, sáng tạo cần được nhìn nhận khách quan, khen thưởng, trọng dụng kịp thời.

Tuyển dụng và sử dụng lao động đúng năng lực thì người học phải học khác và thi kiểu khác. Tuyển dụng và sử dụng như thế nào người học sẽ học và người dạy sẽ dạy như thế.

Như vậy, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có yếu tố quyết định trong việc sử dụng nhân lực thưa ông?

Muốn thay đổi vấn nạn học giả, bằng giả phụ thuộc vào yếu tố con người, vào đạo đức và tài năng của nhà quản lý. Do vậy để nạn học giả không còn đất sống, phải thực hiện tốt việc quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, từng vị trí công tác. Bên cạnh đó phải trả lương cao cho người lãnh đạo, trả lương gánh với trách nhiệm, buộc họ thực hiện tốt vai trò nhà quản lý của mình. Bởi, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hơn ai hết là người hiểu rõ năng lực sở trường, sở đoản của nhân viên.

Tôi cho rằng, trong công tác cán bộ, quan trọng nhất là việc công tâm trong sử dụng con người, với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển cơ quan, đơn vị, không đặt nặng lợi ích bản thân, lợi ích cá nhân phải đặt sau lợi ích tập thể.

Nói tóm lại vấn đề này phải quy về phạm trù đạo đức. Đạo đức là điều không thể thiếu với người làm công tác cán bộ nói riêng và làm người nói chung. Nói tu dưỡng đạo đức nhưng cũng đồng thời là rèn luyện tài năng. Đức và tài phải luôn song hành, không tách rời. Nhiều người có quan niệm đức và tài là hai phạm trù tách biệt, thực tế không phải như vậy. Người có tài sẽ chuyển hóa thành đức, ngược lại, đức hóa tài.

Một cán bộ thanh liêm, mẫu mực, mẫn cán đương nhiên sẽ chuyển hóa thành tài cuốn hút quần chúng nhân dân, được dân tin yêu và mến phục. Ngược lại một vị quan tham, nói dân không nghe.

Theo Hải quan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang