Vì sao Bộ Giáo dục “bác” cộng điểm Bà mẹ Anh hùng?

author 19:02 16/07/2013

(VietQ.vn) – Vì lý sức ép của dư luận và cấp trên...

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam chiều nay, 16/7, ngay sau khi công bố Quyết định bãi bỏ việc cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, một cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc rất kỹ trong sáng nay, và là một “nỗi đau của ngành Giáo dục”.

Phác thảo tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ.
Phác thảo tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ.

Ông cho biết, đúng là Thông tư 24 không hề vi phạm pháp luật và cũng không thể biết được, sau này sẽ không có các bà mẹ trẻ được phong Anh hùng, vẫn muốn học Đại học.

Nhưng trước sức ép của cấp trên, của một số tờ báo và trang thông tin điện tử, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định bãi bỏ Quyết định này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong muốn các phóng viên viết về Giáo dục bình tĩnh, cân nhắc khi đưa tin, tránh làm lớn vấn đề không cần thiết.

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phạm Ngọc Phương cho biết, Văn phòng đã tham mưu xử lý tình huống này bằng cách gửi văn bản giải thích tới các cơ quan truyền thông và điều chỉnh những nội dung cần thiết vào năm sau. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn quyết định phải bãi bỏ.

Nhiều chuyên gia truyền thông nhận định, việc làm này có thể sẽ khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu thêm những lời phê phán của dư luận.

Dưới góc độ luật pháp, ông Luật sư Lê Cao, Công ty luật hợp danh FDVN cho rằng, pháp luật là công cụ không thể thiếu trong một nhà nước pháp quyền, những chính sách, quy định đúng đắn phù hợp với thực tiễn sẽ giúp nhà nước làm tốt hơn chức năng thể hiện quyền lực quản lý xã hội được người dân trao. Một xã hội dân chủ bình đẳng nhưng được vận hành trong trật tự vẫn là mô hình mà xã hội loài người từ Đông sang Tây đang cố gắng hoàn thiện. Trong quá trình đó, không khỏi có những sai sót lầm lẫn, tuy nhiên chính sách pháp luật xa rời thực tế một cách quá trớ trêu là điều người dân khó lòng chấp nhận được. 

Bàn về lập pháp, lập quy những năm qua thỉnh thoảng lại thấy ở nước ta có những quy định hoặc những dự thảo quy định không thể nào đi vào thực tế vì quá xa rời thực tiễn đời sống. Từ ngực lép không được đi xe gắn máy, bán thịt trong vòng 8 giờ, nay thì Bộ GDĐT ưu tiên điểm thi Đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng và những người tham gia kháng chiến trước 1945 … đều là những chuyện nằm ngoài khả năng pháp luật có thể chạm vào thực tiễn. 
 
Những câu chuyện như vậy không chỉ là những bông đùa tếu táo của cuộc sống, chính quyền các cấp có những ban bệ tham mưu, nghiên cứu, soạn thảo chính sách, pháp luật rất quy cũ tốn kém tiền bạc của nhân dân. Thế nhưng những quy định bi hài của cuộc sống vẫn thỉnh thoảng lại làm người dân choáng váng và ngao ngán. 
 
Vì nói là sống trong một nhà nước pháp quyền nhưng thực tiễn lại chưa cho rằng chúng ta đang tuân thủ nguyên tắc đó trong từng nhịp đập chung của cuộc sống. Việc dễ dãi trong việc ban hành một quy định trên trời, thiếu thực tiễn và những quy định vi hiến, trái với các văn bản pháp luật có hiệu lực cao hơn bắt nguồn từ thói quen sống bằng “luật rừng” trong đời sống xã hội. 
 
Chúng ta thử hỏi có hay không việc một bộ phận không nhỏ người dân dùng tiền bạc, quà cáp biếu xén cho người này, người kia để đi những cánh cửa chính sách mà luật pháp chỉ là cái thảm lót bị đè lên trên đó?
 
Có hay không việc một bản án, một quyết định, thậm chí là một quy hoạch tổng thể mở đường sá, xây nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện … đều xuất phát từ những lợi ích cá nhân, nhóm người chứ không phải là xuất phát từ đòi hỏi thực sự của cuộc sống?
 
Chính sách pháp luật mà thiếu luôn hai nguyên tắc phù hợp với thực tiễn và tuân thủ quy định có hiệu lực cao hơn là sự biểu hiện của sự tùy tiện, chính sách pháp luật được gọi tên đó không mang đủ trong tự nó bản chất thực sự của một quy phạm pháp luật, để có thể đi được vào cuộc sống và phục vụ cuộc sống. 
 
Khi nào vẫn còn khoác trên mình một khái niệm pháp quyền bóng bẩy nhưng bên trong đó không có một thể chế mang đầy đủ yếu tố của một nhà nước pháp quyền đầy đủ, và khi các cơ quan, người có thẩm quyền vẫn mặc nhiên được pháp ngẫu hứng vung vẩy trong cái áo khoác pháp quyền đó, thì những quy định bi hài vẫn sẽ xuất hiện. Đó là tác động đáng báo động đối với đời sống xã hội chứ không phải là một câu chuyện chỉ để cười. 
 

Hoàng Lan - Mai Anh Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang