Vì sao các vụ giết người ghê rợn thường tập trung ở vùng nghèo?

author 11:48 11/08/2016

(VietQ.vn) - Các vụ “thảm sát” xảy ra thời gian gần đây chủ yếu đều ở các vùng quê, vùng núi, nơi có nhiều dân nghèo chứ ít khi xảy ra trong các thành phố lớn.

Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ thảm sát khiến dư luận xã hội hết sức hoang mang, sợ hãi... Những người nghiên cứu pháp luật, những người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp cũng không khỏi băn khoăn về hiện tượng bất thường này.

thảm sát ở lào cai

Cơ quan chức năng đang đưa một nạn nhân trong vụ thảm sát ở Bát Xát, Lào Cai lên bờ.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), những vụ giết người nghiêm trọng diễn ra ngày càng nhiều hơn là một hiện tượng xã hội, trong lĩnh vực khoa học xã hội. Để làm rõ nguyên nhân, điều kiện và có các giải pháp xử lý, giảm bớt sự nguy hại cho xã hội chính là công tác phòng ngừa tội phạm, thuộc lĩnh vực tội phạm học.

Để chỉ ra các nguyên nhân chính xác của hiện tượng này, theo Luật sư Cường có lẽ phải thực hiện một cuộc điều tra xã hội học, phải nghiên cứu một đề tài khoa học pháp lý ở trình độ thạc sỹ hoặc tiến sĩ thì mới có thể có một kết luận đúng đắn, chính xác, đóng góp tầm lý luận, chỉ ra các giải pháp tích cực, hiệu quả cho công tác đấu tranh, phòng và chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm giết người hàng loạt.

Nếu như chỉ nghiên cứu trên một vài vụ án gần đây như vụ thảm sát tại Yên Bái, tại Nghệ An, tại Bình Dương, Bắc Ninh..., và vụ thảm sát 4 người ở Lào Cai mới đây thì có thể thấy một số điểm chung sau đây:

Đặc điểm của người phạm tội: Hầu hết những người phạm tội trong các vụ thảm sát gần đây ở nước ta là những người ở độ tuổi còn rất trẻ.

Những người phạm tội trong các vụ án dạng này thường học vấn không cao; bị sốc về tâm lý; thiếu thốn về mặt tình cảm, không cân bằng trong điều kiện phát triển nhân cách.

Họ hành động, thực hiện hành vi giết người thường từ những nguyên nhân "không đâu", thường là mâu thuẫn bột phát về tình cảm, về quyền lợi kinh tế... Chứ không phải là những mâu thuẫn lớn, lợi ích kinh tế lớn. Có nghĩa là những nguyên nhân, động cơ, mục đích thực hiện hành vi giết người rất bất ngờ, những động cơ này ở người bình thường thường sẽ không có hành động như vậy, có thể nói rằng khả năng nhận thức về hành vi và khả năng điều khiển hành vi của các hung thủ trong vụ thảm sát thường rất kém. Họ thực hiện hành vi giết người hàng loạt một cách hết sức bất ngờ, không ghê tay... nhưng sau khi sự việc xảy ra thì lại rất run sợ, lo lắng và mong tha tội chết

Điều đó chứng tỏ nhận thức về pháp luật, về xã hội của các đối tượng gây án trong các vụ thảm sát ở nước ta thời gian gần đây không tốt. Nói cách khác là sự hình thành nhân cách của họ rất có vấn đề, hay "bất bình thường về tâm lý". Dưới góc độ tâm lý học thì những người này thường có khí chất nóng hoặc ưu tư pha chút bất bình thường về tâm lý.

Luật sư Đặng Văn Cường

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, nguyên nhân hình thành nên tính cách, con người như vậy có nguồn gốc từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Gia đình: Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong một gia đình không có hạnh phúc; thiếu thốn tình cảm của cha hoặc của mẹ; Bị đối xử tàn ác, bất bình đẳng... thì thường sẽ có "khuyết tật" về sự hình thành nhân cách. Những đứa trẻ như vậy dễ trầm cảm, hay nổi nóng, cáu gắt vô cớ hoặc chúng thường có những hành vi rất tàn nhẫn mà chúng vẫn nghĩ là bình thường.

Nhà trường: Những đưa trẻ được đến trường, được giáo dục một cách đầy đủ, bài bản ở mức độ "phổ thông" kết hợp với sự quan tâm, giáo dục của gia đình thì sẽ phát triển tốt về nhân cách, như bác Hồ nói là nhân cách con người "Phần nhiều do giáo dục mà nên".

Tuy nhiên, với những đứa trẻ không được tới trường, phải bỏ học giữa chừng hoặc là những học sinh cá biệt, bị phân biệt đối xử trong môi trường học đường thì rất dễ dẫn đến tâm lý bất thường, nhận biết về xã hội, về cuộc sống không đầy đủ, thiếu ý thức tôn trọng người khác...

Xã hội: Như Mac nói: "Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". hay nói một cách đơn giản là "Nếu anh nói anh chơi với ai, tôi biết anh là người như  thế nào"... qua đó có thể thấy môi trường sống của con người, môi trường giao tiếp xã hội là điều kiện trực tiếp để hình thành nên nhân cách con người.

Các cụ xưa nói "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Nếu những đứa trẻ sống trong môi trường "chém giết", "đồ tể" hoặc sống trong thế giới ảo của các trò Game bạo lực thì rất dễ bị kích động và có tâm lý coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác.

Môi trường sống lạc hậu, phạm vi giao tiếp hẹp cũng có thể dẫn đến những nhận thức không đầy đủ về quyền con người, quyền sống, quyền được tôn trọng, bảo vệ về tính mạng, sức khỏe... thêm vào đó là nhận thức pháp luật không đầy đủ, không hiểu được hậu quả pháp lý mà mình phải gánh chịu nếu thực hiện hành vi giết người... Chính vì thế mà các đối tượng phạm tội ở vùng sâu, vùng xa thường lạnh lùng, tàn độc hơn những đối tượng có học thức, có nhận thức, được giáo dục đầy đủ ở môi trường đồng bằng, thành thị.

Khi một người được giáo dục đầy đủ, phát triển bình thường về tinh thần, thể chất, đạt được mức độ nhận thức, văn hóa phù hợp với môi trường sống hiện đại thì người đó sẽ rất biết tôn trọng người khác, tôn trọng ở đây không chỉ là tôn trọng tính mạng, tôn trọng quyền tự nhiên của con người - quyền sống, mà còn tôn trọng tới sức khỏe, tài sản, danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi xâm phạm tới quyền lợi của người khác thường phải có những nguyên nhân hết sức rõ ràng.

Trong các vụ thảm sát gần đây ở nước ta thì thường thấy các hung thủ có văn hóa và nhận thức pháp luật rất thấp, ngoài ra sự phát triển tâm lý không bình thường của hung thủ cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến hành vi giết người.

Hình ảnh về thảm sát xảy ra ở Yên Bái làm 4 người chết

Ngoài ra, với người bị hại cũng thường thiếu kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho mình trước những tình huống nguy hiểm. Với những môi trường cách biệt khu đông dân, vùng núi hẻo lánh, thời gian vào ban đêm... là những thời gian, địa điểm mà các đối tượng thường ra tay giết người. Một hoặc hai đối tượng thường giết nhiều người... chứng tỏ khả năng giải thoát, ứng đối, phối hợp của những người bị hại chưa tốt dẫn đến không thoát khỏi sự truy sát của hung thủ đơn độc.

Từ đó cho thấy, để giảm thiểu các vụ án giết người nói chung và các vụ thảm sát nói riêng, theo Luật sư Đặng Văn Cường thì không có cách nào khác là phải thực hiện bằng con đường giáo dục, phát triển, hình thành nhân cách con người. Phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; phải có hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn chỉnh, nhân văn và phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để mọi công dân đều biết, chấp hành và sử dụng để bảo vệ mình.

“Để hung thủ không thực hiện hành vi giết người thì cần phải nhận diện và loại bỏ các nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Cần phải nâng cao nhận thức văn hóa của mọi công dân, nâng cao ý thức tôn trọng cộng đồng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, đặc biệt là tôn trọng tính mạng, sức khỏe của người khác.

Chỉ đến khi con người biết tôn trọng bản thân, tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì con người đó mới ít thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, cần phải giáo dục, rèn luyện khả năng kiềm chế bản thân, khả năng điều khiển hành vi của mình để không vì một phút nông nổi, thiếu kiên nhẫn, thiếu kiềm chế để rồi thực hiện hành vi phạm tội’, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích. 

HOÀNG NGUYÊN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang